Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Tỉnh Phú Thọ


Lạm bàn phát triển tỉnh Phú Thọ, vùng đất tổ cội nguồn dân tộc Việt  Nam, nơi các vua Hùng dựng nước Văn Lang

                                                                   G S Tôn Thất Trình


                                                                   Dù ai đi ngược về xuôi,
                                                        Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
                                                                                            Ca dao cổ
                                                           Ngọn núi Hùng  xanh như một trái tim
                                                           Đập suốt bốn nghìn mùa xuân sinh nở…
                                                                                            Tiếng hát cổ
                                                Mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối
                        Lên cao nhìn rộng, nhìn trùng đồi núi tựa đàn con
                      Câu đối dịch từ chữ Hán ở Vòm Cổ-Đền Hùng                                                                                                                                                                                                              


                Vị trí , lãnh thổ, dân số


                Phú Thọ là một tỉnh  vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm sát đỉnh tam giác  tam giác  hình thành đồng bằng châu thổ sông Hồng.  Bắc giáp  các tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang , Đông giáp các tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây,  Nam giáp tỉnh Hòa Bình và Tây giáp tỉnh Sơn La. Diện tích tỉnh nhà  là 3 528.1 km2  (  1362.2 dặm Anh vuông ) giữa vĩ tuyến Bắc 210 20’ – 210 43’ và kinh tuyến Đông 104048- 105027.  Thủ phủ tỉnh Phú Thọ nay là thành phố Việt Trì, chỉ cách vùng Tây Bắc của Hà Nội 50km và cách sân bay Nội Bài 80 km.  Nhờ vị trí chiến lược này, Phú Thọ thường được gọi là “ Cửa Tây Hà Nội- West Gate of Ha Nội”   . Vị trí này ở  ngã ba, nơi hai sông Hồng và sông Đà gặp nhau  và Phú Thọ cũng nối liền  các tỉnh miền Bắc sông Hồng  với các tỉnh trung du- thượng du Bắc Việt  và với hai tỉnh  Qủang Tây và Vân Nam, Trung Quốc.  Phú Thọ nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng  kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh , nên rất thuận lợi  cho việc thông thương và phát triễn kinh tế tỉnh. Dân số tỉnh năm 1989 là 1102 600,năm 1999 là  1264 000 người, năm 2008 là  1 374 700 người, mỗi năm tăng thêm 11- 12 000 người. Như vậy năm 2012 ,có lẽ đã trên 1400 000. Phú Thọ là tỉnh đông dân thứ hai ở miền Đông Bắc , sau tỉnh Bắc Giang. Năm 1999, kết cấu dân số tỉnh  là 104 nữ / 100 nam , tương đương với tòan quốc năm đó.  Nhưng  85.8 % dân số sống ở nông thôn,  cho thấy là mức đô thị hóa còn thấp.  Năm 2010, dân sống ở nông thôn giảm bớt xuống ở mức  80 % tổng số  dân , vẫn còn cao hơn dự trù và mức dân đô thị hóa chỉ đạt 20 % .Tộc dân Kinh đông nhất, sau đó là Mường, Dao và Sán Chay…  
            

             Hành chánh tỉnh ngày nay .

       
             Năm 1903,  tỉnh lỵ tỉnh Hưng Hóa cũ được chuyển về Phú Thọ  nên tỉnh Hưng Hóa cũ được gọi là tỉnh Phú Thọ.  Địa bàn tỉnh Phú Thọ khi đó gồm : phủ Đoan Hùng, các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi,  Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa , Hạc Trì  và các châu Thanh Sơn, Yên Lập. Năm 1968, tỉnh Phú Thọ hợp với tỉnh Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Tháng 11 năm 1966, tỉnh Vĩnh Phú tách ra hai, thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc .

           Hiện nay tỉnh Phú Thọ gồm có  1 thành phố là Việt Trì, 1 thị xã là Phú Thọ  và 11 huyện, 11 huyện lỵ và thị trấn huyện: Cẩm Khê ( huyện lỵ là Sông Thao), Đoan Hùng ( huyện lỵ là Đoan Hùng ), Hạ Hòa ( huyện lỵ là Hạ Hòa), Lâm Thao ( huyện lỵ là Lâm Thao và thị trấn huyện khác là Hùng Sơn) , Phù Ninh( huyện lỵ là Phong Châu) , Tam Nông( huyên lỵ là Hưng Hóa ), Tân Sơn ( chưa có thị trấn huyện lỵ ), Thanh Ba ( huyện lỵ là Thanh Ba ), Thanh Sơn  ( huyện lỵ là Thanh Sơn ), Thanh Thủy ( huyện lỵ là Thanh Thủy ), Yên Lập ( huyện lỵ là Yên Lập). Thành phố Việt Trì gồm 13 phường – wards và 10 xã – communes . Thị xã Phú Thọ  nay gồm 7 phường ( năm 1999 là 4 xã , 3 phường ). Tỉnh nhà nay có 275 xã. Đông dân nhất là thành phố Việt Trì; năm 2003 là 135 000  người, còn kém dân  số huyện đông dân nhất tỉnh là Thanh Sơn 187 700, nhưng năm 2010, Việt  Trì đã lên đến 260 288 người.  Năm 2003, thủ phủ  cũ  là thị xã Phú Thọ chỉ có  63 300, tăng nhiều so với năm 1999  mới chỉ có  38 400 người.         

           Địa hình 

Với địa hình chuyển tiếp giữa đồng bằng, trung du và miền núi, Phú Thọ có địa hình rất đa dạng: có núi non hiểm trở, có đồi trung du san sát, có đồng bằng phì nhiêu

         Địa hình  Phú Thọ khá đa dạng: núi thấp, đồi ,thung lũng … Miền núi thấp năm phía Bắc, phía Tây tỉnh, thuộc phạm vi các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Sông Thao, Hạ Hòa, Đoan Hùng.  Núi cao nhất tỉnh là núi  Voi  1387m , núi  Tên 1244m, núi Cấn ( ? )  1144m , cả ba đều ở Công  Viên Quốc gia Xuân Sơn , núi Lưỡi Hái 1058m phía tây Nam Việt Trì. Các núi khác  thường không tới 1000m , như núi Đồng  929m ở biên giới phía Nam tỉnh Yên Bái và phía Tây tỉnh Phú  Thọ,  núi ở phía nguồn một nhánh sông Bứa phía Nam huyện Thanh Sơn cao 805m,  núi ở nguồn một nhánh Sông Thao phía Nam huyện Yên Lập cao 879 m … . , thấp hơn núi Tam Đảo cao đến  1591m của tỉnh Vĩnh Phú. núi Tản Viên  1287m, và núi Ba Vì 1250m ( ? ), tỉnh Sơn Tây ( cũ ). Dạng địa hình đặc trưng nhất tỉnh Phú Thọ là các dãy đồi chạy lúp xúp. Các đồi này hình tròn, đỉnh đồi phẳng, sườn lồi dốc thỏai từ 5 đến 25 độ, trên bề mặt thường phủ một lớp đất đỏ. Độ cao trung bình các đồi Phú Thọ trung bình khoảng 20 -25m,  thấp hơn trung bình các đồi miền Trung Du là  từ 50 đến 500m. Các vùng đồi này đã được khai thác từ lâu kể các lòai  cây  họ cọ, họ dừa -palmacae: mật cật, ra, trụi, kè - Rhapis sp. , Licuala sp ., Livistonia sp ., một số dùng đan nón Phú Thọ ( nón sông Thao ?), đặc biệt ở các làng Sài Nga, Sơn Nga, Thanh Nga, Đông Khê …. Nón Sông Thao đơn giản, trắng ngần, giữ được lâu và cũng có lọai nón lá bài thơ giữa hai lớp lá mỏng như ở Huế  (  Huế dùng lá buôn – latanier Corypha sp. ). Nón dùng vật liệu tương đương nón Sông Thao là nón làng Chương, tỉnh Hà Tây ( cũ ). Nay phần lớn các rừng Phú Thọ đã được các cây công nghiệp cỗ truyền như sơn, trẩu, sả và nhất là trà – chè thay thế . “ Rừng cọ , đồi chèlà biểu tượng của Phú Thọ. Kết hợp với dạng hình đồi là các thung lũng, con người khai thác làm lúa nước.

                 Đất đai

 
       Đất đai vùng  đồi núi là là đất  feralit vàng và đỏ vàng- Ferralic Acrisols  hình thành trên nền gốc đá phiến hay  đá gơnai ( nai ) – gneiss  có tuổi rất cổ.  Vì lượng mưa tương đối lớn, lại có nhiều cơn mưa going, nên trong trường hợp thiếu lớp thực vật che phủ,  quá trình rửa tràn trên mặt sẽ làm  trôi hết  lớp đất mặt, xuống tích tụ ở các thung lũng hẹp.  Vì vậy đất  thóai hóa, có phản ứng acid và tầng đất mỏng. Để bảo vệ đất, cần  tạo một lớp thực  vật rừng  hay các phương thức trồng nhiều tầng cây không làm gỗ xen kẻ cây công nghệ  lâu năm, với hoa màu hàng niên hay các đồng cỏ hòa bản  hay họ đậu cải thiện chăn nuôi, che phủ các đồi trọc , ngăn cản tình trạng thóai hóa đất, cải thiện chế độ nước và khí hậu địa phương . 

         Thành phố Việt Trì,  thị xã Phú Thọ và các thị trấn nhỏ ven sông đều nằm trên các bực  thềm sông.  Các đồi ở đây có đất phù sa cổ nhóm  feralit nâu vàng trên phù sa cổ, quá trình  đầy đủ của đất feralit đỏ vàng nói trên, nhưng  yếu hơn và cũng có kết von, đá ong.  Đất nhẹ, tơi xốp, cấu trúc phẩu diện không đồng nhất, hàm lượng các dinh dưỡng thấp. Tuy có đá ong, kết von nhưng nhờ địa hình thấp, dễ tưới nước nên phần lớn đã được sử dụng  trồng cây công nghiệp. Đất xám bạc màu trên  phù sa cổ- Haplic Acrisols,  hình thành gắn liền với canh tác lúa nước với quá trình rữa trôi và  xói mòn. Phẩu diện thường loang lổ đỏ vàng, xen lẫn các ổ kao lin trắng. Đất nghèo dinh dưỡng, pH thấp. Màu mở nhất là dãi đất phù sa ven sông, nhưng diện tích không lớn .

         Khí hậu

        
        Phú Thọ nằm trong vùng gió mùa  phụ nhiệt đới. Tuy ở vùng Đông Bắc, nhưng vì độ cao không lớn nên ngay trong mùa đông cũng không lạnh lắm.  Nhiệt độ trung hình ghi chép hàng năm là 23.50C ( 74.30F ). Nhiệt độ  cao nhất là 290C ( 840F ) vào tháng 7 ; nhiệt độ thấp nhất là 150C (590F) vào tháng 2.  Mùa hè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình từ 1600 mm đến 1800mm  tập trung vào 5 tháng, từ tháng 5 đến tháng chín. Ẩm độ cao trong thời gian gió mùa thổi  từ tháng 5 đến tháng 10 trung bình 85%;  mùa khô ẩm độ trung bình là 80%.  Số giờ nắng trong năm khá cao, 1300- 1400 giờ /năm. Chế độ ẩm – nhiệt giúp Phú Thọ tạo điều kiện  thuận lợi cho việc đa dạng hóa nông nghiệp và gia tăng hệ số sử dụng đất.

         Thủy văn


       Sông Hồng ( sông Thao ), sông Lô và sông Đà, tổng số chiều dài 200km, là ba sông lớn chảy qua tỉnh Phú Thọ.  Lưu vực 3 sông này là  5000 km2( 1900 dặm anh vuông ).  Lưu lượng mọi dòng sông chảy qua tỉnh ước lượng là  42 tỉ m3 hàng năm. Các dòng sông lớn tạo điều kiện cho Phú Thọ giao lưu  bằng đường thủy với nhiều tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và với đồng bằng sông Hồng. Sông Hồng chảy qua Lào Cai, Yên Bái, rồi vào đất Phú Thọ. Sông Đà chảy qua Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình rồi tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Phú Thọ và Hà Tây. Sông Lô chảy qua Hà Giang, Tuyên Quang rồi vào đất Phú Thọ tạo nên ranh giới  tự nhiên giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Các dòng sông lớn này tụ hội ở Việt Trì – thành phố ngã ba sông -  nơi có địa thế thuận lợi để trở thành một thành phố công nghiệp. Nước ngầm ở Phú Thọ có chất lượng khá tốt, lưu lượng trung bình ở đồng bằng là  40-50 m3/giờ và ở vùng đồi núi là 10 m3/giờ.

          Tài nguyên sinh vật       


         Đến năm 2000, độ che phủ  rừng tòan tỉnh là 35 % tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Rừng tự nhiên  chiếm 37% và rừng trồng chiếm  63% diện tích đất lâm nghiệp. Diện tích che phủ rừng tăng mau trong những năm đầu thế kỷ thứ 21. Rừng chủ yếu tự nhiên của Phú Thọ là rừng trung bình và rừng nghèo kiệt. Trữ lượng gỗ thấp kém, trong rừng còn một số động vật quí hiếm.

        Danh lam thắng cảnh     

        Khu di tích Đền Hùng


        Khu di tích Đền Hùng  trước đây cách thành phố Việt Trì khỏang 10 km và cách Hà Nội khỏang 95 km,  nguyên thuộc xã Hy Chương huyện Lâm Thao. Nhưng nay xã Hy Chương trực thuộc thành phố ViệtTrì dưới tên xã Hy Cương rồi phường Hy Cương ( ? ).  Khu di tích này gồm có di tích ở núi Hy Cương hay núi Nghĩa Lĩnh ( còn có tên là Nghĩa Cương, Hùng Lĩnh, Hùng Sơn) cao 175m trên mặt biển, gắn liền với truyền thuyết về 18 đời vua Hùng Vương, xây dựng nên nước Văn Lang, đóng đô  ở Phong Châu. Từ 4000 năm trước, những đồ vật thời đại đá mới và đồng thau năm rải rác trên triền núi, cho thấy, người xưa đã lui tới nơi này, thực hành tín ngưỡng Trời Đất và Nông Nghiệp. Những phế tích của nhiều kiến trúc cổ, niên đại Lý -Trần, chứng minh là nghìn năm trước, đền miếu đã xây dựng ở đây. Những di tích đang còn, có tuổi thời Lê – Nguyễn , gồm  Vòm Cổng, Đền Hạ và Chùa , Đền Trung , Đền Thượng , Đền Giếng.  



       Vòm Cổng đồ sộ ở chân núi phía Tây dưới bóng những cây thông đại thụ, mang hai câu đối cổ đầy ý nghĩa  mở đầu bài này. Đền HạChùa  Thiền Quang  nằm cao trên Vòm  Cổng 225 bậc thềm. Trước mặt Đền Hạ là một cây đại thụ, tuổi đã  700 năm. Đây là nơi tương truyền mẹ Âu Cơ đã đặt cái bọc trăm trứng, cầu khẩn cho nở thành trăm người con trai tuấn tú, tổ tiên của người Việt khắp nơi. Cha Lạc Long Quân đem 50 người con  xuống vùng bờ biển. Âu Cơ  đem 49 người con lên vùng núi. Người con lớn nhất là Hùng Vương thiết lập nước Văn Lang và xây dựng kinh đô ở Phong Châu. Đền Trung nằm  cao trên Đền Hạ 168 bậc thềm, là ngôi đền  xây cất đầu tiên ở nước nhà trong hệ thống đền đài trên núi, nhằm ghi nhớ dấu tích nơi các vua Hùng đời xưa thường ngự bàn việc nước cùng các lạc hầu, lạc tướng và cũng là nơi Lang Liêu đã dâng bánh chưng , bánh dầy đầu tiên của dân tộc. Đền Thượng ở gần đỉnh núi, cách Đền Trung 102 bực thềm là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời – Đất, thờ thần lúa và vua Hùng thứ 6 lập đền thờ Thánh Dóng, sau khi thắng giặc Ân, một triều đại Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam.   Mộ Tổ  hay lăng Hùng Vương thứ 6, một công trình tưởng niệm  nằm gần đó. Tương truyền vua Hùng thứ 6, sau khi  thắng giặc Ân xâm lăng cởi áo bào, treo ở  một nhánh cây đại thụ kim giao Podocarpus sp.  Ngay sau đó, vua Hùng cũng chết tại chỗ này. Đền Thượng cũng là nơi vua Hùng thứ 18 giao quốc gia cho Thục Phán, vị vua đã xây một cột đá tưởng niệm, thề sẽ duy trì Đền Hùng và thừa kế gia đình vua Hùng. Dưới chân  núi phía Đông Nam là Đền Giếng, nơi thờ hai công chúa  con gái vua Hùng thứ 18  Ngọc Hoa và Tiến Dũng, thường dùng nước Giếng Ngọc soi bóng nước và chải tóc. ( phần lớn khu di tích Đền Hùng là chiếu theo nhà sử học Lê văn Lan, Tổng hợpVăn Hóa Việt Nam 1989 – 1995 )    

    Lễ hội truyền thống : Hội Đền Hùng



      Trong số lễ hội truyền thống đáng kể ở Bắc Việt: hội Dóng, Hội Lim, Hội Ó, Hội Liễu Đôi, Hội Lồng Tồng- Xuống Đồng… ). Hội Đền Hùng là hội muôn đời, muôn người Việt Nam, dù làm ăn ở đâu đi nữa, nhưng mỗi độ xuân về,  ai ai nhớ đến cội nguồn dân tộc  cũng hướng lòng mình về một vùng đất Tổ. Từ các làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh, ngày mở hội đã được tổ chức từ Tết với nhiều tiết mục văn hóa phong phú. Hội kéo dài từ mồng 8 đến  ngày 11 tháng ba âm lịch, nhưng ngày mồng 10 tháng ba được coi là ngày hội lớn nhất, ngày hội tụ và kết thúc  một mùa hội xuân của vùng này. Hôm đó ở Đền Thượng diễn ra một cuộc tế lễ trang trọng nhắc đến 18 đời Hùng Vương xây dựng nước Văn Lang, tiền thân của Việt Nam ngày nay. Chủ tế luôn luôn là một đại diện  cao cấp chánh quyền. Nhiều cuộc rước lớn của các làng xung quanh hướng về đền: rước voi, rước cỗ chay, rước bánh chưng, bánh dày, rước kiệu. Đặc biệt là rước bánh chưng, bánh dày một mặt  để nhắc lại sự tích Lang Liêu, mặt khác để nhớ công đức  các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước. Đó là cuộc rướcc không bao giờ được thiếu vì là đặc điểm của hội Đền Hùng. Còn rước kiệu  từ lâu đã trở thành một cuộc thi của các làng. Những năm hội lớn có tới 7 làng tham gia, có làng rước tới hai ba kiệu.  Đám rước kiệu gồm 100 thanh niên nam - nữ, y phục cổ truyền tượng trưng cho “ Con  cháu Rồng- Tiên” lần lượt tiến về sân Đền Hạ. Tại đây trên khỏang sân rộng và bằng phẳng, các cổ kiệu cùng cờ quạt … đồng lọat rước chạy vòng quanh sân, cho nên còn được gọi là kiệu bay. 
Hát Xoan

Tiếp theo lễ rước kiệu là  trình diễn “Hát Xoan”  tiếng hát Kinh dân gian  đồng bằng sông Hồng tỉnh Vĩnh Phúc rải rác vang lên ở Đền Thượng với  các phường xoan nổi danh như Kim Đức , Đức Bác.  Còn ở Đền Hạ là các kịch nghệ thuật “Ca Trù”cổ điễn. Việt sử Thông Giám  Cương Mục chép rằng  năm 1025, vua Lý Thái Tổ chánh thức  đặt chức quân giáp để  quản lý các giáo phường và tuyễn  đào kép ca trù  vào cung lập ra Ban Nữ Nhạc . “ Ca” là hát, gồm cả đàn, phách và các nhạc cụ khác kèm theo. “ Trù” là  trò vui, biến âm của tiếng trò ( động Thiên Trù là động Trò, làng Phương Trù là làng Trò… ), gồm các tiết mục múa, nhào lộn, kéo co cách điệu, hề ( vai Thày Bèo ) …  Ca trù phát triễn rất nhanh ở các vương triều Lý -Trần- Lê.  Trong dân gian, nhất là ở các nông thôn, ca trù cũng phát triễn rất cao. 
Ca trù 

Ca trù được dùng chánh thức để tế thần, ca ngợi Thành hòang làng, chúc phúc cho dân làng và  khuyến khích việc học hành, canh cửi. Hội làng mở vào mùa xuân, đánh đu, đánh vật, bơi chải, thả chim …  không thể thiếu tiếng hát ca trù nơi cửa đình. Theo Dương Quảng Hàm, ca trù là một lối hát nói có văn chương lý thú nhất, nhiều bài  có thể coi là những áng kiệt tác trong văn Nôm ta. Như những bài ca trù: Vịnh Tiền Xích Bích của Nguyễn Công Trứ, Hương Sơn Phong cảnh  của Chu Mạnh Trinh, Đào Hồng – Đào Tuyết của Dương Khuê, Chơi Hồ Tây của Nguyễn Khuyến.  Các năm  1973 và 1978, hội đồng sưu tầm âm nhạc truyền thống  của Tổ chức Văn hóa và Giáo dục Quốc tế- UNESCO  đã trao giải thưởng  lớn nhất  cho tiếng hát ca trù qua giọng hát của lảo nghệ sĩ Quách thị Hồ.   
                                           
    Ngòai ra lễ hội còn có tiếng nhạc  “ đâm đuống”  (là giã gạo chày tay của nhiều người   trên một máng gỗ dài)  của các cô gái Mường  âm thanh đều đều vang dội vào núi rừng ngày hội. Tiếng “ chàm thau”( đánh trống đồng ) cũng hùng tráng nổi lên lan tỏa khắp không gian. Bên hồ Đa Vao, cạnh chân núi Nghĩa  Lĩnh, những cặp thuyền  rồng được trang trí lộng lẫy, đua nhau lướt sóng. Trên bờ là bải tung thu hút biết bao đôi trai gái.  Cây đu tiên  quay tròn làm tung bay  những tà áo dài thướt tha…
tiếng nhạc  “ đâm đuống  
     Phú Thọ còn có nhiều lễ hội tiêu biểu khác: hội Bạch Hạc, hội Chu Hóa, hội Phết Hiền Quang, cũng như nhiều di tích như chùa Xuân Lũng, chùa Phúc Thánh vv… 
       

        Công viên quốc gia Xuân Sơn

vườn quốc gia Xuân Sơn 

     Thiết lập tháng hai năm 2002, cách thành phố Việt Trì chừng 80 Km. Công viên  chiếm 15 048 ha, hơn 11 000 ha  là rừng tự nhiên và 1396 ha là rừng núi đá vôi. Đã kiểm kê được 465 lòai  cây thực vật cấp cao, 282 lòai động vật, gồm 23 lòai lưỡng cư, 30 lòai  bò sát, 168 lòai chim  và 61 lòai động vật có vú. Các lòai vật hiếm có như gấu Tây Tạng – tibetian bears, báo săn – cheetahtrĩ trắng –white pheasants, vượn xám- gray gibbonsrắn hổ mang bành ( đeo kính )- cobras  thường gặp tại công viên. Xuân Sơn cũng  còn có nhiều hang động đẹp đẽ, có khi chạy dài 7 – 8 km bên trong các núi  Voi, núi Tên, núi Cấn ( ? ), chứa rất nhiều lòai  dơi, chưa khai thác du lịch.

       Khu đầm Ao Châu          


  Khu đầm Ao Châu  ( Châu Ngọc) cũng như núi Thắm, các hang động đá vôi Xuân Sơn…  là những thắng cảnh tự nhiên,  Phú Thọ cần khai thác mau lẹ hơn đón mời thêm du khách. Khu đầm Ao Châu, thuộc xã Ấm Thượng huyện Hạ Hòa có diện tích trên 260 ha  mặt nước với 99 ngách, đan xen những khu rừng và các đồi cây ăn trái ( ăn quả ). Đầm có hình dạng đặc biệt, trông giống như đầu trâu với hai sừng chõai về hai phía sông Thao và sông Chảy. Nơi đây không khí trong lành, cảnh đẹp nên thơ, gắn liền nhiều truyền thuyết thời Hùng Vương dựng nước.
             

               Phần II: 

Lạm bàn phát triển Phú Thọ

       Thiết lập Thị trấn Ước Mơ Tam Nông với Hàn Quốc


       Năm 1999,  Phú Thọ khởi đầu thực hiện quy họach khu di tích Đền Hùng, xây dựng khu  đầm Ao Châu huyện Hạ Hòa, công viên Văn Lang ở Việt Trì. Với 11 doanh nghiệp kinh doanh  du lịch và 12 điểm kinh doanh quốc doanh, 12 điểm lưu trú với 321 phòng , phục vụ  49 620 lượt khách trong nước và  1040 lượt khách quốc tế. Năm  2002, tổng số doanh nghiệp thương mãi, khách sạn nhà hàng, du lịch và dịch vụ đã tăng lên đến 143,   24 là quốc doanh - nhà nước và 119  ngòai quốc doanh. Từ năm 2006 đến năm 2010, ngành du lịch Phú Thọ tiến mau, trung bình  tăng 18.37 % một năm, nhờ Đền Hùng được công nhận là di tích quốc gia năm 2009, song song với lễ hội Đền Hùng, với Hát Xoan, Ca Trù hai  lọai ca hát  dân tộc Kinh miền Bắc cải thiện và phong phú thêm theo tinh thần dân tộc như Hát Quan Họ, tiến lên hòa điệu cùng các lọai ca hát  cổ truyền quốc tế …  Các nguồn tài nguyên du lịch khác được  mở mang như Công viên Quốc gia  Xuân Sơn năm 2002  đã nói trên, một trong số  30 công viên quốc gia nước nhà, đầy đa dạng sinh thái, sinh học và địa hình thắng cảnh.  Phú Thọ còn là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng cận đại  thời kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng, như  các căn cứ Hiền Lương, Vạn Thắng, Hạ Hòa 10… Năm 2012 , Phú Thọ có 1372 di tích văn hóa và lịch sử  phần lớn liên quan đến các đời vua Hùng trong đó 74 di tích được liệt vào kho tàng quốc gia và 202  vào kho tàng tỉnh nhà. Số lượt du khách đến tỉnh năm 2006 là 3 triệu, năm 2010 lên 5.89 triệu. Số khách sạn cũng tăng nhanh, từ số 75 năm 2006  lên 158 năm 2010. Cho đến năm 2010, ngành du lịch đã tạo ra được 12 700 công ăn việc làm địa phương.  Các sản phẩm  du lịch thọat tiên chỉ là thăm viếng danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử,  lễ hội, du lịch tinh thần  văn hóa nước nhà, các vùng  sinh thái, nghĩ dưỡng y tế. Nay các dịch vụ du lịch thường xuyên được kiện tòan hơn, bao gồm luôn các làng nghề thủ công đặc thù tỉnh nhà : nón sông Thao, dệt da - may mặc cổ truyền xuất khẩu ở nhiều làng các huyện Thanh Ba và Tam Nông, thực phẩm đặc sản  như  nghệ thuật thổi xôi- nếp Mỹ Lung, huyện Yên Lập,  các  xưởng trà ở các làng huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Hạ Hòa, đồ gỗ - đồ mộc, mành tre  ở làng  các huyện Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê …. Các công nghệ nông thôn đề xướng, năm 2007, nâng cấp cả phẩm lẫn lượng  và hướng về môi sinh sạch, năm 2008, đã đạt 3.29 ngàn tỉ đồng VN và năm 2011 đạt 6.46 ngàn tỉ . Số lượng cơ sở kinh doanh công nghệ nông thôn đã  tăng trừ 20 168 đến 21 100 đầu năm 2012 ( theo Nguyễn tiến Tri, giám đốc Thương Mãi và Công Nghệ tỉnh Phú Thọ ngày 12/2 /2012). Đồng thời năm 2012 cũng  đem lại cho tỉnh nhà 61 832 công ăn việc làm, lương bổng cao hơn, so với 58 391 năm 2008. Phú Thọ dự trù trong thời gian 2012 đến 2015, du khách đến thăm viếng tỉnh sẽ tăng mỗi năm  17.4 % và  du khách quốc tế  tăng 15 % vào năm 2015. Ngòai  việc xây cất  thêm khách sạn 4- 5 sao, các  nơi nghĩ dưỡng xa hoa ở thành phố Việt Trì và  các vùng khu du lịch, suối nước nóng Thanh Thủy, đặc biệt  là Thành phố Mơ ước – Dream City  Tam Nông( Hưng Hóa ) Phát triễn Thể Thao và  Du lịch Sinh Thái, do công ty Địa ốc và Xây cất Việt Hàn ( Hàn Quốc- Nam Hàn) thực hiện , các tiệm ăn cao phẩm đề xướng  cách nấu nướng đặc sản điạ phương ( ? ). Đề án Thành phố Mơ Ước  trị giá ước lượng trên 1. 5 tỉ đô la Mỹ  ( trên 5800 tỉ đồng VN ) vào cuối năm 2011, khởi sự  công tác năm 2013 (? ) sẽ có diện tích tổng cọng là 2069 ha, cách Hà Nội  60km , phía tây thành phố Việt Trì 20km,  giáp biên giới đường bộ  dẫn đến đền  Hùng Vương -Công viên  Rừng Quốc gia Xuân Sơn và gần Sông Hồng. Đề án  nằm ở vị trí  vùng giao điểm  đường sông và đường bộ  đi các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc và cũng ởtrong  vòng đai kinh tế của thủ đô Hà Nội. Thành phố Mơ Ước  Tam Nông sẽ giúp nối kết dễ dàng với những dự án  khác trong cụm công nghệ, giúp nó trở thành một điểm du lịch sinh thái lớn nhất tỉnh : theo điều kiện tham quan Tam Nông  - các thể thức thể thao  sông trên khu Thanh Sơn –  Thanh Thủy và Yên Lập, sẽ gồm  nhiều lọai tiêu khiển sinh thái đa dạng  kiểu mẩu: từ sân gôn cao cấp  chí đến  hệ thống công viên thú sống tự nhiên – safari park bán  hoang dã, công viên tiêu khiển hạng quốc tế -Disneyland class với khách sạn 5 sao phối hợp các cơ sở thể thao phức tạp ( ? )v.v… Cùng lúc,  còn tạo thêm các cơ sở dịch vụ liên hệ , kể cả các trung tâm triễn lãm,   khu thương xá cận đại, theo những đột khởi – breakthroughs ( ? )  kỷ thuật hiện hửu.     

          Thực hiện đúng hạn kỳ hơn các hệ thống  Giao thông vận tải cận đại

Đường Xá Giao Thông Tỉnh Phú Thọ  
          Năm 2000,  Phú Thọ cố làm mới và  nâng cấp 329.2 km đường bộ, huy động  240 tỉ  đồng làm đường nông thôn,  100% số xã có đường ô tô đi đến trung tâm. Tổng chiều dài đường bộ tỉnh nhà năm 1999  khoảng 4650km. Quốc lộ có tổng chiều dài là 263 km, quan trọng nhất  là quốc lộ 2 Hà Nội – Hà Giang tới biên giới Việt – Trung, qua thành phố công nghiệp Việt Trì. Tổng chiều dài tỉnh lộ khỏang 310km. Tổng chiều dài huyện lộ và nội thị là 338km. Tổng chiều dài đường liên xã, liên thôn là 3240 km. Nhìn chung, chất lượng đường bộ năm đó thấp kém. Trong tổng số  4650km, chỉ mới có  240 km là đường nhựa và bê tông, 65 km là đường đá, gạch; còn lại là đường cấp phối và đường đất ( 3840 km  đường đất ). Đến  tháng 12 năm 2012, hệ thống đường bộ đã được nâng cấp, cận đại hóa, nhất là đường Quốc lộ số 2 nay là xa lộ cao tốc  chạy dài  từ Côn Minh – Vân Nam đến Phi trường quốc tế Nội Bài, ngang qua hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ. Tiếp nối với Xa lộ cao tốc  số 5 đến Hải Phòng  và Xa lộ số 18 nối Hải Phòng đến cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh.  Quốc lộ 32 A chạy từ Hà Nội  ngang qua Phú Thọ và chấm dứt  ở thị xã Hòa Bình và quốc lộ 32C cũng chạy dài từ Hà Nội, ngang qua Phú Thọ và Yên Bái , nhiên hậu sang Lào. Đường Xuyên Á phía Bắc – Trans-Asian road và xa lộ” đường mòn Hồ Chí Minh trail” cũng sẽ chạy qua ngang tỉnh.

            Xa lộ Nội Bài - Lào Cai cao tốc 4 lằn rộng 24 m, dài 244 km  trị giá 20 ngàn tỉ đồng VN, khỏang 1 tỉ đô la Mỹ  vay tiền của Ngân Hàng Phát triễn Á Châu –ADB, phần Đối giá Việt Nam do Công ty Phát triễn xa lộ Việt Nam – VEC đài thọ và 3 công ty lớn Nam Hàn là Posco EC,  Doosan, Keangnam Enterprises  và Công ty  Cầu – Đường Quảng Tây- Guangxi Bridge and Road Co. trúng thầu xây cất.  Khởi công xây dựng tháng 9 năm 2009, dự trù sau 40 tháng thì xong, nghĩa là khánh thành được đầu năm tới 2013.  Và sẽ chạy qua 5 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Ở tỉnh Phú Thọ, xa lộ bắt đầu từ thành phố Việt Trì, chạy hai huyện Phú Ninh và Lâm Thao đến thị xã Phú Thọ và huyện Cẩm Khê, trị giá 2 .385 ngàn tỉ đồng ĐVN. Hảng  Posco  Nam Hàn trúng thầu xây cất khúc đọan này, dưới sự kiểm sóat kỷ thuật của hảng cố vấn  Gentiasu Construction Tây Ban Nha. Tin tức bộ Giao thông vận tải tháng 7 năm 2012, cảnh báo hảng Nam  Hàn là sẽ không gia hạn khi chậm trễ xây cất, dù hảng Posco than phiền là thủ tục giải tỏa  đất  đai hai bên đường chưa xong và thời tiết bất thuận lợi.        

Bản vẽ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
                       
        Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai  ở Phú Thọ ,chiều dài 93 km ở địa phận tỉnh nhà,  có ý nghĩa rất lớn  đối với  việc phát triễn kinh tế xã hội tỉnh. Dự án  nâng cấp đường sắt này từ ga Yên Viên - Hà Nội đến Hồ kiều- He Kiou ở biên giới Việt Trung dài 285km, ký kết khởi công nghiên cứu tháng tư năm 2011, dự trù chạy ngang qua hai khu công nghệ Thụy Vân và Bạch Hạc,  nâng cấp cả hai ga chánh là Phú Thọ và Việt Trì, bảo đảm giao thông mau lẹ, an tòan hơn  cho vận tải tăng gia ở tỉnh đến năm 2020. Tiếc thay, các dự án ADB tài trợ  như cao tốc vừa kể, hành lang kinh tế  Côn Minh – Hải Phòng, ngay cả xa lộ cao tốc Dầu Giây – Long Thành  (Miền Đông Nam  Phần ) v.v…  đều thực hiện chậm trễ, phí tổn vượt quá dự trù vì  giá cả gia tăng, tháo khoán ngân khỏan trì trệ ...

           Tưởng cũng nên lưu ý  đến vận tải đường sông, chiều dài ở tỉnh Phú Thọ lên đến 235 km ( 146 dặm Anh ).  Không nên quên  cảng sông Việt Trì là một trong những cảng sông quan trọng ở nước nhà,  khả năng  chuyên chở mỗi năm trên 1 triệu tấn. Hai cảng sông khác  ở tỉnh Phú Thọ đáng kể ra là Yên Mao và Bãi Bằng,  cũng góp phần  không nhỏ vào phát triễn kinh tế,  nhờ nối liền tỉnh với các cảng lớn Hà Nội và Hải Phòng. 

            Sau giai đoạn  lượng và đa lọai,  giáo dục đào tạo phải chú tâm đến phẩm,  nội dung cập nhật tinh vi hơn  ( quí hồ tinh, bất qúi hồ đa ?  )?

            Ngòai  các cải thiện cần thiết  về thông tin liên lạc ( điện thọai , internet , đường truyền cáp quang , phủ sóng phát thanh , truyền hình ti vi  các tiện nghi bưu điện và viễn thông  tốt đẹp nội địa hay liên lạc quốc tế … nhờ hai vệ tinh ViNASAT- 1 phóng lên từ căn cứ  Kourou - Guyane , Nam Mỹ năm 2008 và VINASAT- 2  phóng lên giữa  năm 2012, vệ tinh thứ hai này  cũng  là Qũy Đạo Trái Đất  cố định theo Trái Đất-geostationary Earth Orbit,  GEO,  ngòai  cập nhật viễn thông còn có  sứ mệnh  làm nền tảng cho những chương trình truyền thông cực trọng khác của Việt  Nam  tỉ như   Băng tần  Siêu Cao Tiên tiến – Advance Extremely High Frequency và  Hệ thống Sử dụng  các Điểm Mục tiêu “quân sự ?” Di động- Mobile User Objective System satellites…    ), điện ( hệ thống điện từ đập Hòa Bình và một  nhà máy nhiệt điện tỉnh nhà và mạng lưới điện rất vững chải, các xã trong tỉnh đều có điện  …) , nước ( đặc biệt theo kỷ thuật Đức ở cả hai thành phố Việt Trì – dung tích 42 000m3/ngày - và thị xã Phú Thọ ),  các  cơ sở thương mãi , ngân hàng…,  y tế ( từ năm 2000,  100% số xã tỉnh đã có bác sĩ- y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh và y tế thôn bản   giúp giảm bớt tỉ lệ suy dưỡng trẻ em từ 41% xuống năm 1996 ,chỉ còn 33% năm 2000; tòan tỉnh có 16 bệnh viện, 11 phòng khám đa khoa…  )  Nhưng muốn  phát triễn vững bền,  cần chú tâm hơn  nữa đến phẩm giá giáo dục, đào tạo cán bộ nội dung cập nhật trào lưu quốc tế  hiện hửu hay tương lai .
         Phú Thọ là một trong những tỉnh có sứ nghiệp giáo dục đào tạo đáng kể . Hiện tỉnh có 542 trường học , 8779 lớp , tổng số học sinh  là 304 326 học sinh và 4 trường trung học tổng số học sinh là 30 221 người. Riêng về đại học – cao đẳng, năm 2012 , thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ đã có  4 viện đại học - University :1-  Viện đại học Hùng Vương , đa cấp , đa lọai với các khoa - faculty: tóan, kỷ thuật  kinh tế kinh doanh,  nông lâm ngư,  ngọai ngữ, khoa học xã hội,  giáo dục sơ đẳng – mẩu giáo, khoa học tự nhiên, âm nhạc .2 – Viện Quốc gia  Sư phạm Trung ương  . 3-  Viện Công nghệ Việt Trì, trước năm 2011 là trường Cao đẳng  Hóa học- Chemical College . 4- Viện  Dược khoa -Fushico, trước năm 2012 là trường  Cao Đẳng  Dược – Fushico .   Năm 2013 , sẽ thành lập Viện  Y sĩ điều dưỡng – Nursing University , nguyên là trường cao đẳng y khoa – medical college .  Ngòai những trường cao đẳng khác, thành lập đã lâu, như  kinh tế công nghệ, công nghệ thực phẩm, cơ khí và điện , nghệ thuật và văn hóa,  công nghiệp trung gian- intermediate occupations ( ? ) sông Hồng, Trung tâm giáo dục liên tục.  Cũng như các trường trung học dạy nghề , chuyên nghiệp –vocational secondary schools ( kiểu Cao Thắng… miền Nam trước 1975)  như các trường trung học chuyên môn Hùng Vương, Việt Trì, “ cán sự - kiểm sự” công nghệ Việt Trì , trung học Herman,  trung học Lê Qúy Đôn, các trung học dân lập Âu Cơ, Việt Trì và Vân Phú.
Đa,i Học Hùng vương 2012 
           Vấn đề là  giáo  chức mọi trường mọi cấp,  Phú Thọ cũng như gần khắp mọi nơi nước nhà,  chưa đạt trình độ  chuẩn cấp cao  đặt ra , đặc biệt chất lượng giáo dục – đào tạo ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu ,vùng xa còn rất thấp, nội dung học trình cấp đại học,  đặc biệt ở cấp cao học và cấp tiến sĩ chưa đủ  tinh thâm  như  ở các trường cao đẳng, khoa, viện đại học  ở Đài Loan, Singapore,  Đại Hàn, Nhật Bổn ( ngay cả ở Thái Lan , Mã Lai Á, Phi Luật Tân ?) , gây ra tệ đoan lạm phát cấp bằng thạc sĩ – tiến sĩ hạ giá  rỗng tuếch  trong nước  và công trình nghiên cứu khoa học, kỷ thuật, xã hội, nhân sinh , môi sinh …  cũng còn quá kém cõi,  không đóng góp gì  được bao nhiêu  cả cho cộng đồng thế giới tiến bộ ngày nay.  Có lẽ đã đến lúc phải có suy tư  “đổi mới” khác năm 1996 – 98, mà nguồn gốc phải thóat thân từ các  giới giáo dục – đào tạo mới, trong cũng như ngoài nước,  giải quyết những vấn đề quan trọng như dân chủ - tự do, chống tham nhũng- lãng phí tài nguyên tài sản, san bằng chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các giới cấp ở đô thị đặc biệt  dân nông thôn mới di cư vào tỉnh thường còn phải sống ở ổ chuột và các trung lưu, thượng lưu thành phố, phát huy đời sống -xã hội thoải mái cận đại, làm sạch môi sinh v.v…

      Công Nghiệp và Xây dựng


      Công nghiệp tỉnh Phú Thọ trước đây tập trung ở thị xã Phú Thọ nguyên là tỉnh lỵ tỉnh và là thị trấn xưa cổ nhất Việt Nam. Nhưng sau khi tỉnh lỵ  chuyễn qua thành phố  Việt Trì, tư bản đầu tư công thương và nâng cấp  hạ tầng cơ sở thị xã Phú Thọ giảm bớt hắn. Thị trấn  Phú Thọ  là một căn cứ kháng chiến các năm 1945- 54.  Sau thời kỳ này thị xã Phú Thọ nổi tiếng  về truyền thống giáo dục . Viện đại học Hùng Vương, trường cao đẳng sư phạm và nhiều trường trung học kỷ thuật và dạy nghề được thiết lập ở thị xã Phú Thọ,  không những riêng cho thị xã mà cho cả  nhiều thị trấn lân cận. Thị xã Phú Thọ còn là một nơi khả dĩ thành lập một khu du lịch sinh thái nữa.  Các năm tới,  thị xã sẽ cố gắng thiết lập công viên công nghệ - industrial park Gò Gai, diện tích 120 ha kế cận “Đường mòn Hô Chí Minh ( Đường Trường Sơn Công nghiệp Nam -Bắc Hà Nội – Sài Gòn ), hầu có đầy đủ tiện nghi thu hút đầu tư .         

          Tỉnh Phú Thọ hiện có 4 công viên công nghệ : Thụy Vân  ở thành phố Việt Trì, diện tích 400 ha ;  Trung Hà ở xã Thượng Nông , huyện Tam Nông  126 .59 ha; Tam Nông 120 ha  và   Công viên Tasco của tổ hợp công ty Tasco tại  Đồng Lãng ,thị trấn  Phú Ninh và 13 cụm công nghệ - industrial clusters  ở nhiều xã , huyện lỵ, diện tích nhỏ hơn  20- 70 ha ( các gụm Sông Thao , Tân Lập , Tân Sơn,  Ngọc Lập- huyện Yên Lập,  Cờ Tiết- huyện  Tam Nông, Phú Hạ - huyện Phú Ninh, Đồng Lương, Đồng Lực – huyện Cẩm Khê , Sọc ( ? ) Trắng- huyện Đoan Hùng  …)

         Các công nghệ mủi nhọn- nhưng cổ điển Phú Thọ là  công nghiệp hóa học khai thác và chế biến khóang sản , hóa chất, phân bón hóa học, dược liệu; công nghiệp dệt may , giày dép xuất khẩu; công  nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông lâm sản và thực phẩm.  Các công nghiệp điện và điện tử, tin học - phần mềm, xe ô tô, xe gắn máy ( nhà máy chế tạo xe gắn máy Honda , khai trương  năm nay 2012 là ở tỉnh Vĩnh Phúc ),  âu dược, dụng cụ y khoa… còn đang phôi thai, phần lớn chỉ mới ở giai đoạn lắp ráp.

        Nhà máy super phosphate Lâm Thao

phía tây Bắc Việt Trì cách thành phố 10 km , trên bờ sông Hồng, sử dụng quặng apatit Lào Cai theo đường xe lữa cách nhà máy 200 km  và py rit  của tỉnh Phú Thọ ( và của Ba Trại Ba Vì – Hà Tây , trử lượng   trên 12 triệu tấn , hàm lượng sulfua – S khoảng 2 %), và nhà máy hóa chất Việt Trì- Vicco, năm 1999 đã  sản xuất được 200 000 tấn super phosphat , gần ½  số lượng phân bón năm đó ở Việt Nam và 50 000 tấn acid sulphuric cùng một số hóa phẩm khác(  vài hóa chất căn bản,   xút NaOH,  HCL, nước tẩy  Javel, phân  hổn hợp NPK , bột giặt v.v…) , cung cấp cho cả nước và xuất khẩu . . . Theo tổng công ty hóa học Vinachem, nhà máy phân bón Lâm Thao, năm 2011,  được xếp vào hạng A cùng 18  nhà máy hóa chất khác nước nhà. Nhắc lại  nhà máy hóa học Lâm Thao là nhà máy  Việt Nam đầu tiên áp dụng phương pháp căn bản hóa học điện công nghệ – industrial electro chemistry  và  may mắn không bị tai hại trong cuộc Hoa Kỳ thả bom  đánh phá  dữ dội các cơ sở sản xuất Bắc Việt ở Chiến Tranh Việt Nam Thứ Hai.

      Ngành dệt may, giày xuất khẩu chỉ thành  hình những năm “ đổi mới”  đã bắt đầu ổn định vào năm 2000  với những  sản phẩm mới như dày thể thao , nhuộm “Păng Rim”, vải giả da …. Năm 2005  đã sản xuất trên 1.2 triệu đôi dày,  55 triệu mét vải thành phẩm , 2.5 triệu sản phẩm may mặc.    

       Ngành sản xuất vật liệu xây  dựng  đáng nêu lên là sản xuất gạch, sứ men – ceramic nhờ  khai thác bốn khu có mỏ cao lanh-kaolin ở Thạch Khóan,  cách thị xã Phú Thọ 35 km, cách bờ sông Đà 5km , trử lượng chưa hòan tòan thám hiểm chừng 3.2 triệu tấn năm 1999, còn kém trử lượng khu Trại Mát - Lâm Đồng ( Tây Nguyên ) ước lượng đến 11 triệu tấn  trong đó 5 triệu tấn đủ điều kiện khai thác, nhưng kao lanh Phú Thọ cũng  làm ra được những sản phẩm chất lượng cao.  Vài sản phẩm mới năm 1999 đã đưa vào sản xuất ( sứ vệ sinh, que hàn, khung nhôm kính, vật liệu nhựa chất dẽo như bao bì PP  thay gỗ).  Một số sản phẩm khác lại gặp khó khăn tiêu thụ như xi măng Thanh Ba ( không rỏ nay tân tiến bằng  kỷ thuật lò quay và tăng công xuất lên 600 000 tấn,  có  cải tiến  gì thêm nhiều về phẩm chất xi măng không ?), gạch tuy nen …   

       Về biến chế lâm sản Phú Thọ,  nên kể đến các nhà máy giấy Bãi Bằng, Việt Trì và Lữa Việt. Nhà máy giấy Bải Bằng là nhà máy bột giấy và giấy bìa lớn nhất nước nhà, năm 2002 đã sản xuất 50 000 tấn bột giấy và 75 000 tấn giấy đủ lọai.  Nhà máy Việt Trì nhỏ hơn, sản xuất 15 000 tấn bột giấy và 40 000 tấn giấy. Tuy vậy vẫn chưa đủ  thỏa mãn   nhu cầu giấy nước nhà, dù rằng mức tiêu thụ hàng năm về giấy ở Việt Nam cũng còn khá thấp ( 11.4 kg/người so với 23.6 kg ở Inđônêxia,  331 kg ở Hoa Kỳ và 250kg ở Nhật Bổn ) .

            Phú Thọ cũng là quê hương của trà – chè. Giữa thế kỷ thứ 19, Việt Nam đã thiết lập  ngành chế biến trà, xa6y dựng 3 trung tâm khảo cứu về trà  ở Phú Hộ- Phú Thọ, Bảo Lộc- Lâm Đồng và Gia Lai – Pleiku.  Năm 1999, Phú Thọ đã có 7 nhà máy biến chế trà trong tỉnh , sản lượng  trà chế biến trà  là 8105. 5 tấn. Sản lượng trà chế biến  chưa đúng tiềm năng sản xuất của tỉnh. Phần lớn thiết bị các nhà máy trà Phú Thọ đã lạc hậu, ngọai trừ  liên doanh trà Phú Bền với Bỉ ( Belgium ) và  nhà máy sản xuất trà Tĩnh Cương CTC ( ? )  thiết bị của Ấn Độ.  Phú Thọ hy vọng sẽ đạt 15 000- 20 000 tấn trà chế biến các năm  2005- 2010, 1/5  tổng số trà chế biến tòan quốc 100 000 tấn , xuất khẩu 75- 80 % và tiêu thụ trong nước  20- 25 %. Năm 2020, dự trù trà biến chế Việt Nam sẽ đạt 150 000 - 200 000 tấn với phẩm giá cao và sạch hơn ( nghĩa là trà hửu cơ và không còn dấu vết thuốc trừ sâu độc địa,  như ở một số trà Ô Long Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật  mới đây ).          
     

          Cải tiến nông nghiệp là cần thiết


            Năm 1997, nông thôn Phú Thọ còn  là những vùng nghèo đói nhất Việt Nam, nhiều hộ nông thôn nghèo kiếm ra không đến 6 đô la Mỹ một tháng và năm đó  số nhân lực ở nông nghiệp là 33%, cân bằng với nhân công làm ở  hai công nghiệp- xây cất và dịch vụ .    

         Như vừa nói trà là cây công nghiệp lâu năm được phát triễn trên đất Phú Thọ từ lâu đời, chiếm hơn 90 % diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm. Diện tích trồng trà Phú Thọ,  năm 1999, đứng hàng thứ tư cả nước, sau Thái Nguyên , Hà Giang và Yên Bái. Các huyện trọng điểm trà của tỉnh là Thanh Ba, Sông Thao , Hạ Hòa , Đoan Hùng, Yên Lập  Thanh Sơn. Diện tích trà năm đó là 7 885.5 ha , diện tích đã sản xuất là 6910ha. Năng xuất trà từ 34 tạ /ha ( 3.4 t/ha ) tấn/ha năm 1996 đã tăng lên 45 tạ/ha năm 2000. Một số công ty trà đạt năng xuất trùng bình 70-80 tạ/ha . Có nhiều gia đình đạt 150- 200 tạ/ha . Năm 2001, diện tích trà Phú Thọ là 8400 ha, nuôi sống trên 15000 gia đình. Cơ Quan  Pháp Phát triển- Agence Francaise de Developpement, AFD đang tài trợ giúp đở một số làng trong 8 huyện  tỉnh Phú Thọ về ngành trà. Ngân khỏan cho không  8.5 triệu euro AFD  giúp đở đầu tư cải thiện 3000ha,  trồng giống mới cao năng, cao phẩm cho chừng 3000 gia đình. 
        
          Tưởng cũng nên nhắc đến cây sơn, một cây công nghiệp truyền thống Phú Thọ, nơi sản xuất ra loại sơn  tốt nhất, chủ yếu  ở hai huyện Tam Nông và Thanh Sơn. Năm 1999, sản lượng là  121.7 tấn.  Sản phẩm sơn ta (sơn mài ) được sử dụng trong nhiều nghề thủ công nên từ lâu đã được xuất ra các địa bàn ngòai tỉnh. Từ thế kỷ thứ 18,  dân gian huyện Nam Ngư ( ? ) Thăng Long- Hà Nội đã chuyên nghiệp sản xuất các sản phẩm sơn mài. Trong các giai đọan đầu, các đồ dùng sơn mài chỉ có 4 màu : đen, đỏ, vàng và nâu . Sau đó  cải thiện kỷ thuật  thêm nhiều   màu sắc tố , cho nên nay  rộng rải chứa nhiều màu sắc độc đáo .   Các sản phẩm sơn mài điển hình cho Việt Nam, nhưng cũng xuất hiện nhiều quốc gia Á Châu, tuy rằng các sản phẩm sơn mài  Việt Nam  rất đẹp đẽ và bền bỉ. Nổi tiếng nhất là các hình họa treo tường, các chậu- bình đựng hoa, các hộp đựng nữ trang - châu báu, các mâm- khay, các bàn cờ tướng  và các bình phong xếp lại được.

          Cây lương thực lúa, ngô ( bắp ), sắn, khoai lang vẫn còn chiếm ưu thế ở ngành trồng trọt Phú Thọ, năm 1999  là 66.7%  cây  trồng trọt và  77.8 %  tổng diện tích cây  trồng. Nhìn chung, năng xuất các cây lương thực có tăng lên, năm 2000 đạt  bình quân lương thực đầu người  284 kg  và năm  2007 là  308 .7 kg / đầu người, còn kém mức bình quân trung bình cả nước là  501.8 kg/ đầu nguời. Đối với một tỉnh sản xuất phân bón hổn hợp lớn nhất  nước nhà, và  có các giống cải thiện siêu năng cũng như cách thức trồng trọt thích nghi ngày nay  ở cả  ba cây lương thực tỉnh nhà là lúa ( diện tích ở tỉnh Phú Thọ là 70 000 ha , bắp ( diện tích  trên 16 000 ha ) và sắn ( khoai mì , diện tích lại có phần giảm đi những năm gần đây ? ) thiết tưởng cũng nên xét lại  mạnh mẽ  tại sao việc  vận dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật  vào ngành sản xuất lương thực còn  quá chậm và chưa đồng đều như vậy?...

        Sau cùng , tương lai phát triển Phú Thọ cũng như Việt Nam,  phải nhắm vào “tư duy mới”  bắt nguồn từ  giáo dục đào tạo nhiều sáng tạo,  như đã phát họa sơ khởi ở phần giáo dục hướng về cao kỷ -tri thức như điện tử, viễn thông, thông tin , tin học … hỏa tiễn , vệ tinh, trực thăng không người lái v.v… liên kết với quốc phòng vùng Tam Đảo ?  phải cố tiến lên cho kịp ngành công nghệ quốc phòng Bắc Hàn, các ngành phát triễn kinh tế xã hội, đặc biệt về thông tin , truyền thông … Nam Hàn, trước  thập niên 1960,  không hơn gì Việt Nam cả…            

                (Irvine,   Nam Ca Li- Hoa Kỳ ngày 13 tháng 12 năm 2012 )




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét