Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Tỉnh Bình Định

         

Lạm bàn Phát Triển tỉnh Bình Định

      G s Tôn Thất Trình


                                                                   
                                                                      Ai về Bình Định mà coi
                                                               Con gái Bình Định cầm roi đi quyền
               ( nói về 5 bậc anh thư: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn,Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và  Hùynh Thị Cúc đội nữ binh Tây Sơn giỏi kiếm cung, côn quyền ).



                                                                     Công đâu công uổng công thừa,
                                                                Công đâu múc nước tưới dừa Tam Quan .
                                                                     Tiếng ai than khóc nỉ non,
                                                                Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông .
                                                                     Nước Ba Tơ  chảy vô Bình Định  
                                                               Nhắn bạn chung tình tránh nịnh, chớ theo.
                                             ( nói về sông An Lão bắt nguồn ở huyện Ba tơ , tỉnh Quảng Ngãi)

                                                                      Anh về Đập Đá, Gò Găng
                                                               Để em kéo vải sáng trăng một mình
                                                                     Tam Quan đất tốt trồng dừa
                                                               Nam thanh nữ tú cho vừa ý anh.
              (Đập Đá là một thị trấn thuộc huyện An Nhơn, nón Gò Găng là nón đặc biệt  Bình Định)

       Thử mở đầu  dài dòng phát triển văn chương  thi ca– văn hóa, bằng những bóng giai nhân,  ít ai nói đến, của nhà thơ Bình Định Hàn Mặc Tử, thơ trử tình nhất trong nhóm các nhà thơ trẻ Bình Định các năm 1928- 40 ( ? )  


            Hàn Măc Tử tên thật là Nguyễn trọng Trí , sinh ngày  22 tháng 9 năm 1912   tại  Lệ Mỹ - Đồng Hới ,tỉnh Quảng Bình, học tiểu học ở Qui Nhơn,  rồi học trường trung học Pellerin - Huế. Năm 1930 thôi học về lại Qui Nhơn và chết ngày 11  tháng 11 năm 1940 tại nhà thương cùi - hủi Qui Hòa -Qui Nhơn . Năm 1932,  làm sở Đạc Điền, mượn tòan sách  về Baudelaire, Valérỵ Lamartine , Mallarmé, Le Breton, Gerard de Nerval và Jean Laforge, học xá Pháp Việt của Linh Mục  Maheu  giám đốc  Bệnh Viện Qui Nhơn ,người  đã khởi công xây   dựng năm 1929  trại phong cùi  Qui Hòa, hòan thành  năm 1932.  Mùa Thu năm 1935 , Hàn Mặc Tử  vào Sài Gòn làm báo,  ban đầu giữ trang văn chương  cho tờ Sài Gòn ,rồi viết cho tờ Công LuậnTân Thời,   Hàn Mặc Tử  chuyễn từ địa hạt  thơ Đường sang địa hạt thơ mới, sau môt năm trở về Qui Nhơn, gom góp các bài thơ đã làm ở Sài Gòn cùng một số khác  thành tập “ Gái Quê “ , xuất bản cuối năm 1936 . Thơ mới ra đời trước đó ít lâu , nhưng phải nói là nhờ các nhà thơ trẻ Bình Định , phong trào thơ mới  được  phát triễn mạnh; niêm luật  khắc khe của thơ Đường luật đã tan vỡ  , nhường chổ  cho một cách diễn đạt  trử tình , cuồng nhiệt và thành thực . Các nhà thơ trẻ Bình Định cần nhắc tới là Hàn Măc Tử , Chế Lan Viên, Yến Lan,  Bích Khê  và Quách Tấn  một nhà thơ cổ điển, nhưng vẫn giữ mối liên lạc chặc chẻ với  nhóm này . Thơ mới của Hàn Mặc Tử , mới ở  tình tứ và hơi văn . Về hình thức,  Tử bỏ sự đối cặp  và hạn chế số câu văn của luật thơ Đường . Còn  vẫn giữ nguyên thể thức và âm điệu,.


          Theo Đổ như Điện  ( Dòng Việt năm 2007, San Diego Mùa Đông 2005 ) , các nhà khảo cứu văn học viết về Hàn Mặc Tử thường nhắc  tới 6  mối tình đầu trong đời thi nhân là Hòang Cúc, Mộng Cầm , Mai Đình, Ngọc Sương , Thanh Huy và Thương Thương. Nhưng  Hàn còn có đến 3  bóng giai nhân nữa là Thu Hà, Thu Yến và Mỹ Thiện  . Mối tình đầu cô tiểu thơ Huế  Hòang thị Kim Cúc, với sáng tác bất hủ bài thơ Đây Thôn Vỹ  Dạ. Mộng Cầm cháu gọi Bích Khê là cậu ruột,  học y tá ở Mũi Né , tình đẹp như mộng khi hai người cùng sánh bước trên bải cát vào những đêm trăng  lúc thì ở Mũi Né khi tại lầu Ông Hòang Phan Thiết , Hàn đọan giao  với mọi bạn hửu  khi mắc bệnh cùi .  Ở bài Những Giót Lệ  trong tập Đau Thương khi Mộng Cầm đi lấy chồng . Mai Đình nữ sĩ  tên thật là LêThị Ngọc Mai,  gốc tỉnh Thanh Hóa, nhưng theo cha vào Phan Thiết  rồi dạy nữ công gia chánh Sài Gòn,  yêu Hàn vô cùng  sau khi đọc tập  Gái Quê , viết bài  Biết Anh tặng Hàn. Hàn Mặc Tử đã sáng tác hai bài thơ đáp lễ Mai Đình là Lưu LuyếnThắm Thiết. Thương Thương, một  cô nữ sinh trường Đồng Khánh con gái của cụ Thượng thơ Bộ  Học Trần Thanh Đạt,   các năm 1940 - 42 làm tuần vũ Phan Thiết - Bình Thuận, nguồn cảm hứng sáng tác Cẩm Châu Duyên và hai vỡ kiịch thơ Duyên Kỳ NgộQuần Tiên Hội;  Sau đây là 5 cô gái bạn  thơ tình của nhà thi sĩ  trử tình Bình Định còn ít người biết tới :  

         - Thu Hà trên chuyến đò ngang. Trên chuyến đò sớm về  Gia Hội,  Hàn nhìn lên, bắt gặp ánh mắt  xinh đẹp của một  thiếu nữ mặcáo tím than,. Sau này mới biết là  Thu Hà , một cựu nữ tu dòng Kim Đôi . Hàn gửi gắm cảm xúc  rên bài thơ “Chuyến Đò Ngang” :
                                  Chẳng hẹn, hò sao gặp gỡ đây ?
                                  Người thì như tỉnh, kẻ như say ,
                                  Trong veo  làn nước soi đôi mặt,
                                  Xa tít quê nhà một trỏ tay.
                                 Tâm sự mới trao, bờ đã đến
                                 Nỗi niềm  chưa cạn, khách về ngaỵ
                                 Ba sinh duyên nợ âu là thế
                                 Một chuyến đò đưa nghĩa một ngày.

 Độ nữa năm sau,  Hàn  nhận một tấm ảnh bán thân  và 4 câu thơ,  2  câu trích dẫn :
                               Ai  về Gia Hội nghe gà gáy ,
                               Hãy sớm sang sông kẻo lỡ  đò.

        - Thu Yến, mối tình câm nín. Bà con xa với Hàn; về vai vế Hàn phải gọi Thu Yến là chị . Vì nhỏ tuổi hơn Trí,  nên gọi Trí bằng anh. Nàng không nhận được tín hiệu nào từ Hàn, vốn dĩ nhút nhát,  nên mối tình câm lặng lẽ ra đi . Tâm sự Hàn ghi  lại tronhg bài thơ Buồn Thu :
                              Ấp úng không ra được nửa lời
                              Tình Thu bi thiết lắm Thu ơi!
                              Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
                              Hiu hắt hơi may  thỏang lại  rồi.
                              Nằm gắng đã không thành mộng được
                              Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi,
                              Ngàn trùng bóng liễu trong xanh ngắt,
                              Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.

           - Ngọc Sương, người trong ảnh, chị của thi sĩ Bich Khê cùng nhóm thi sĩ trẻ Bình Định với Hàn. Ở tấm  ảnh  chụp chung với Bích Khê,  hình Ngọc Sương đẹp lộng lẫy. Hàn  bộc lộ. kín đáo  ảnh sinh tình trong bài Người Ngọc:

                               Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối
                                Sương ở cung Thiềm gió chẳng thôi.
                               Tình ta khuấy mãi không thành klhối
                                Nư giận đôi phen cắn phải môi.
                          …  A ha ! Ta vốn ngườii trong mộng
                               Hư  thực như là một ý thơ,
                               Ta đi góp  nhặt từng tia sáng
                               Và kết duyên tình để ước mơ ….  
                                ...
      - Thanh Huy,  bức thư xanh ..  tên thật là Võ Thị Thu  Huy, chị thứ hai của Võ Đình Cường có lúc làm Phó Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, theo cha vào Phan Thiết . Bức thư  yên ủi Thanh Huy gửi cho Hàn là động lực Hàn viết gửi lại Thanh Huy bài BứcThư Xanh.:

                        …  Đây dòng chữ nữa hư và nữa thực
                              Lời nao nao như hàng lệ rưng rưng,
                              Tình đã húp, sao ý vẫn còn sưng ?
                              Sao giấy lại tháo mồ hôi ra thế ?
                          ...Ta muốn nàng ngất lịm ở trong tay,
                              Để ta xé  bức thư ra vạn mảnh .
                              Tung theo gió là trăng bay hồn lạnh,
                              Là nhạc say ngã ngớn giữa nguồn thương,
                              Là tình ta còn gì nữa vấn vương,
                              Tan thành bọt hư vô như khí hậu.
                              Thanh Huy hỡi, nàng chưa là châu báu,
                              Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ?
                               Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ
                               Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm.
                          … A! Thanh Huy! Thanh Huy! Thanh Huy !
                               Ta cắp nàng bay cao hơn tiếng nhạc,
                              Cho nàng hớp đầy môi hương khóai lạc,
                              Cho hồn nàng đính  chặc với hồn ta
                              Tình đôi ta muôn kiếp gỡ không ra.
 Chính bài này làm cho Thanh Huy hỏang sợ và không còn liên lạc với Hàn nữa.



    -  Mỹ Thiện , cô gái đồng trinh.  Tên thật là Cung Thị Mỹ Thiện, một cô gái Huế con một ông giáo vào Qui Nhơn dạy học. Mỹ Thiện là một cây đàn tỳ bà lỗi lạc, lại giỏi đàn đủ năm cây :  tranh, tỳ ,nhị, nguyệt,  bầu. Hàn tả nàng trong bài Đàn Ngọc :  

                      Và đôi mắt ai rười rượi buồn,
                           Ngón tay trên phím nhẹ sầu buông,
                           Trễ tràng mái tóc gây thương nhớ,
                           Chỉ bấy nhiêu thôi đủ vấn vương .

       Khi nghe Mỹ Thiện quyên sinh từ giả cuộc đời, Hàn cảm thương cho  người con gái tài hoa bạc mệnh, gửi gắm tâm sự vào bài thơ Cô Gái Đồng Trinh :

                       … Đêm qua trăng vướng trên cành trúc,
                           Cô làng giềng bên chết thật rồi .
                           Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mãi
                           Chưa hề âu yếm ở trên môi .
                           Xác cô thơm qúa, thơm hơn ngọc,
                           Cả một mùa xuân đã hiện hình
                           Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi
                           Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh ….



   Tổng quát về tỉnh Bình Định

   Vị trí.



Tọa độ tỉnh Bình Định là 140 10 ‘ Vĩ tuyến Bắc và 1090 kinh ruyến Đông . Diện tích thiên nhiên là 6 025 km2 . Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi,  Nam giáp tỉnh Phú Yên,Tây giáp tỉnh Gia Lai , Đông là biển Đông .  Phía Bắc cách Hà Nội 1065 km  và TP Đà Nẳng 300km cũng phía Bắc tỉnh nhà, cách Sài Gòn-  TP HCM 686 km về phía Nam,  cách  của khẩu Quốc tế Lào - V iệt Bờ Y - tỉnh Kon tum 300 km về phía Tây tỉnh Bình Định là một trong 5 tỉnh  chánh của Vùng Kinh tế Then chốt miền Trung Việt Nam  ( các tỉnh khác là Thừa Thiên - Huế , Đà  Nẳng , Quảng Nam và Quảng Ngãi) . Vùng kinh tế này khác với phân chia năm 2002 về hành chánh  là Bình Định thuộc  Duyên Hải Nam Trung Bộ và Thừa Thiên- Huế lại thuộc Bắc Trung Bộ. Bình Định nằm chính giữa  đường  Nam - Bắc( Quốc lộ 1A và đường xe lữa Xuyên Việt ) là một cổng  thuận lợi nhất ra Biển Đông  cho Tây Nguyên ( Cao Nguyên Trung Phần thời Cộng Hòa ) , miền Nam Lào , Đông Bắc Căm Bốt  và Thái Lan ( xuyên qua  Quốc l ộ 19  và  hải cảng quốc tế  Qui Nhơn ) . Nhờ có phi trường Phù Cát  chỉ cần một giờ máy bay là đi từ Bình Định đến Hà Nội hay từ Bình Định đến Sài Gòn.  Trong tương lai  khi hải cảng  Nhơn Hội  ở vùng kinh tế then chốt làm xong , Bình Định sẽ có ưu thế rỏ rệt  về giao thông mĩền địa phương và quốc tế. Qui Nhơn là thị xã tỉnh lỵ và Bình Định còn có thêm 10 huyện là An Lão, An Nhơn , Hòai Ân , Hòai Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ , Tuy Phước, Tây Sơn , Vân Canh và Vĩnh Thạnh.


     Phân phối  dân số , thành phần dân đô thị còn qúa thấp, tuy Bình Định là tỉnh đông dân, thành phần các tộc dân và phân chia hành chánh hiện nay


    Dân số Bình Định năm  1990  là 1 302 500 người. Năm  2000 là 1 481 000 .  Mức tăng dân số  khá chậm từ năm 2000 đến 2007, chỉ trung bình  0 92 % một năm . Tỉ  lệ tăng  trung bình của Việt Nam  là  từ 1.65 % năm 1995,  xuống chỉ còn 1.36% năm 2000. Năm 2009 , Bình Định ghi là 1488 000.  Nhưng có lẽ đã  đã trên 1, 5 triệu rồi, vì thống kê  năm 2002 cho biết năm 2002 dân số Bình Định đã  1513 100.  Năm đó, dân số Bình Định đã vượt dân số  tỉnh Quảng Nam (1 420 000 năm 2002 ),  thành tỉnh đông dân nhất  Duyên Hải Nam Trung Bộ. Hơn 40 % dân số Bình Định tập trung  ở Thị xã Qui Nhơn ( dân số  năm 2009 là 280 900 ) và hai huyện phụ đô thị  là An Nhơn và Tuy Phước. Dân số cũng khá đông đúc  ở phía Bắc huyện Hòai Nhơn, năm 2009 đã là 206 700 và mật độ dân số là 499/km2.  Trái   lại mật độ dân số chỉ  30-40 người/ km2 ở các huyện Vân Canh, An Lão  và Vĩnh Thạnh.  Mật độ Thị xã Qui Nhơn là  982. Tính đến năm 2009, thành phần dân đô thị Bình Định chỉ đến  27.8 %, tuy đã tăng  lên thêm so với năm 1995 chỉ  là 19% và năm 2000 là 24.6 %.Như vậy, khó lòng đạt mức 40 % chánh quyền dự  định cho tòan cỏi Việt Nam là 40% vào các năm 2015- 2020 .

         Các đất thấp phía Đông tỉnh và ở huyện Tây Sơn khá thuần nhất  trên phương tiện các tộc dân, đa số là dân Kinh. Tộc dân ít người Ba Nà ( Bahnar ) rải rác  tại 3 huyện là An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.  Vài người  tộc dân H’re  sinh sống ở An Lão và vài người Chàm ở Vân Canh.  Dân cư Huyện Hòai Ân phần lớn là Kinh -Việt, nhưng tại vài xã  xa xôi hẻo lánh  chủ tri là người các tộc dân Ba Nà và H’re .     
  

        Lịch sử hình thành tỉnh Bình Định



     Bình Định là một nơi tộc dân Chàm lần đâu tiên đến Việt Nam. Từ cuối thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, giống người Malaya- Polynesien  từ các hải đảo tràn  đến ở các đồng bằng Trung Việt, từ Khánh Hòa đến núi Hải Vân tỉnh Quảng Nam. Khi người Chàm bước vào lịch sử năm 192 cuối đời Đông Hán,  con của công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên giết quan huyện lệnh, tự lập làm vua. Theo Maspéro,  đời nhà Tần - Trung Quốc,  có một thành phố tên là Lâm Ấp hay Tượng Lâm  ở vùng Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam ngày nay, biên giới phía Nam Tượng Quận vào đến Mũi Diều ( Cap Varella ). Nhắc lại là Tượng Lâm  là huyện cực Nam  của quận Nhật Nam, một trong 3 quận vua Hán võ Đế năm  111, chia đất Tượng Quân  của nhà Tần ra làm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.  Nhân vật Khu Liên có thể là Xri Mara, tự xưng là Chàm hay Chiêm Bà - Champa.  Sử Tàu gọi  vương quốc Khu Liên lập ra là Lâm Ấp , lấy đất Qủang Nam ngày nay làm  trung tâm điểm, dựng đô ởTrà Kiệu. Thật sự nước Lâm Ấp - Chiêm Thành lúc đo chia ra  làm 3 khu vực ( có khi là 4 ) lớn: Bắc là Amarâvâti,  ở đó có Indrapura là Đồng Dương, có thành phố Sinharpura trên sông Thu Bồn,  ởTrà Kiệu. Cả hai đã  là quốc đô của người Chàm . Phía giữa là Vijaya, tức là vùng Bình Định ngày nay. Phía Nam là Pandarunga- Phan Rang. Thành phố Khánh Hòa Yanpunagara có khi là thủ  phủ khu vực thứ tư.

Phụ nữ Chăm đội chiêt (giỏ) thuốc dân tộc

     Năm  1069, Vua Lý Thánh Tông  thân chinh, đầu tháng 3 đến cửa Thị Nại. Vua Chiêm Chế Củ  bỏ thành Trà Bàn- Đồ Bàn- Thành Vijaya  trốn chạy về Nam . Vua sai Lý Thường Kiệt đuổi theo, bắt được Chế Củ ở  biên giới Chân Lap ( Phan Rang - Phan Thiết ), cầm tù 5 vạn quân Chiêm . Chế Củ dâng 3 châu Bố chính, Địa lý, Ma linh và được tha về . Từ đó mãi  đến năm 1471, trên hơn 400 năm,  chiến tranh biên giới Chiêm Việt  tranh dành đất đai xảy ra liên miên,  có lúc vua Chiêm anh hùng là Chế Bồng Nga  ba lần ( ? ) đánh Thăng Long, thu hồi lại những đất đai Chế Củ dâng chuộc tội .

    Năm 1470 , vua Chiêm  Trà  Tòan đem hơn 10 vạn quân thủy bộ đánh chiếm Hóa Châu.  Kinh lược sứ Thuận Hóa cự không nổi, phi báo về triều đinh. Vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh. Tháng giêng năm  1471, vua làm bài “ Bình Chiêm Sách”  , sai dịch ra quốc ngữ để hiểu dụ quân sĩ, đem 1000 chiến thuyền và 70 vạn  tinh bình tiến đánh Chiêm Thành, đánh tan quân Chiêm do em Trà Toàn chỉ huy ở Sa Kỳ-  tỉnh Qủang Ngãi (  ? ), tiến binh chiếm Trà Bàn, chém đầu hơn 4 vạn quân Chiêm, bắt Trà Toàn và hơn 3 vạn người. Sau khi chiếm Trà Bàn, một tướng Chiêm là Bố trì trì, chạy vào Phan Rang , xưng vương, nhưng chỉ giữ được hơn 1/5  đất đai cũ của Chiêm . Bố trì trì xin xưng thần và nạp cống.  Nhân cơ hội,  Vua Thánh Tông chia đất còn lại của Chiêm Thành  ra làm 3 cho yếu thế đi : nước Chiêm Thành từ núi Thạch Bi trở về Nam, Nam Bàn từ núi này trở về Tây và Hoa Anh một nước mòn mỏi, suy yếu, ít ai khảo cứu .Trong các đất đai vua lấy miền Vijaya, đặt  ra phủ Hòai Nhơn,tức là tỉnh  Bình Định ngày nay. :Phủ Hòai Nhơn  thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam, một trong 13 đạo Thừa tuyên nước nhà lúc đó .    

        Khi chúa Tiên Nguyễn Hòang  làm trấn thủ hai xứ  Thuận Hóa và Quảng Nam,  năm 1604 chúa cải đặt  tên hai xứ này . Xứ Quảng Nam vào đến phủ Hòai Nhơn và biên giới cực Nam là huyện Tuy Viễn, nay là huyện Tuy Phước. Bên kia Tuy Viễn vẫn là đất Chiêm Thành. Năm 1611, Chúa sai Văn Phong đi đánh, lấy đất Phú Yên ngày nay, đặt làm một phủ mới  là phủ Phú Yên chia ra làm 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1651, Chúa Hiền  Nguyễn Phước Tần, đổi tên  phủ Hòai Nhơn thành phủ Qui Ninhnăm 1653 lại đổi tên phủ Qui Ninh thành phủ Qui Nhơn .Tháng 3 năm 1779, chúa Nguyễn Phước Ánh  đem quân đánh Qui Nhơn, có Đông Cung Cảnh hiện  trấn giữ Diên Khánh đi theo. Tháng 6,  Đại Tổng Quản  Tây Sơn Lê văn Thanh,  giữ thành , hết lương, nạp thành đầu hàng. Nguyễn Vương đổi tên thành Qui Nhơn thành Bình Định.



                 Địa hình                 

           




     Đa số đất đai tỉnh Bình Định  được đồi núi non bao phủ . Độ cao từ zerô  ở biển lên đến 1200m trên mặt biển  ở huyện An Lão phía Tây Bắc tỉnh.  Trong khi phần lớn núi non  cũng như các đỉnh cao nhất  nằm ở phía Tây như Núi Ba 1146m  thuộc huyện Vân Canh ,cũng có  nhiều núi khắp tỉnh như núi Chóp Chài 653m  phía Nam huyện Hòai Nhơn ( Bồng Sơn ),  Núi  Hòn Riêng 847 m phía Bắc huyện Phù Mỹ, núi Bà 892m ở huyện Phù Cát, Núi Nong Bong  945m ở huyện Vĩnh Thạnh.; Ngay cả sát bờ biển  núi cũng khá cao như  núi cao 361m ở bán đảo Phước Mai, và núi cao 316m  gần Mũi Én bên kia Qui Nhơn.  Núi cao nhất ở huiyện Tây Sơn ( Phú Phong ) chỉ cao  491m và đèo Cù Mông ở cao độ 245m. Phần lớn các huyện Bình Định có địa hình là một pha trộn giữa đồi núi và đồng bằng thấp. Các huyện An Lão ở Tây Bắc tỉnh,  huyện  Vĩnh Thạnh ở phía Tây, huyện Vân Canh phía Tây Nam phần lớn  núi non. Đồng bằng Bình Định là những đồng bằng nhỏ  tổng diện tích 1550 km2 ( 15 5000 ha ) : Tam Quan , Bồng Sơn , Phù Mỹ , Phù  Cát. Đồng bằng lớn nhất  ở phía Nam tỉnh dọc theo hạ lưu sông Côn, bao gồm phần lớn đất đai thị xã Qui Nhơn, các huyện Tuy Phước, An Nhơn,  phần phía Tây huyện  Phù Cát và phần phía Đông huyện Tây Sơn.  Riêng đồng bằng Qui Nhơn diện tích là 500 km2 ( 50 000 ha ) .  Đây là nơi đa số dân Bình Định sinh sống và các họat động kinh tế tập trung. Núi là ranh giới thiên nhiên với các tiỉnh lân cận .  Đèo Cù Mông  là ranh giới  với tỉnh Phú Yên, nơi quốc lộ 1A chạy ngang qua, tuy rằng cũng có quốc lộ 1D dọc theo bờ biển. Ranh giới với tỉnh Gia Lai cũng  núi non nhiều, có con đường duy nhất  qua đèo An Khê,  giữa các thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn  và An khê   tỉnh Gia Lai . Ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi cũng rất nhiều núi  non,  có quốc lộ 1A và  đường xe lữa Nam - Bắc chạy ngang qua  đèo Bình Đê, gần Tam Quan.



          Thủy lợi.




                                                               Nuớc Lại Giang mênh mang mùa nắng,
                                                               Dòng sông Côn lai láng mùa mưa
                                                               Đã cam tháng đợi năm chờ
                                                               Duyên em đục chịu, trong nhờ quản bao      

( Sông Côn là sông lớn nhất Bình Định, sông Lại Giang hợp với sông An Lão gần thị trấn huyện lỵ huyện Hòai Nhơn, trước khi đổ ra biển).

Sông Côn Bình Định 


        Sông Côn là sông lớn và dài nhất tỉnh , phát nguyên từ núi Ngọc Rô ở huyện KonPlong tỉnh Kon tum . Thượng lưu là sông Dak Cron Bung chảy qua huyện Vĩnh Thạnh. Trung lưu có tên là Hà Giao  chảy qua huyện Tây Sơn. Hạ lưu có nhiều chi lưu  đổ ra Vịnh Qui Nhơn, làm thành một châu thổ phía Bắc Qui Nhơn. Sông Côn là một phương tiện thuận lợi chuyên chở đường sông nội địa tỉnh. Có lẽ đây là  lý do  tại sao  trung tâm quyền lực  chánh  Chiêm Thành trổi dậy từ sông Côn này . Các  sông khác là sông Lại Giang ở trung tâm đồng bằng Hòai Nhơn  và Hoài Ân phía  Bắc tỉnh . Sông Mỹ Cát nằm chính giữa tỉnh   và sông Hà Thanh  chảy  dọc theo thung lũng  huyện Vân Canh phía Nam tỉnh. Hồ lớn nhất  là Hồ Bình Định, một hồ nhân tạo  dùng tưới tiêu  ruộng nương các cao nguyên phía tây Bình Định. Phía tây tỉnh còn có hồ  của thác Vĩnh Sơn,  nay là hồ chứa đập Thủy điện Vĩnh Sơn gần huyện Tây Sơn.  Hai hồ chánh khác là Hồ Núi Một ,  phía Tây Nam tỉnh và Hồ  Hội Sơn  ở trung tâm tỉnh.   



           Tài nguyên khóang chất




      Đá  thạch cương- granit  và một loat đá khác ( granit đỏ và vàng  chỉ tìm thấy ở Bình Định )  , dùng làm vật liệu  xây cất cao phẩm  tập trung ở các đường chánh, trữ lượng lên đến 700 triệu m3. Ilmenit (titanium ) nhiều nhất ở 3 quận Phù Mỹ, Phù Cát và An Nhơn, trữ lượng tổng cọng chừng  2.5 triệu tấn.  Ước lượng bô xít ở Vĩnh Thạnh  là 150 triệu tấn. Cát và cát quartz  phân bố   dọc theo bờ biển, ở các thung lũng và các đất bồi các sông cạn, trữ lượng là 14 triệu m. Bình Định có 5 suối nước nóng ở 2 huyện Phù Cát , Vĩnh Thạnh và Thị xã Qui Nhơn.  Suối nước nóng Long Mỹ gần Qui Nhơn nhất,  đã sản xuất ra nước khóang kim loại  tốt ( đạt tiêu chuẩn quốc tế),   sản lượng chừng 50 triệu lít một năm. Cao lanh tìm thấy ở  huyện Phù Cát và Thị xã Qui Nhơn, trữ lượng khỏang 25 triệu tấn. Sét làm gạch ngói  ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Hòai Nhơn, trữ lượng 13.5 triệu m3.  Vàng  tìm thấy ở các huyện Hòai Ân ,Vĩnh Thạnh và Tây Sơn, ước lượng chừng  22 tấn .

          Hạ tầng cơ sở cho phát triển




         Kể từ khi nhà thầu Mỹ xây cất đường xá Hoa Kỳ theo những kỷ thuật, máy móc  tân tiến  Việt Nam chưa biết trước đó, thời Đệ Nhất Cọng Hòa, mở rộng đường Quốc lộ số 1 9 lên tận biên giới Lào Việt , đèo An Khê nơi tiểu đòan thiện chiến Pháp từ Triều Tiên - Cao Ly đưa về  khinh địch bị phục kích tan tành vỏ khí cơ giới la liệt hai bên thung lũng ,  xóa bỏ đèo Mang Yang ( Giang ) một chiều thành đường thẳng băng  hai chiều … , hạ tầng đường xá,  hải cảng ( Thời Đệ Nhất Cọng Hòa xin Hoa Kỳ viện trợ 50 triệu đô la  tân trang hải cảng Thị Nại  cuối  năm 1959 - 60 không được chập thuận ), phi trường  v.v...đã  mở mang đáng kể . Thành quả là theo chỉ số  Các tỉnh Cạnh tranh nhau năm 2009 , Bình Định đã đạt chỉ số cao nhất các tỉnh miền Trung, đứng thứ hai sau TP Đà Nẳng .



                 Đường bộ, đường sắt, hải cảng , đường sông , phi trường

    
          Chiều dài các quốc lộ Bình Định là 208 km, tỉnh lộ dài 458.5 km. Quốc lộ 1A dài 118 km, chạy suốt tỉnh nhà, nối  các huyện phía Đông  Hòai Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ , An Nhơn và Tuy Phước với các tỉnh còn lại nước nhà . Một nhánh quốc lộ này là Quốc lộ 1D,  dài 19 km ở địa phận  Bình Định , tổng chiều dài là 33 km, nối  Thị xã Qui Nhơn với huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên trên Quốc lộ 1A .  Quốc lộ 19 dài 70 Km trong địa phận Bình Định,  nối tỉnh nhà với Tây Nguyên, Đông Bắc Căm Bốt, Nam Lào và Thái Lan,  ở Việt Nam nối cảng  Qui Nhơn, xuyên qua Bắc Qui Nhơn đến  các thị trấn Tuy Phước, Phú Phong   đến An Khê , Pleiku và cửa khẩu Lê Thanh tỉnh Gia La- Pleiku.  Bình Định có 70 km Quốc lộ 19 . Đường dọc bờ biển dài 170km, nối Nhơn  Hội và Tam Quan,  nhắm  mục đích  phát triễn du lịch. Tỉnh đang xây dựng đường phía tây An Nhơn - Hòai Nhơn  dài 112 km.  Mọi tỉnh lộ và các đường  liên huyện, liên xã đều  đúc bê tông, .tráng xi măng , trải nhựa.  Tuy nhiên các doanh nhân cộng đồng địa phương, gần 65 % , trong  một điều nghiên lại cho là đường xá Bình Định không tốt, khá xấu . Đường bộ là phương tiện chuyên chở quan trọng nhất tỉnh nhà . 22.,77 triệu hành khách (97 % tổng  số) và 7928 tấn hàng hóa  chuyên chở theo đường bộ .

Vùng hải cảng Quy Nhơn, nơi dự kiến xây dựng Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.


           Đa số dòng sông Côn , kế cận ranh giới huyện Vĩnh Thạnh với tỉnh Gia Lai, một khúc sông Lại Giang cho tới thị trấn Bồng Sơn huyện Hòai Nhơn là các đường sông chuyên chở nội địa.  Có một đổi thay đáng kể chuyễn từ  chở hành khách đến chở hàng hóa xảy ra giữa các năm 2006 và 2008 . Năm 2006  số hành khách  là 113 000, xuống  42 000 năm 2007 và các năm 2008 - 2009 chỉ còn 7000. Trong khi chuyên chở nội địa hầu như không có gì năm 2008, đã có mức chuyên chở lên 70  tấn/km năm 2009. Tuy nhiên, con số này nhỏ nhoi so với các thể thức chuyên chở khác trong tỉnh.   

       Đường  xe lữa Nam- Bắc  dài 150 km trong địa phận tỉnh (xem bổ túc ở phần nói về thị xã Qui Nhơn).  Cũng xem  phát triễn các hải cảng, phi trường  ở phần Qui Nhơn.


      Điện nước




        Mạng lưới điện Bình Định gồm các đương dây cao thế 220 KV ,và hạ thế 35 KV,  phân phối qua các trạm biến điên.  Mọi xã phường nay đều có điện: 158 xã phường  nhận điện của mạng lưới điện quốc gia . Chỉ một xã xa xôi là đảo Nhơn Châu dùng điện máy phát điện diesel.                   
      Nước sạch cho khu công nghệ Phú Tài là 8500m3 một ngày. Nước cung cấp cho Vùng  Kinh tế Nhơn Hội dự trù 12 000 m3 một ngày . Giai đọan 1  dự trù cung cấp 9 000 m3 một ngày đang xây dựng.  Dung lượng nước cung cấp cho 9 thị trấn khác của tỉnh là 21 300 m3 một ngày .



        Bưu điện , Vĩễn Thông




     Năm 2009,  Bình Định mới có 74,1 máy cho 100 người.Ttổng số thuê mua là 1.1 triệu ,t ăng nhanh vì năm 2005 chỉ  mới có 101 230 , đặc biệt là máy di động. Cho đến  đầu năm 2014 , tổng số máy điện thọai  tỉnh nhà  là gần 1,7 triệu, trong đó  khỏang 1,4 triệu điện thọai di động và 240 000  điện thọai cố định, nghĩa là  là 115 máy cho 100 người.  Phẩm giá viễn thông  tương đối tốt vì trong một cuộc điều nghiên  70.74 % cho là  tốt đẹp.  Tính đến năm 2009, số người thuê dùng Internet  ở Bình Định là 28 919, tăng lên từ 8716 năm 2006  và  18260 năm 2008. Trong khi điện thọai và mối nối Internet lan rộng, tổng số thơ từ  và điện tín gửi tiền  từ 119 000 năm 2005, giảm  xuống còn 77 421 năm 2009 . Dịch vụ điện tín - telegrams services đã bải bỏ năm 2007.



        Thị xã tỉnh lỵ Qui Nhơn


Thành phố Quy Nhơn - Bình Định

        Thành phố  Qui Nhơn chánh thức  cuối thế kỷ thứ X, khi Chiêm Thành nhận thấy rằng kinh đô Indrapura ở Đồng Dương quá gần đất Việt , dễ bị xâm lăng,  nên thiên đô  vào Trà Bàn , Đồ Bàn - Vijaya .  Thập niên   1620 ,  các linh mục  Dòng Tên – Jesuits  Bồ Đào Nha đến truyền đạo  gọi tên Vijaya là là Poulo Cambi . Năm 1776 ,được tin Nguyễn Văn Lữ  chiếm Sài Côn,  Nguyễn văn Nhạc đày Đông Cung Dương ra chùa  Thập Tháp, tự xưng là Tây Sơn Vương,  sai sửa sang lại thành Trà Bàn , làm kinh đô Tây Sơn . Qui Nhơn là thị xã tỉnh lỵ Bình Định, cách Hà Nội  1065 km.  Ngày xưa  có tên là Thị Nại , là một hồ đẹp đẻ  trong thành phố thị xã ngày nay. Diện tích Qui Nhơn  là 286.28 km2,  gồm 16 phường và  5 xã . Dân số năm  2009 là 280 900 người. (tuy có tài liệu ghi là năm  2006,  dân số Qui Nhơn đã trên 284 000 )  .

          Địa lý Qui Nhơn  rất đa dạng: núi rừng, đồi, ruộng vườn, ruộng muối, đầm lầy, đồng bằng , đầm phá, hồ, sông, bán đảo và đảo .  Bờ biển dài 42 km , có nhiều bải cát, chứa nhiều tài  nguyên hải sản và  sản phẩm thiên nhiên giá trị. Tọa độ Qui Nhơn là 130 46’ vĩ tuyến Bắc và 109 014’ Kinh tuyến Đông . Cách Hà Nội 1065 km. Có phi trường Phú Cát của Hàng Không  Việt Nam chở hành khách hàng ngày  đi Đà Nẳng, Hà Nội  và Thành phố Sài Gòn - HCM. Phù Cát đang trang bị thêm để có chuyến bay đêm.  Ga Diêu Trì  cách Qui Nhơn 10km về phía Tây là một  trong 10 ga lớn đường xe lữa Thống Nhất Nam Bắc và mỗi ngày có chuyến cao tốc và hai chuyến hạng sang  từ Qui Nhơn đến TP HCM.  Hải cảng Quốc tế Qui Nhơn là một  trong 10 cảng lớn ở Việt Nam, sâu 9.50m  ( mức y triều cao thấp là 1.56m ), cửa rộng 80 m , có bến và phương tiện cận đại cho tào trọng tải 30 000 DWT cập bến . Đang cào vét hầu làm sâu đến 11m và mở rộng cửa ra vào đến 120m. Cảng nằm phía Tây Nam thị xã cách cảng Hải Phòng 455 hải lý , cách cảng Đà Nẳng 175 hải lý , cảng Nha Trang 90 hải lý và cảng Vũng Tàu  280 hải lý. Cảng có các chuyên tàu đi tới những cảng chánh Á Châu. Khả năng cảng Qui Nhơn là 4 triệu tấn một năm. Cảng Thị Nại kế cận nhỏ hơn, chiều dài bến chỉ là 268m, bề sâu chỉ 4-6m, có thể cho  tàu trọng tải 3000-5000 DWT cập bến. Khả năng chuyên chở hiện hửu là 0.8 triệu tấn một năm.  Thể tich hàng hóa chuyên chở đường biển của hai cảng  Qui Nhơn và  Thị Nại  tuy tăng hơn 50 % các năm 2005- 2009,  nhưng cũng còn rất yếu kém so với đường bộ  và  đường sắt.  Năm  2009,  chỈ mới chuyên chở tổng cọng là 45 000 tấn; cảng Qui Nhơn  chiếm 30 856 tấn  trong đó là 2060 tấn hàng hóa  xuất khẩu (phần lớn là đồ gỗ biến chế, bàn ghế và các lọai đá). Cảng Thị Nai chỉ chuyên chở hàng hóa địa phương tỉnh .       

         16 phường Qui Nhơn  là Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Phú , Lý Thường Kiệt, Nguyễn văn Cừ, Đống Đa,Thị Nại, Hải Cảng , Ngô Mây, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân và Trần  Quang Diệu.  5 xã Qui Nhơn  là : Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Châu, Nhơn Hải và  Phước Mỹ  (tách rời khỏi huyện Tuy Phước  và  sáp nhập vào Qui Nhơn  năm 2006 ) .

           Nhiệt độ trung bình hàng năm là  26.8 độ C ( 80.3 độ F ).  Tháng nóng nhất là tháng tám ,nhiệt độ trung bình  34 độ C ( 93 độ F)  nhưng có khi lên đến 42 độ C ( 108 độ F ) . Tháng lạnh nhất  là các tháng giêng , nhiệt  độ trung bình là 20 độ C ( 68 độ F ), nhưng có thể xuống 15 - 16 độ C (  59- 61 độ F  vào  tháng chạp năm trước, các tháng giêng - hai -  ba năm sau.  Lượng mưa trung bình là 1710 mm. Số ngày mưa mỗi năm trung bình là 90 ngày . Các tháng mưa nhiều là tháng 10 và tháng 11 .

    Qui Nhơn  có 2 viện đại học là Viện Qui Nhơn  và Viện Quang Trung. Viện  Qui Nhơn đa ngành, có  40 khoa  và trường, có 15 000 sinh viên, mỗi năm có 3000 sinh viên tốt nghiệp. Viện Quang Trung cũng đa ngành nhưng ít hơn, chỉ có 13 ngành và chừng trên 8000  sinh viên. 

  Các trường đặc thù Qui Nhơn là  trường dạy võ nghệ  Tây Sơn - Bình Định , một trường huấn nghệ, trường y  khoa Bình Định , trường huấn nghệ  nông nghiệp miền Trung và một trung tâm trao đổi ngành quốc tế đang thiết lập.  Ngòai ra, Qui Nhơn  còn có  28 500 học sinh trung học và 19 000 học sinh tiểu học.

        Qui Nhơn có nhà máy nước sạch dung tích 45 000m\3 (dự trù tăng lên  48 000 m3  một ngày. Công viên công  nghệ Phú Tài , dọc theo quốc lộ 1A phía Tây thị xã, đã có dung tích nước sạch là  8500 m3  .

         Qui Nhơn  là một trung tâm công nghệ  chánh của vùng bờ biển miền  Trung, chỉ sau Đà Nẳng và Nha Trang.  Nhưng lại là  trung tâm công nghệ, dịch vụ chánh của Bình Định.  Năm 2005, nông nghiệp chiếm  38.4 % GDP, công nghệ và xây cất 26.7 % và dịch vụ 34.9 % .  Năm 2006, nông  nghiệp giảm xuống 36.7 %, công nghệ và xây cất 28 % và dịch vụ là 35 % . Dự trù tương lai là sẽ tăng tỉ lệ dịch vụ, bớt nông lâm ngư. Năm 2010, lợi tức mỗi đầu người Qui Nhơn  đạt 1625 đô la Mỹ - USD.

         Ngũ cốc chiếm 2540 ha ở Qui Nhơn, sản xuất  13 021 tấn năm 2009,  chiếm 2 % tổng số tỉnh.  Các hoa màu khác đáng kể ra  là 10 891 tấn rau đậu, 2795 tấn mía và đôi chút dừa , đậu phụng và hột điều . Như đã kể trên, đa số công nghệ Qui Nhơn tập trung  ở công viên công nghệ Phú Tài. Qui Nhơn là một trung tâm chánh sản xuất bàn ghế , tủ giường - furniture  manufacturing. Công nghệ này theo truyền thống dựa trên  gỗ các rừng Bình Định cũng như hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai , Kontum  và xa hơn nữa  là tỉnh Ratanakiri -Căm Bốt  và Attapeu- Lào . Nhìều hảng hóa  học cung cấp cho công nghệ bàn ghế  và chế biến gỗ  đã được thiếp lập kế cận công viên công nghệ. Các công nghệ khác đáng kể là chế biến nông sản và thủy sản, sản xuất vật  liệu xây cất và sản phẩm giấy. Hảng dược phẩm Bidiphar là một ngọai lệ  cho thị xã Qui Nhơn, tổng quát tập trung vào các công nghệ căn bản và chế biến gỗ.  Khu Phát triễn Kinh tế Nhơn Hội là trọng tâm  cho các dự án công nghệ Qui Nhơn và Bình Định , nhưng đến cuối năm 2010,  vẫn còn ở giai đọan đầu phát triễn , rất ít  xuởng thành  hình.Đầu tư ngọai quốc vào Qui Nhơn cũng rất giới hạ . Tính đến cuối năm 2008, chỉ mới có 13 hảng ngọai quốc, sử dụng 1110 người ở thị xã .

          Qui Nhơn  hiện đang cố tâm cũng cố  hạ tầng cơ sở du lịch . Nay  Qui Nhơn đã có  105 khách sạn , 4 khách sạn - khu nghĩ mát- hotel resort  4 sao , một khách sạn  3 sao . Tổng số phòng  là 2446 , trong đó 1536 phòng đạt  tiêu chuẩn quốc tế . Thị xã cũng dự tính  xây thêm  vài khách sạn và khu nghĩ mát 4-5 sao . Qui Nhơn có 8 công ty  cung cấp dịch vụ du lịch.     



    Tiềm  năng du lịch  Bình Định  




      Bình Định có cả  thảy 231 di tích lịch sử văn hóa, trong số này Bộ Văn Hóa và Thông Tin ( nay là Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch ) xác nhận 33 di tích và  Hội đồng Nhân dân tỉnh xác nhận 55  di tích .

Thần Siva làm bằng đá cát, cuối thế kỷ 12. Tháp Mẫm. An Nhơn. Bình Định. Hình trang trí trên cửa chính. Hiện vật tại Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam

    Trước  tiên lẽ dĩ nhiên là các tháp chàm , đặc biệt  là thành Đồ bàn - Vijaya citadel  và  14 tháp kiến trúc Vijaya  khác  biệt các tháp Chàm  tỉnh khác . Đây là một phối hợp giữa Đá và Gạch.Tháp Chàm các nơi khác chỉ dùng  gạch . Điều này gợi  ý một số ảnh hưởng của kiến trúc Khmer Angkor - Căm Bốt. Nhắc lại là Chiêm Thành  đã chiến đấu nhiều lần với  vương quốc Angkor nay là Căm Bốt ở hai thế kỷ thứ 12 và thứ 13. Thời gian đó, tuồng như liên hệ đến hay chủ trì bởi Vua Khmer Jayavarman VII .  Cũng có thể  nguyên do là Vijaya  tương đối có nhiều nhân công  hơn các trung tâm quyền lực Chàm khác , vì chưng chế biến đá cho xây tháp cần dùng nhiều nhân công hơn gạch. 

Bãi biển Quy Nhơn

Các tháp Bình Định nên viếng thăm là :HưngThạnh , Cánh Tiên, Thù Thiên , Thốc Lốc , Bánh Ít , Dương Long, Phú Phong…. Bờ biển Bình Định có nhiều bải biển  đẹp đẻ, những cảnh biển hấp dẫn, hài hòa, cân đối : Tam Quan, Tân Thạnh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang,  đảo Salangane, bải Hòang Hậu, Qui Hòa, Bải Dài …. nhưng chưa bãi nào phát triễn đúng mức.  Các lễ hội đón mời du khách có thể là lễ hội Chiến Thắng Đống Đa ( ghi chiến công vua Quang Trung), Chiến Thắng  Tà Lẹc ( ? )  , Chiến Thắng Dương Liễu ( ? )  , Chiến Thắng Đồi 10 (? ), Cầu khẩn  Thần Cá , Đâm Trâu v.v…  Các làng  thủ công đáng ghé xem  là làng làm rượu mùi  Bầu Đá , các làng sản xuất đồ gỗ mỹ thuật, làm nón Gò Găng, đồ hàn Phương Danh , mì – bún bột đậu xanh Song Thần , bánh tráng  bột gao  kẹp mè . Những món ăn ngon  Bình Định là bánh hỏi , bánh nếp lá chét lông chim ( đầy cơm dừa và bột  đậu xanh  ), rượu nếp Bầu Đá , mì bún Song Thần,  cuốn thịt heo  Chợ Huyện, bánh tráng sửa dừa ...

Cổng thành cổ Đồ Bàn


                Phát triển kinh tế Bình Định




                  Năm 2007, Bình Định xếp vào hàng thứ ba ( ?)  trong 6 tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ - South Central Coast , sau  Thành Phố Đà Nẳng và tỉnh Khánh Hòa - Nha Trang . Năm đó, Bình Định xuất khẩu hàng hóa trị giá 327 triệu đô la Mỹ  và nhập khẩu 141.6 triệu đô la . Đa số xuất khẩu Bình Định là đồ bàn, ghế, tủ, giường… gỗ .

                Nông lâm ngư




          Bình Định  có một lãnh vực nông lâm ngư  hiệu năng cao nhất Miền Duyên Hải Nam Trung Bộ nhờ sản xuất lúa gạo  khá lớn, dừa và sản phẩm các rừng, chăn nuôi, đánh cá mạnh mẽ.  Thu họach lúa gạo lớn nhất các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nhưng còn kém cõi nhiều so với tổng sản lượng lúa  gạo Việt Nam, ở tỉ lệ khiêm tốn là 1. 61 %. Năm 1995, Bình Định sản xuất 402  300 tấn lúa trên diện tích 118 500 ha, năng xuất trung bình, 3.39 t/ha . Sản lượng cao nhất là  vụ lúa Đông Xuân, đạt  175 000 tấn, năng xuất cũng cao nhất 3.89  t/ha, nhưng diện tích ít nhất chỉ chiếm  45 000 ha. Năm 2001, sản lượng lúa cả năm  3 vụ,  đạt 546 100 t ; năng xuất  trung bình là  4.2.t/ha.  Những năm 2006- 2010  sản lượng biến thiên trên dưới 600 000 t/năm. Năm 2009, năng xuất trung bình là 5.31 t/ ha, và năng  xuất cao nhất ở hạ lưu Sông Côn. Như vậy còn dưới mức an tòan thực phẩm là trên 500 kg mỗi một đầu người mỗi năm, nghĩa là tổng sản lượng lúa gạo Bình Định mỗi năm phải trên 750 000 t.

          Sản xuất dừa năm 2007 là 95 040 tấn ở Bình Định chiếm 9% tổng sản lượng dừa quốc gia. Phần  lớn dừa trồng ở  các huyện Hoài Nhơn ( 30 000 t  năm 2009 ),  Phù Mỹ ( 27 000 t ), Phù Cát ( 164 00 t ) và Hòai Ân ( 15700t ), không phải tập trung duy nhất ở Tam Quan như thời xưa cũ.  Sản xuất mía là 185 700 t/năm,  đậu phụng - lạc là 13700 t/năm, hột điều - đào lộn hột là  4200t/ năm. Cũng như lúa gạo, các sản lượng, năng xuất  này đều có thể gia  tăng, nếu phổ cập thêm các giống  cao năng mới, áp dụng các phương pháp
canh tác tiên tiến, bón phân hóa học hài hòa hơn …

Dừa Tam Quan, Bình Định 

       Khu vực chăn nuôi Bình Định  chiếm  35% giá trị nông lâm ngư nghiệp tương đối cao nhất so với các  tỉnh miền. Bình Định là  tỉnh nuôi nhiều heo trong miền. Năm 2009, có 684 300  heo, 288 000 bò cái, 18900 trâu, 30 triệu gà  và 2 triệu gia cầm khác .    

     Bình Định cũng còn có một lảnh vực ngư sản khá lớn. Sản lượng năm 2007, đứng hàng thứ hai miền, chỉ sau Khánh Hòa. Năm 2009  là 137 466 tấn, trị giá 3.97 ngàn tỉ đồng VN . Nhưng khác Khánh Hòa, phần lớn ngư sản là hải sản đánh bắt, chỉ một tỉ số nhỏ ( 11.2 % ) là nuôi trồng. Năm 2009, ngành ngư  sử dụng 61 900 người so với 481 000 người ở nông lâm nghiệp. Bình Đình có 4 ngư cảng  chánh là Nhơn Châu, Tam Quan, Đề Gi và Qui Nhơn và 17 xưởng đóng tàu đánh cá xa bờ ; mỗi năm đóng được 800 tàu đánh cá  45 Mã lực (HP ) hay mạnh hơn nữa.  Các đầm nước lợ đáng nuôi trồng thêm là hồ Thị Nại 7600 ha, Đề Gi 5600 ha và ở cửa biển Tam Quan 400 ha . Hồ nước ngọt  lớn nhất là Châu Trúc 1200 ha  và lẽ dĩ nhiên là có thể thả tôm cá trong  100 000 ha ruộng lúa nước. Ngòai các lọai tôm, cá, sò, rong biển… đã nói  nhiều ở chuyên khảo các tỉnh Việt Nam  khác , Bình Định có thể chú trọng thêm  về nuôi rùa - turtles ,  tôm hùm xanh - blue lobster , nuôi lươn  và nhiều lọai tôm cá mới …  

Đánh bắt cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật của ngư dân Bình Định

                                                                

                                                                    


Công nghệ




Như đã nói, Bình Định là trung tâm chánh công nghệ bàn ghế, tủ giường...  tạo ra  tổng cọng 107 000 công ăn việc làm . ⅔  sản phẩm công nghệ  nằm  ở Qui Nhơn, một trung tâm công nghệ đứng hàng thứ 3 miền , sau Đà Nẳng và Nha Trang.  Công viên công nghệ Phú Tài là trọng tâm  cho công nghệ Bình Định nói một cách tổng quát và đặc biệt là công nghệ bàn ghế. 

Nhiều doanh vụ hóa học cung cấp vật liệu cho ngành này  và chế biến gỗ, đã được thiết lập quanh công viên Phú Tài . Sau chế tạo bàn ghế  năm 2009 trị giá là  5290.8 tỉ đồng VN là công nghệ chế biến thực phẩm và đồ uống  2 779 .5 tỉ, các sản phẩm không kim lọai  938 .4 tỉ, chế biến gỗ 834.6 tỉ và hóa chất 755 .1 tỉ VNĐ.

  Công nghệ đáng kể thêm là dược phẩm, công ty lớn nhất là Bidiphar, một quốc doanh địa phương quản trị. Các doanh vụ nhỏ gồm may mặc, giấy, đồ da , plastics và sản phẩm cao su. 

 Vùng Kinh tế  Nhơn Hội  thành lập 14 tháng tư năm 2005 ở bán đảo Phương Mai  rộng 12 000 ha,  trải dài  từ Núi Bà phía Bắc, đến Biển Đông phía Nam và phía Đông, đầm Thị Nại ở phía Tây,  đang cố xây dựng,  nhưng tính đến cuối năm 2010 đã chậm trễ hơn dự kiến. Bốn khu công nghê Bình Định khác là Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa và Hòa Hội cũng cần củng cố  và cố gắng thu hút thêm đầu tư trong nước  và ngọai quốc…     


          ( Irvine Nam Ca Li - Hoa Kỳ ngày 26 tháng giêng năm 2014)

                

1 nhận xét:

  1. Kính chúc Thầy vui khỏe hạnh phúc nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam

    Thầy Trình cũng thích văn thơ
    NGHE THẦY ĐỌC THƠ.

    Em nghe thầy đọc bao ngày
    Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà
    Mái chèo nghiêng mặt sông xa
    Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
    Nghe trang thơ đọng tàu dừa
    Rào rào nghe chuyện cơn mưa giữa trời

    Đêm nay THẦY ở đâu rồi ?
    Nhớ thầy, Em lại lặng ngồi Em nghe.

    Thơ TRẦN ĐĂNG KHOA.

    em Hoàng Kim chép tặng Thầy

    Trả lờiXóa