Biết thêm đôi chút về "Xứ Lạng" -
Lạng Sơn, tỉnh địa đầu bao lần chống xâm lược.
G S Tôn thất Trình
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng Anh,
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em .
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, biên giới với tỉnh Quảng Tây , Trung Quốc phía Đông Bắc ranh giới dài 253 km. Là cửa ngõ phía Bắc nước Việt Nam , vị trí địa lý và chính trị quan trọng, trên tuyến biên giới với Trung Quốc có 2 cửa khẩu quốc tế ( cửa khẩu xe lữa là Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ là Hửu Nghị), 2 cửa khẩu quốc gia ( Chi Ma ở huyện Lộc Bình và Bình Nghi ở huyện Tràng Định ) và 7 cặp chợ đường biên giới, giao lưu kinh tế sôi động .
Ngay từ thời Hùng Vương , nước ta có 15 bộ, trong đó có bộ Lục Hải và Lạng Sơn nằm trong bộ Lục Hải này. Vào đời nhà Trần, gọi là lộ Lạng Giang; năm 1437 đổi làm trấn Lạng Giang, năm 1466 đặt tên làm thừa tuyên Lạng Sơn. Năm 1480 đổi làm xứ Lạng Sơn. Năm 1509 đổi làm trấn Lạng Sơn. Thời vua Minh Mạng, năm 1831 đổi làm tỉnh Lạng Sơn. Tháng 12 năm 1975 , Lạng Sơn và Cao Bằng hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng. Tháng 12 năm 1978, lại tách ra làm hai tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng .
Hành chánh và dân cư
Diện tích hiện nay là 8 331.2 km2 , gồm 1 thị xã tên là thị xã Lạng Sơn, 10 huyện ( Tràng Định, thị trấn là Thất Khê ;Văn Lãng, thị trấn là Na Sầm; Bình Gia, thị trấn là Bình Gia; Bắc Sơn, thị trấn là Bắc Sơn; Văn Quan, thị trấn là Văn Quan; Cao Lộc, có 2 thị trấn Đồng Đăng và Cao Lộc; Lộc Bình có hai thị trấn là Na Dương và Lộc Bình; Chi Lăng , có hai thị trấn là Đồng Mỏ và Chi Lăng; Đình Lập cũng có 2 thị trấn là Thái Bình và Đình Lập; Hửu Lũng, thị trấn là Hửu Lũng.)
Dân số năm 1989, chỉ có 611 015 người, năm 1999 là 704 642 người và năm 2006 là 746 400 người. Lạng Sơn là cư trú của cộng đồng các dân tộc miền Bắc. Đông nhất là người Nùng , Tày, Kinh, Dao , Hoa, Sán Chay , H’Mông - Mèo… Tài liệu điều tra năm 1999, cho thấy tộc dân Nùng chiếm 43,9 % tổng số dân, tiếp theo là tộc dân Tày ( 35.6% ), tộc dân Kinh (15.3%), tộc dân Dao ( 3.5% ), tộc dân Hoa ( 0,4 % ), tộc dân H’Mông ( 0,2 5 ), còn lại là các tộc dân Thái, Mường , Sán Dìu …
Tộc dân Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày -Thái, làm ruộng nước thành thạo như ngưòi Việt ( Kinh ) và người Tày, nhưng địa bàn cư trú của họ là khu vực chuyễn tiếp giữa vùng thấp và vùng cao . Ruộng nước ít , nên nương rẫy và hệ thống ruộng bậc thang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Người Nùng còn biết làm một số nghề thủ công như dệt, nhuộm vải , rèn đúc, đan lát , làm ngói máng ( ngói âm dương ). Chúng ta thường cho tộc dân Nùng là một khối ngôn ngữ kết dính, nhưng thật ra tộc dân Nùng , theo Beth Nicolson ( 1998) và viện Dân tộc Học miền Bắc ( 1979 ), chia ra 12 nhóm biệt danh, tỉ như Nùng Cháo, Nùng Inh , Nùng Hù Lai… Rất nhiều biệt danh này lấy tên từ các vùng Trung Quốc, trước khi họ di cư sang Việt Nam, đã hơn 10 thế hệ, khỏang 300- 400 năm nay rồi. Tỉ như Nùng Cháo từ Long Châu ( Longzhou ) ; Nùng Phàn Slình từ Vạn Trần Châu ( Wanchenzhou ); Nùng Inh từ Long Yên ( ? ) Châu ( Longyinzhou ) ; Nùng Ân từ Ân Kết ( Anjiwezhou ). Khi nói chuyện, có khi họ không hiểu nhau, phải dùng tiếng Việt, như khi các tộc dân Nùng phụ Cháo, Inh, Phàn Slình, nói chuyện với Nùng Ân.
Địa bàn cư trú của tộc dân Tày ( Tổng bí thư đảng Cọng Sản V. N. hiện nay Nông Đức Mạnh thuộc tộc dân Tày ) là các thung lũng có nhiều đồng ruộng như lòng chảo Thất Khê, Bắc Sơn, Bình Gia hay ở một số huyện Lộc Bình, Chi Lăng… Ngòai kinh nghiệm canh tác ruộng nước không thua kém tộc dân Kinh , người Tày còn thạo trồng cây công nghiệp như trồng hồi (anis tree - illicium verum ), thuốc lá, ươm tơ, dệt lụa, nuôi vịt, đào ao thả cá , thủ công bàn ghế tre, trúc . Từ thời Hùng Vương đã có sự liên minh giữa người Việt cỗ và người Tày cỗ. Tộc dân Tày tiếp thu nhanh chóng văn hóa , phát triễn kinh tế tộc dân Kinh.
Tộc dân Kinh ( Việt ) đứng hàng thứ ba. Nhóm Kinh cư dân đầu tiên của tỉnh, có nguồn gốc con cháu nhà Mạc hay những tù nhân lưu đày, con cháu các phiên thần quan lại . Nhóm thứ hai là người Kinh lên Lạng Sơn khai hoang do miền Bắc phát động vào thập niên 1960. Họ có mặt ở hầu hết các huyện thị trong tỉnh , nhưng tập trung hơn cả ở các vùng thấp như thị xã Lạng Sơn, các huyện Hửu Lũng và Chi Lăng.
Địa bàn cư trú tộc dân Dao ( Mán ) là những vùng đồi núi gần nơi có nước hoặc có điều kiện dẫn nước về bản . Trước đây hình thức canh tác của họ là du canh, du cư . Nhưng nay họ tiếp thu nhiều nét tiến bộ, chuyễn dần sang định canh, định cư, nhưng với trang trại quy mô nhỏ. Tộc dân Dao , cũng tộc dân láng giềng H’Mông ( Mèo ), di cư từ vùng Tây Nam Trung Quốc ( Tứ Xuyên, Qúi Châu ) xuống Việt Nam, có lẽ từ thế kỷ thứ 13, thường sống ở cao độ 800- 1500m, những cao độ này nhiều ở các tỉnh Hà Giang , Tuyên Quang, Cao Bằng hơn là Lạng Sơn.
Một đặc điểm khác là từ năm 1954 cho đến nay hai tộc dân Tày và Nùng, có khi cả Dao nữa, đã có mặt ở các vùng đồi núi Tây Nguyên, ngay cả ở đồng bằng duyên hải Miền Trung ( Sông Lũy , sông Mao - Bình Thuận ), Cà Mau ? ( Cái Nước, Đầm Dơi ? ) .v.v…
Địa hình
Lạng Sơn là một tỉnh miền đồi núi, địa thế tương đối thấp. Độ cao trung bình tòan tỉnh là 252m so với mức nước biển. Nơi thấp nhất chỉ cao 20m, ở phía nam huyện Hửu Lũng, trên thung lũng sông Thương. Nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè, thuộc khối núi Mẩu Sơn, cao 1541m. Đại thể, Lạng Sơn chia ra làm 3 khu vực cơ bản. Vùng đá vôi cánh cung Bắc Sơn, chiếm 25% diện tích tòan tỉnh ở phía Tây Nam, gồm các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Hửu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan. Độ cao trung bình là 400- 500m. Vùng đá vôi đang diễn ra qúa trình cácxtơ hóa. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước trên mặt cho sinh họat và nông nghiệp, ngòai các cánh đồng ngọai vi cácxtơ rộng lớn như Chi Lăng , Mẹt ( Hửu lũng ), Phổng, dân cư đông đúc và nông nghiệp phát triễn. Vùng đồi núi tả ngạn sông Kỳ Cùng và dọc thung lũng sông Thương, chiếm 40% diện tích tòan tỉnh. Núi thấp và đồi, cấu tạo chủ yếu là đá trầm tích lục nguyên, xen lẫn một ít đá magma. Phía Tây Bắc là 700- 800m ( đỉnh Phia Ngòam cao 1175m , đỉnh Khau Khiêng cao 1107m ). Ở giữa, cao 500- 600m. Phía Nam thuộc huyện Hửu Lũng, chỉ cao trung bình 200- 300m.Vùng máng trủng Thất Khê - Lộc Bình và đồi núi dọc biên giới Việt Trung, nằm phía Đông Bắc tỉnh, chiếm 35% diện tích tự nhiên. Rất nhiều địa danh nổi tiếng lịch sử Việt, ca dao cũng như cảnh quan hùng vĩ, hang động đẹp, nhiều giá trị du lịch và nghĩ dưỡng, thuộc vùng này.
Khí hậu
Tuy Lạng Sơn nằm hòan tòan trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng nhờ cao độ trung bình tòan tỉnh là 252m, lại chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc, nên mang tính chất khí hậu á ( bán ) nhiệt đới. Lượng mưa 1400-1500mm , số ngày mưa 135, ẩm độ trung bình trên 82%. Nhiệt độ trung bình 21, 20 C, trung bình mùa đông từ 13- 17 0 C , nhưng nhiệt độ tối thấp ở vùng núi Mẩu Sơn có thể xuống dưới 50 C, có khi dưới O0 C. Vị trí, địa hình Lạng Sơn duy trì khá lâu khối khí lạnh, giúp các cây đào lông, lê , mận tây thỏa mãn nhu cầu lạnh các cây này ;đậu trái, tăng trưởng tốt hơn khí hậu Đà Lạt - Lâm Đồng, nhưng vẫn chưa đủ lạnh cho cây anh đào - cerisier , cherry ra trái đẹp đẻ, ít nhất là các giống trái anh đào hiện tại. Về mùa hạ, nhiệt độ không khí trung bình đều trên 250 C, nhưng vùng núi, khí hậu mát mẽ dịu hơn. Lạng Sơn ít chịu ảnh hưởng của bảo, nhưng thời tiết tạo sương muối, sương mù và mưa phùn. Sương muối gây thiệt hại lớn cho cây trồng và vật nuôi .
Thủy Văn
Tỉnh Lạng Sơn có 3 hệ thống sông chính : sông Kỳ Cùng thuộc hệ thống sông Tây Giang, Quảng Tây , sông Thương và sông Lục Nam, thuộc hệ thống sông Thái Bình .
Sông Kỳ Cùng là sông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn và khu vực miền núi Đông Bắc. Chiều dài trong Việt Nam là 243 km . Diện tích lưu vực là 6660km2 , phần nội tỉnh là 6532 km2 , chiếm gần 80% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa, huyện Đình Lập cao 1166m, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, qua các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, thị xã Lạng Sơn, Văn Lãng đến bản Trại huyện Tràng Định, rồi đổi sang hướng đông, chảy vào lưu vực sông Tây Giang, Quảng Tây. Các nhánh sông lớn là Bắc Giang, Bắc Khê và Ba Thìn. Sông Bắc Giang dài 114km, diện tích lưu vực là 2670km2 , bắt nguồn từ đèo Gió thuộc tỉnh Bắc Cạn, chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đổ vào bờ tả sông Kỳ Cùng ở xã Hùng Việt, huyện Tràng Định. Phụ lưu lớn thứ hai của sông Kỳ Cùng là sông Bắc Khê, chỉ dài 54 km, lưu vực nhỏ 801 km2 , bắt nguồn từ xã Cao Minh, huyện Tràng Định ,chảy gần như song song với sông Bắc Giang, rồi đổ vào bờ tả sông Kỳ Cùng ở xã Đại Đồng , huyện Tràng Đinh. Sông Ba Thìn dài 52 km , lưu vực 320 km2 , bắt nguồn từ vùng núi Bản Xung, tỉnh Qủang Tây, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, đổ vào bờ hửu sông Kỳ Cùng ở huyện Lộc Bình.
Sông Thương ( tên chữ là sông Nguyệt Đức ) là sông lớn thứ hai của Lạng Sơn, chiều dài 157km, đọan chảy qua Lạng Sơn dài 70km, ở phần thượng và trung lưu. Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, huyện Chi Lăng ở cao độ 600m, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam rồi vào tỉnh Bắc Giang tại xã Hòa Thắng, huyện Hửu Lũng. Sông Trung, một phụ lưu của sông Thương, dài 65 km, lưu vực rộng 1270km2, bắt nguồn từ vùng núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đổ vào hửu ngạn sông Thương tại Na Hoa, huyện Hửu Lũng. Sông Hóa, dài 47km, diện tích lưu vực 385km2 , nhập vào tả ngạn sông Thương ở xã Hòa Lạc , huyện Hửu Lũng .
Sông Lục Nam, ở thượng nguồn tên là Lục Ngạn, bắt nguồn từ vùng núi Kham Sau Chôm, cao 700m, thuộc huyện Đình Lập, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, rồi chảy vào tỉnh Bắc Giang. Chiều dài ở tỉnh Lạng Sơn chỉ là 28km, diện tích lưu vực 642 km2. Ở phần thượng nguồn lòng sông hẹp, uốn khúc, nhiều ghềnh tháp, độ dốc lớn .
Vài sông ngắn khác ở Lạng Sơn là sông Nà Làng, sông Phố Cũ, sông Đồng Qui.
Tổng lượng nước hàng năm các sông ước lượng 5, 9 tỉ m3, nhưng chưa hòan tòan khai thác tưới tiêu, cung cấp nước, điện đầy đủ cho tỉnh nhà.
Địa danh, thắng cảnh ca dao, lịch sử Lạng Sơn
Tài nguyên du lịch thiên nhiên là các khu danh thắng Nhị -Tam Thanh, Mẩu Sơn, rừng Hửu Liên, hệ thống 92 hang động cáxtơ , chiều dài 13 560m , tập trung ở huyện Hửu Lũng ( hang Cả và hang Dơi ), Bình Gia ( hang Bắc Nguồm, hang Ông Việt ) , Bắc Sơn ( hang Bông Hiên, Thẩm Oay, Mỏ Nghiên ) và huyện Chi Lăng ( hang Canh Tẻo, Đồng Mỏ và đặc biệt là hang Gió mới phát hiện năm 1999 ). Rừng ngập nước trên núi cao, rộng 3500 ha có thể là một tài nguyên du lịch sinh thái , cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, nhất là động vật hiếm qúi Hửu Liên ( huyện Hửu Lũng ) và Mỏ Rẹ ( huyện Bắc Sơn , như khỉ vàng, khỉ bạc má, vượn đen , vượn vàng, cu li, sóc, gà lôi trắng , hồng hòang, gà tím, trĩ …
Thắng cảnh ca dao “ Chùa Tam Thanh “ có tượng Phật trong động Tam Thanh , cách thị xã chừng 1 km. Thật ra động Tam Thanh gồm ba động, Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh. Tam Thanh nổi tiếng hơn hết ở cuối Tây phố Kỳ Lừa. Động Tam Thanh giống như một voi phục trong đồng cỏ hòa bản rộng. Cửa vào hang động chỉ cao hơn chân núi 8m , bị tàn cây cao lớn che phủ tất cả ánh sáng. Trên vách cao bên phải cửa vào có khắc một bài thơ của hòang giáp tiến sĩ Ngô Thì Sĩ ( 1726- 1780 ) một thi sĩ, tài cao đức ( nhân cách ) trọng, cùng thời với nhà văn bác học Lê Qúi Đôn ( 1726- 1784 ), lúc Ngô Thì Sĩ làm đốc trấn ( tỉnh trưởng quân sự) Lạng Sơn, ca tụng vẻ đẹp hùng vĩ của đồi núi này, đặc biệt là tiếng nước róc rách êm dịu trên đá. Gần đó là hòn Vọng Phu, Tô Thị ( ? ) chờ chồng . Chính Ngô Thì Sĩ đã khám phá ra động Nhị Thanh, tên ông đặt ra để nhớ đến sinh quán làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông còn cho khắc hình ông trên vách đá Nhị Thanh.
Mẩu Sơn là đỉnh núi cao nhất tỉnh nhà, gió hú, mây trôi thấp lưng chừng đồi, tuồng như trời cao ở ngay tầm tay, cảnh quan như một bức tranh thủy mạc Trung Hoa cỗ .Phía bắc Mẩu Sơn là Ninh Minh Quảng Tây , phía đông là Na Dương thành phố bụi bặm than nâu, phía tây là thị trấn Đồng Đăng; tất cả hội nhập thành một cảnh quan lạ lùng. Mẩu Sơn cách thị xã Lạng Sơn 30km . Đường lên núi ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc giữa lòng hai vực núi sâu; thỉnh thỏang vài cô gái Dao mặc áo quần cỗ truyền sặc sở, miệng cười tươi thắm phất cờ, mong đựợc chở đi một đọan đường núi. Cách đây 70 năm, chưa có đường này, lên Mẩu Sơn phải leo bộ hay trên lưng ngựa. Mẩu Sơn lúc đó được nguời Pháp chú ý làm nơi nghĩ dưỡng , vì không khí mát lạnh quanh năm. Phía Đông Bắc là cửa ngõ sang Tàu, Pháp thiết lập một căn cứ quân sự ở đây vào đầu thế kỹ thứ 20, để canh giữ biên phòng. Dân địa phương thuôc tộc dân Dao ( Mán ) được di dời để quân binh Pháp cư trú. Ai có giấy phép đặc biệt mới được vào căn cứ Pháp.Tuy nhiên sau đó, du khách được đón mời thăm viếng. Tháng giêng năm 1936, bác sĩ O. Pflot, môn đệ của bác sĩ vi trùng học danh vang thế giớiYersin, đến Mẩu Sơn tìm cây cỏ làm thuốc đông y, vài lòai đã được dân địa phương khai thác, trồng trọt. Cũng năm đó, ông được phép thống sứ- governor miền Bắc là Thorace cho xây cất nhiều biệt thự - villas đón du khách. Không có lò gạch quanh vùng, Pflot dùng đá làm vật liệu xây dựng Nay còn phân biệt được các tầng lầu điêu tàn, nền móng màu vàng bẩn rêu phủ xanh, nơi nào là nhà bếp, lò sưởi, nơi nào là các bậc thang cấp. Trong gần 50 năm , như nàng công chúa giấc nồng ngũ say, không ai biết đến. Năm 1987, xe mô tô cũng không được phép chạy đường lên núi. Nay thì du khách địa phương trong vùng, rồi nguời Hoa từ Trung Quốc và người Kinh miền đồng bằng V .N. viếng thăm tấp nập, tưng bừng, khác hẳn cấm địa Mẩu Sơn thời Pháp thuộc. Hy vọng Mẩu Sơn mau chóng trở thành một Sa Pa hay một thị trấn mới như ” Mang Đen “ ,huyện Kom Plong , đang xây dựng ở tỉnh Kontum . Đối chiếu Trung tâm du lịch Tháp Đức Thiên ( De Tian ), Trung Quốc vừa thiết lập, gọi là đệ nhất Hùng Quan Nam Trung Quốc mà phân nữa là vùng thác đẹp Bản Giốc, thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng , Trung Quốc chiếm giữ, sau cuộc xâm lăng miền Bắc Việt Nam năm 1979, để bảo vệ chế độ Khmer Đỏ Pol Pot , đánh phá các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Trên đất tỉnh Lạng Sơn, đầu thế kỷ thứ 20, một nền văn minh cỗ, tuy còn được biết đến ở Lào , Căm Bốt , Thái Lan , Miến Điện , Mã Lai Á và miền đông đảo Sumatra, nhưng không đâu phong phú bằng Việt Nạm , người :Pháp đã tìm thấy hơn 150 di tích khảo cổ , cách đây mấy chục ngàn năm, dấu tích xưa nhất con người trên đất nước ta . Nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn trong các hang động văn hóa chứa hàng vạn di vật bằng đá cuội, ghè đẻo thành những công cụ hình hạnh nhân , hình tròn , rìu ngắn , rìu dài , đặc biệt là ríu mài lưỡi …
Không những phải cố tái tao khu thắng cảnh nghĩ dưỡng ( và quân sự phòng thủ ? ) Mẩu Sơn mà phải tái thiết mở rộng các quần cư đô thị như thị xã Lạng Sơn và 14 đô thị trấn thuộc 10 huyện, quá trình đô thị hóa còn thấp kém, lại còn bị ngọai xâm phá hoai. Đặc biệt là các thị trấn Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lộc Bình trong số 20 thị trấn quan trọng dọc biên giới từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Lai Châu, tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tràn sang tàn phá ( theo Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng - 2000 ) , kể luôn cả mọi công nghệ ở các thị trấn này .
Truyền thống chống xâm lăng
Vùng Ải Chi Lăng chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quan Lang, huyện Chi Lăng, cách Hà Nội 110km , cách biên giới Việt Trung 60 km, là thung lũng ép giữa hai dãy núi, phía Đông là núi đất Bảo Đài - Thái Họa, phía Tây là núi đá Cai Kinh vách núi dựng đứng. Có sông Thương chảy ngang qua, có hai cửa ngõ khóa hai đầu thung lũng . Cửa phía bắc là Qủi Môn Quan - Monster Gate, nơi quân xâm lăng Trung Quốc tiến vào Việt Nam. Phía Nam là của Ngõ Thề- Swearing Gate, cha ông chúng ta đã thề hy sinh chống giặc, bảo vệ tổ quốc ngăn ngừa chúng tràn qua ải. Ải Chi Lăng cũng là một thắng cảnh hiểm địa , “ thập nhân khứ , nhất nhân hòan - mười người đi ( xâm lược ) , chỉ một người về được “.
Từ thế kỷ thứ 14, Phạm sư Mạnh đã hạ hai câu thơ đích đáng:
Lâu phong bạt mã cao hồi thủ
(Trước gió, ghì cương ngựa, lên cao ngỏanh đầu nhìn lại)
Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề
( Chi Lăng ải hiểm tựu lên trời ).
Những ngọn núi độc lập rải dọc thung lũng, trấn ven đường đi: Hàm Qủi, Phương Hòang, Kỳ Lân, Mã Yên … Năm 981 vua Lê Đại Hành ( Lê Hoàn ) ở vùng quan ải này , đã chiến thắng quân nhà Tống, diệt hết quân thù.
• Trận Như-Nguyệt ( sông Cầu ) :18-1 1077 đến tháng 3 - 1077
Năm 1076, Phò mã Thân Cảnh Phúc lập phòng tuyến chống 300 000 quân Tống ( 10 vạn quân tác chiến, 20 vạn quân hổ trợ ) nhà Tống xâm lăng Việt Nam lần thứ hai. Ngày 8-1 - 1077 , quân Tống tiến vào nước ta theo hai ngã ở biên giới phía Bắc và một ngã theo đường biển Đông Bắc, nhưng rất vất vả , nhất là trước các cửa ải Quyết Lý, Chi Lăng, vì bị các lực lượng thổ binh ( các tộc dân ) ta chận đánh. Đến ngày 18 - 1, quân Tống mới đến bờ Bắc sông Như Nguyệt ( còn có tên là sông Cầu, dân chúng còn gọi là sông Phú Lương, trên chữ là sông Nguyệt Đức ), đóng thành 2 cụm quân, cụm Quách Qùy và cụm Triệu Tiết. Quân thủy của ta do Lý Kế Nguyên chỉ huy, đánh tan quân thủy nhà Tống Dương Tùng Tiên chỉ huy. Tháng 3 năm 1077, 400 chiến thuyền của ta bất ngờ, ngược dòng sông Như Nguyệt, tấn công cụm quân Quách Qùy từ hướng đông. Trong khi cụm quân này đang mãi đối phó, Lý Thường Kiệt nắm đại quân, vượt sông đánh thẳng vào tiêu diệt cụm quân Triệu Tiết. Thừa thắng, từ hướng Tây Bắc, Lý Thường Kiệt đánh đạo quân Quách Quỳ, đóng cách đó 30 km, khiến chúng cuối cùng phải phá vây, chạy về phía Bắc. Đến Chi Lăng, bị đạo quân của Thân Cảnh Phúc chặn ở Chi Lăng. Địch bị tiêu diệt đại quân và buộc lòng phải rút hết quân về Tàu.
• Chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông ( Cổ ) :1285 và 1285- 1288
Lần thứ nhất vào tháng giêng năm 1258 .Lúc bấy giờ chúa Mông Cổ đang tiến hành cuộc xâm chiếm Trung Quốc. Chỉ một đạo quân khoảng 4 vạn người, gồm kỵ binh Mông Cỗ và binh lính người Thóang Vân Nam, tướng Lương Hợp Thai ( Uryanquadai ) chỉ huy, từ Vân Nam đánh xuống Đại Việt. Quân ta rút lui, bỏ Thăng Long, nhưng quân dân không nao núng. Thái sư Trần Thủ Độ đã trả lời vua Lý Thái Tông. câu bất hủ “ đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo “ . Ngày 29-1 1258, vua Trần Thái Tông đem binh thuyền ngược sông Hồng tái chiếm Thăng Long, đuổi quân địch tháo chạy về Vân Nam. Trên đường rút lui, chúng còn bị quân các tộc miền núi tập kích, đánh tan tác .
Lần thứ hai, cuối năm1284, đạo quân Nguyên Mông do Thóat Hoan ( Togan ), con trai vua Nguyên Hốt Tất Liệt ( Kubilai ) và A lý Hải Nha ( Ariquaya ) chỉ huy, lên đường xâm lược Đại Việt. Cánh quân lớn nhất của Thóat Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn . Cánh quân do Nạp Tốc Lạt Đinh( Nasirut Din ) từ Vân Nam đánh mặt Tuyên Quang . Sau một vài trận đánh chặn giặc ở mặt Lạng Sơn và Tuyên Quang, tháng 2 năm 1285 quân ta rút lui, bỏ trống Thăng Long theo kế họach “ vườn không nhà trống “, kéo về mạn Thiên Trường và Trường Yên ( Hà Nam Ninh ). Tháng 5 -1285, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân phản công, giải phóng Thăng Long. Thóat Hoan hỏang hốt bỏ chạy, nhưng đến biên giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta chặn đánh. Đại tướng Lý Hằng đi đọan hậu, bị tên độc trúng đầu gối về đến Tư Minh thì chết. Sau lần thất bại này, các đạo quân viễn chinh Nguyên Mông lại lên đường xâm lược vào cuối năm 1287. Tháng 12 - 1287, Thóat Hoan đã tiến sâu vào Lạng Sơn và cuối tháng 1- 1288 mới chia quân tiến về Thăng Long. Quân ta lại bỏ ngỏ Thăng Long lần thứ ba. Quân Nguyên vào Thăng Long ngày 2- 2- 1288. Đạo quân Thóat Hoan chiếm đóng Thăng Long không có lương thực, lâm vào tình thế khốn quẫn., vì thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ đã bị Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhận chìm hết ở vùng đảo Vân Đồn. Cánh quân bộ Thóat Hoan rút qua biên giới Lạng Sơn, bị phục kích ở cửa ải Nội Bàng, bỏ con đường ra ải Khâu Cấp, vòng theo đường Đan Ba ( huyện Đình Lập ) chạy tạt ra biên giới. Nhưng ở đây chúng bị quân ta chặn đánh, tướng giặc là A Bát Xích ( Abaci ) bị trúng tên chết. Mãi đến ngày 19- 4 - 1288, tàn quân Thóat Hoan mới về đến Tư Minh, Trung Quốc .
• Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, chủ tướng quân Minh bỏ thây ở Mã Yên
Cuối năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lảnh đạo chống quân Minh xâm lược, bước sang năm thứ 10, đang đứng trước ngõ thắng lợi hòan tòan . Quân Minh co lại, chỉ còn chiếm giữ thành Đông Quan ( Hà Nội ). Giặc Minh phái sang nước ta một đạo quân viện lớn do Liễu Thăng chỉ huy. Cánh quân thứ nhất do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy, gồm gần 100 000 tên, tiến theo ngã Quảng Tây vào Lạng Sơn, và Xương Giang , tỉnh Bắc Giang. Cánh thứ hai gồm 50 000 tên, do Mộc Thạch chỉ huy , tiến theo ngã Vân Nam vào Lào Cai, Việt Trì. Ngày 10- 10- 1427 , tiền quân Liễu Thăng chủ quan khinh địch , rơi vào trận địa phục kích của Lê Sát ở cửa ải Chi Lăng, chủ tướng Liễu Thăng và tòan bộ 10 000 tên bị diệt dưới chân núi Mã Yên ( núi hình yên ngựa ), Chi Lăng. Ngày 15- 10 , tướng Lương Minh vừa thay thế Liễu Thăng, cùng hàng vạn quân, bị đạo quân Lê Lý tập kích tiêu diệt ở Cần Trạm. Ngày 18-10, thêm 10 000 tên địch bỏ mạng trong phục binh của ta ở Phố Cát. Ngày 3- 11, ta tổng công kích cụm quân do Thôi Tụ - Hòang Phúc, hạ trại trú đóng trên cánh đồng Xương Giang, vì ta đã hạ thành Xương Giang, từ ngày 28-9-1427. Sau một ngày chiến đấu, ta đã bắt hơn 60 000 địch, tiêu diệt hòan tòan viện binh chủ yếu của nhà Minh. Ở phía Tây, nhận đươc tin thất bại của đạo quân Liễu Thăng, Mộc Thạch vội vàng cho quân rút chạy. Quân ta dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả truy kích, đánh tan rả hòan tòan cánh quân này. Vương Thông bị vây ở thành Đông Quan, phải đầu hàng. Ta buộc nhà Minh phải chấp nhận rút các lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của chúng ta .
Thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Pháp
Theo sử liệu biên giới nước ta và Tàu ( nay là Trung Quốc ) từ đời Tiền Lê ( vua Lê Đại Hành ) và nhất là từ đời vua Lý Thánh Tông cho đến đầu thời Pháp thuộc, luôn luôn có tranh chấp ở đất liền cũng như mặt biển, khi mối bang giao giữa hai nước không được tốt đẹp, đặc biệt khi nội tình nước ta lũng cũng hay bị nội lọan, như vào thời cuối đời vua Tự Đức. Cũng theo Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng ( 2000 ), có thuyết cho rằng nhờ Pháp bảo hộ Bắc và Trung Kỳ, cho nên nước ta được lợi nhiều về đất đai ở miền biên giới; vô ý thức làm lợi cho thuyết Trung Quốc, nói rằng lúc Thanh triều suy yếu phải nhưòng đất đai biên giới Việt Hoa cho Việt Nam, dưới áp lực của thực dân Pháp. Sự thật khác hẳn. Sau khi Pháp đánh Bắc Kỳ và Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, chiếm Hà Nội lần thứ hai năm 1882, chiếm khu mỏ than Hòn( Hồng ) Gai năm 1883, buộc triều đình Huế ký Hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 với Pháp, chấp nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp và chấp nhận bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ . Ngày 6 tháng 6 năm 1884, còn buộc chấp nhận thêm là nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngọai. Thừa dịp nước ta quá suy yếu, giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng người Trung Quốc, đã tự do tàn phá vùng biên giới, cũng như miền Thượng Du Bắc Kỳ. Các năm 1883- 84, triều đình Huế cầu viện nhà Thanh chống thực dân Pháp xâm lăng. Nhân dịp này quân ( Mãn ) Thanh đã lấn chiếm lại vùng Tụ Long , và nhiều đất đai ở Bắc Kỳ. Mỏ đồng Tụ Long của ta thuộc vùng núi Tụ Long, ở xã Tụ Long , tổng Phương Độ, châu Vị Xuyên , phủ Yên Bình trấn Tuyên Quang ( sau đổi là huyện Vĩnh Tuy, tỉnh Hà Giang) ngay sát biên giới Trung Quốc. Năm 1728, vua nhà Thanh đã cho điều động bình mã ba tỉnh Trung Quốc ( Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam ) đến biên giới xem xét tình hình động tỉnh, đặt mốc nhà Thanh chiếm vùng đất Tụ Long nước ta . Nhưng thổ mục trấn Tuyên Quang là Hoàng văn Phác nhất định không theo. Sau đó chúa Trịnh Cương cho đem binh sĩ lên vùng biên giới , cương quyết bảo vệ vùng đất đã bị mất. Nhà Thanh phải chịu trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long lại cho nước ta vào năm 1728. Trái lại thực dân Pháp, đã vì quyền lợi của Pháp, nhượng bộ Trung Quốc. Bộ trưởng Pháp Constans, ký kết Hòa Ước Thiên Tân ( Tien Tsin ) ngày 9-6- 1885, định rằng uỷ viên hai nước sẽ đến tại chỗ xác định biên giới Trung Quốc và Bắc Kỳ. Nhưng kết quả là Phụ Ước Pháp Trung, ký kết ngày 26- 6 -1887, Pháp thuận bỏ luôn một phần lảnh thổ ở biên giới tỉnh Vân Nam, sáp nhập phần còn lại của mỏ đồng Tụ Long tại xã Phấn Vũ ( còn gọi là Mường Tung ) vào phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam. Thỏa Ước năm 1885 giữa Pháp và Trung Quốc, Pháp đã nhượng luôn các xã Tụ Mỹ, Tụ Hoa và một phần xã Phấn Vũ cho Trung Quốc. Diện tích phần đất nhượng này khỏang 750- 800 km 2 . Ba lần Pháp thất thủ thành Lạng Sơn.
Như đã nói trên , quân Thanh “ cứu viện “ cho Việt Nam các năm 1883-84, đã chiếm thị xã Lạng Sơn. Nhưng tháng giêng 1885, ở cuộc chiến Pháp -Trung, Pháp chiếm lại thị xã Lang Sơn. Quân Thanh phản công các ngày 22/24 tháng 3 năm 1885 . Lữ đòan quân binh Pháp đã hối hả rút lui khỏi đồn Lạng Sơn, sau khi thất bại tấn công Bằng Bồ ( Bằng Tường? ) ở Trung Quốc, rút lui về Kép. “Triệt thóai Lạng Sơn - Retreat from Lạng Sơn “ là một lĩnh vực tranh cải ở cuộc chiến Pháp - Trung này, dẫn đến sự lật đổ nội các Jules Ferry ở Pháp Đáng tiếc là lúc này triều đình Huế, chia ra hai phe chủ chiến và chủ hòa với Pháp không lợi dụng được thời cơ Pháp thất thủ ( ? ) Lạng Sơn, quật khởi chống lại tóan quân tuớng tòan quyền De Courcy , vô lễ và kiêu ngạo, đang cưỡng ép triều đình Huế, âm mưu thôn tính cả nước Việt Nam, sau khi đã chiếm trọn Nam Kỳ. Không khác gì mấy trước thời gian Minh Trị Thiên Hòang dành lại được uy quyền chấp chánh ở Nhật của lảnh chúa Edo ( Đông Kinh ) Tokugawa , hai phe Nhật chủ chiến chủ hòa với Tây Phương chém giết nhau tơi bời. Tuy nhiên, Tôn Thất Thuyết phụ chánh đại thần khi vua Tự Đức mất, đứng đầu phe chủ chiến, ra tay trước. Đêm 4-7- 1885, quân Thuyết tấn công đánh úp doanh trại Pháp. Việc tổ chức rất chu đáo, nhưng vũ khí thô sơ nên không thành công.. Tôn Thất Thuyết phải đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi về miền Hương Khê ( tỉnh Hà Tĩnh ) phát động phong trào Cần Vương chống Pháp. “Quan tướng “ Tôn thất Thuyết được nhân dân ca ngợi qua câu :
Nước ta quan tướng anh hùng,
Bá quan văn vỏ cũng không ai tày .
Chứ không phải bị phe chủ hoà, dèm pha cho Thuyết là ngu si, ở câu châm biếm :
Nước ta có bốn anh hùng,
Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu
(Tường là Nguyễn văn Tường cũng bị Pháp đày. Viêm là Hòang kế Viêm cùng Lưu Vĩnh Phúc đã được Tôn thất Thuyết giúp thắng trận Cầu Giấy, giết được đại úy Francis Garnier năm 1873. Khiêm là Ông Ích Khiêm, cũng chống thực dân Pháp. )
Ngày 22 tháng chín năm 1940, lực lượng quân thuộc địa Pháp lại phải hối hả một lần nữa, rút lui khỏi Lạng Sơn, trong trận gọi là “ Trận chiến Lạng Sơn - Battle of Lạng Sơn“, sau khi bị sư đòan viễn chinh số 5 quân đội Nhật từ Tàu tiến sang đánh bại.
Sau chiến tranh Mỹ -Nhật ở Thái Bình Dương quân đội thuộc đia Pháp trở lại đóng đồn vĩnh viễn ở Lạng Sơn, làm trung tâm hậu cần tiếp vận cho các đồn Pháp trú quân tại biên giới Việt Bắc. Di tích gọi tên là chiến tranh đường quốc lộ thuộc địa - route coloniale số 4, cho biết ngày 18 tháng chín 1950, quân đội Võ Nguyên Giáp chiếm Đông Khê ( tỉnh Cao Bằng ) bắt sống đại úy Allioux , chỉ huy quân sự Đông Khê. Ngày 7 tháng 10 lại phá tan tóan quân đại tá Charton , bắt sống Charton và tòan bộ tham mưu. Chiều 8/10 phá tan tóan quân, bắt sống đại tá chỉ huy Le Page ở Na kao. Ngày 13/10 /1950, quân Võ Nguyên Giáp chiếm Na Cham và ngày 19/10 chiếm Đồng Đăng. Đại tá Constans chỉ huy Lạng Sơn rời bỏ thành này đêm 17 và rạng ngày 18/10, sau khi phá nổ cầu Kỳ Lừa, chấm dứt chiếm giữ Lạng Sơn, khởi đầu kết thúc Pháp đô hộ Việt Nam đã gần 100 năm .
Trung Quốc tái tàn phá Việt Bắc, kể cả vùng biên giới Lạng Sơn.
Tháng 2 năm 1979 , Đặng tiểu Bình, Tổng bí thư đảng Cọng Sản và chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Đảng Trung Quốc xua quân, khoảng 200 000( ? ) tương đương với số quân xâm lăng thời Lý, thời Trần, thời Lê, của ba tỉnh Vân Nam , Quảng Tây, Quảng Đông, tràn vào lảnh thổ Việt Nam, phá họai hơn 20 thị xã và thị trấn quan trọng Việt Bắc, trong số này phải kể cả thị xã Lạng Sơn như đã nói trên. Chỉ rút lui, nói rằng đã dạy cho Việt Nam một bài học, khi Việt Nam phản công, chống đối mảnh liệt quân Trung Quốc cố tiến về Hà Nội mà không được . Nhưng Trung Quốc bỏ mìn bảo vệ nhiều vùng đất đai ranh giới thuộc nước ta, như Ải Nam Quan , Bản Giốc, vùng Tụ Long, vùng đất biên giới các quận Hoành Mô, Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh v.v… Trung Quốc tuyên bố đã giết chết 50 000 quân Việt, nhưng Việt Nam nói là chỉ mất 37 000 quân và đã lọai ra khỏi vòng chiến hơn 26 000 địch. Cuộc chiến Việt Trung cận đại này còn đang được phê phán, đàm phán, hòa nghị … cũng như cuộc chiến nhỏ hơn ở biên giới hai nước, năm 1989 ( ? ), tưởng chưa nên kết luận vội .
Ngày 31/12/2008 phải hòan tất công cuộc cắm mốc biên cương hai nước.
Sau hơn 10 năm, Trung Quốc đánh khốc liệt và đe dọa xâm chiếm Việt Nam ( 1978- 1989 ), Hà Nội và Bắc Bình mới gặp nhau ở miền Nam Trung Quốc, tháng 9 / 1990, đồng ý tái lập quan hệ bình thường giữa hai nước. Tháng 10/1992, hội nghị cấp chuyên viên lần thứ nhất họp thảo luận ranh giới lảnh địa và vùng biển vịnh Bắc Bộ . Một năm sau , hai bên thỏa thuận lập hai nhóm chuyên viên thảo luận riêng rẽ hai vấn đề này. Nhóm ranh giới lảnh địa họp lần đầu tiên tháng 2/ 1994 và kết thúc sau 16 lần họp. Tháng 12/ 1999 , Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa hiệp nguyên tắc cắm mốc ranh giới lảnh địa. Tưởng cũng nên nhắc lại là lảnh địa biên giới hai nước dài 1400km ( 870 dặm Anh ) .Đến năm 2008, hai nước đã đặt xong 85 % mốc hai bên thỏa thuận. Riêng tỉnh Lạng Sơn đã hòan tất công cuộc đặt mốc. Theo lệnh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 31/12/2008 , các tỉnh khác cũng phải hòan tất công cuộc cắm mốc. Không rỏ sau khi hoàn tất cắm mốc, chúng ta mất đi bao nhiêu , nhận lại bao nhiêu lảnh thổ ?
Quan trọng cho phát triễn Lạng Sơn là thực hiện hành lang Kinh tế Việt Bắc hay hai Hành lang một Vòng tròn theo cách Trung Quốc hiểu .
Theo bình luận viên quốc phòng Úc, Carlyle A. Thayer ( tháng 11 năm 2008 ), thật ra đối với Trung Quốc phát triễn hành lang này năm trong chính sách chung cơ cấu đa quốc gia , đa phương. Liên hệ đến Việt Nam là các cơ chế đa quốc: như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN , Trung Quốc gia nhập năm 1994 và Việt Nam năm 1995; như Hội Thảo Vùng ASEAN Regional Forum -ARF, Việt Nam là thiết lập viên năm 1994; và Vùng Phụ Mê Kông Lớn Hơn - Greater Mekong Subregion- GMS, do Ngân Hàng Phát Triễn Á Châu đề nghị năm 1992, mở rộng Ủy Ban Mê Kông - Mekong River Commission - MRC, thành lập năm 1995.
Tháng 10 / 2006, ở phiên họp ASEAN tại Nam Ninh - Nanning, thủ phủ Quảng Tây, thủ tướng Ôn Gia Bảo( Wen Jia Bao), kêu gọi mở rộng thương thảo quân sự, trao đổi và hợp tác quốc phòng, chống khủng bố, viện trợ nhân đạo và cứu trợ tai ương, chống tội hình xuyên quốc gia và chống bệnh lây nhiễn lan tràn. Mọi quốc gia ASEAN thỏa thuận lập một vùng ASEAN - Trung Quốc Tự do Thương mãi vào năm 2010, trừ các nước mới gia nhập là Cam Bốt, Lào, Myanmar, Việt Nam , được gia hạn đến năm 2015. GMS gồm có Cam Bốt, Lào, Myanmar, Thái Lan, Viêt Nam, tỉnh Vân Nam và khu tự trị tộc dân Tráng - Zhuang Quảng Tây .
Thọat tiên Trung Quốc rất dè dặt về các hoạt động đa quốc gia của ARF, vì e ngại sẽ phải bỏ bớt chủ quyền quốc gia Trung Quốc, nhưng năm 2006 lại đồng ý hợp tác an ninh trong khuôn khổ ARF. Tại phiên họp thứ 14 của ARF, tại Manila - Phi Luật Tân, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi cảnh cáo hành động của các quốc gia như Hoa Kỳ và Nhật Bổn, tố cáo hai quốc gia này muốn tái lập “ củng cố liên minh quân sự song phương “ và tìm kiếm “ưu thế quân sự tuyệt đối “.
Tuy Trung Quốc không chịu gia nhập GMS, và MRC, chối từ nguyên tắc xử lý nước sông Mê Kông của MRC, hòan thành một lô đập thủy điện ở thượng nguồn Mê kông ( tên Tàu là Lang Cang Jian ) đã có ảnh hưởng tai hại đến hạ lưu, nhất là châu thổ sông Cửu Long, nhưng nhờ GMS thấm nhuần tư tưởng “ Phương cách ASEAN Way “ ( ? ) có nghĩa là quyết định không theo thủ tục qui định ở các thỏa hiệp- thỏa ước và tự nguyện ; cho nên các quốc gia vẫn thiết lập được các chương trình hợp tác, không cần phải được sự chấp thuận của mọi quốc gia . Chương trình GMS đã trải qua 4 giai đọan: xây dựng lòng tin cậy 1992- 1994, nhận định các khu vực ưu tiên 1994-96, tạo các dự án phát triễn 1996- 2000 và thực hiện các dự án từ 2000 trở đi. Chính trong khuôn khổ GMS và ASEAN, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết được Hành Lang Phát triễn Kinh tế ( Hai Hàng Lang, Một Vòng Tròn ).
Hai Hành Lang , Một Vòng tròn hiện có lợi nhiều cho hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây hơn, vì công nghệ và nông nghiệp V. N. chưa cải tiến đầy đủ
Ngành giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn gồm có trên 2800km đường ô tô, trong đó có 465 km đường quốc lộ với 6 tuyến là : 1A dài 154 km, đọan đi qua Lạng Sơn dài 70km, nối liền thị xã Lạng Sơn với Hà Nội, chạy qua hai huyện Chi Lăng và Hửu Lũng; 1B dài 105km, nối Đồng Đăng và Thái Nguyên, chạy qua các huyện Văn Quan , Bình Gia , Bắc Sơn ; 4A dài 66km nối liền Lạng Sơn với thị xã Cao Bằng, đi qua các huyện Văn Lãng, Tràng Định; 4B dài 80 km , nối Lạng Sơn với Quảng Ninh đi qua các huyện Lộc Bình, Đình Lập; 31 dài 61 km , nối liền Đình Lập với Bắc Giang; 279 dài 55km nối liền Bình Gia với Thái Nguyên. Các tuyến quốc lộ đều được trải nhựa. Ngoài ra, Lạng Sơn còn có mạng lưới giao thông nội tỉnh, chiều dài trên 2300km, có thể đi tới trung tâm 206 xã, 19 phường, thị trấn. Nhưng chất lượng đường xấu, chỉ có 20% chiều dài có kết cấu mặt đường, tính đến năm 2001 .
Tháng 11 năm 2004, Trung Quốc tuyên bố tăng tài trợ nâng cấp đường sắt Côn Minh- Kunming , thủ phủ tỉnh Vân Nam nối với Hà Nội. Vân Nam là tỉnh không có bờ biển, sẽ được nối liền với vịnh Bắc Bộ, bằng đường sắt đến cảng Hải Phòng qua Lào Cai và cửa khẩu biên giới Hà Khẩu phía Vân Nam. Tháng 11 năm 2005 , một xa lộ nối liền Nam Ninh và quốc lộ số 1A Việt Nam , được khởi công. Năm 2007, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận xây dựng một vùng hợp tác kinh tế xuyên biên cương từ thị trấn Bằng Tường- Pin Xiang , Quảng Tây đến tỉnh Lạng Sơn. Tháng 3 năm 2008, ký kết một Thỏa hiệp Thông Hiểu - MOU gồm Hành lang Nanning - Hà Nội và cửa khẩu Youyiguan - Hủu Nghị , dưới danh nghĩa Thỏa Uớc Giao thông Xuyên Biên Cương của GMS. Tháng 5 / 2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận xây cất xa lộ cao tốc 6 lằn, từ Hà Nội qua Lạng Sơn, nối liền với Quảng Tây Trung Quốc .
Đưòng sắt Việt Nam dài 2600 km, nối liền các vùng cư dân với các trung tâm văn hóa, canh nông, công nghệ, ngọai trừ vùng châu thổ sông Cửu Long. Đường Sắt Việt Nam nối liền Trung Quốc và Việt Nam theo hai đọan: từ tỉnh Lào Cai đến tỉnh Vân Nam và từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Quảng Tây. Mạng đường sắt Việt Nam có thể trong tương lai nối liền với các mạng đường sắt Cam Bốt, Thái Lan và Mã Lai Á .
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Lạng Sơn lên đến cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, dài 163 km, 92 km nằm trong địa phận Lạng Sơn; có 11 nhà ga, trong đó có 3 ga lớn là Đồng Mỏ, Lạng Sơn, ga quốc tế Đồng Đăng. Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng sử dụng hai khổ 1435mm và 1000mm. Lạng Sơn còn có tuyến đường sắt nhánh Yên Trạch - Na Dương dài 50km , dùng vận chuyễn than khai thác mỏ Na Dương .
Kể từ khi tái lập quan hệ bình thường giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt từ năm 2004, thương mãi Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây đã phát triễn mạnh mẽ . Theo quan thuế Việt Nam , tính đến tháng 11 năm 2008 , hàng hóa nhập rồi tái xuất khẩu qua Lạng Sơn đạt 1.5 tỉ đô la Mỹ, tăng 59.3 % so với năm 2007. Nhập khẩu vào V . N. đạt 1.1 tỉ ( tăng 67.1% ). Mức tăng này chỉ chừng 28% một năm , ở khỏang thời gian các năm 1998- 2003. Chẳng hạn , cửa khẩu Tân Thành mỗi ngày có chừng 250 - 500 xe vận tải và xe mô tô chở hàng hóa sang Trung Quốc và cả trăm xe mô tô và xe vận tải chở hàng Trung Quốc đến thị xã Lạng Sơn. Tân Thành chuyên về mặt hàng nông phẩm. Xuất khẩu là trái thanh long , nhãn , vải , xòai và nhập khẩu là táo tây , lê , đào lông ( đào tiên ), cà rốt, khoai tây và nhiều lọai rau hoa khác.Từ mồng 1 tháng giêng đến 30 tháng 11 năm 2008, ty quan thuế Lạng Sơn ước lượng đã cho nhập khẩu gần 300 000 tấn hàng ( trên 1000 tấn một ngày ), nếu kể luôn cả hàng dân địa phương ở cửa khẩu có thể đem về Việt Nam, trị giá dưới 2 triệu đồng VN, khỏi phải trả thuế theo thủ tục hiện hành. Đem lại công ăn việc làm cho hàng chục ngàn phu khiên vác “ cửu vạn “ vùng biên giới . Các chợ cửa khẩu như Cốc Nam ở huyện Văn Lãng, các chợ Đông Kinh và Kỳ Lừa… đều chất đầy sản phẩm Trung Quốc: kim may, dày dép trẻ em ,cuộn chỉ, áo quần, máy điện thọai , sản phẩm plastics (nhựa dẻo), thuốc đông y, và sản phẩm điện tử… Đó là chưa kể một số hàng khác chuyễn lậu vào Việt Nam bằng đường mòn, đường tắt để trốn thuế. Tình trạng khủng hỏang kinh tế hiện tại khiến các hàng Trung Quốc sẽ đổ nhiều vào Lạng Sơn và Việt Nam hơn trước, vì chi phí chuyên chở đến Việt Nam rất rẽ, so với phí tổn chở sang Hoa Kỳ hay sang Hiệp hội Âu Châu. Hàng Trung Quốc thường rẽ hơn hàng sản xuất ở Việt Nam. Tỉ như một bô quần áo Jeans đàn ông bán giá 80 000 VNĐ, trong khi giá bán của VN là 150 000 VNĐ ( đồng Việt Nam ) , đôi khi giá nói thách ( cho Việt Kiều hay ngọai quốc ) lên đến 400- 500 000 VNĐ. Một ti vi LCD ( tinh thể lỏng ) đường kính 29- 32 ngón Anh ( inches ) bán giá 4.5- 5 triệu VNĐ .
Tình trạng thắng lợi kinh tế của tỉnh Quảng Tây, trước đây được xem là một tỉnh đồi núi nghèo nàn, công nghệ bán khai, nhưng nay được người Hoa Đài Loan đầu tư nhiều, sẽ còn tăng thêm khi Trung Quốc hòan tất Đường cao tốc -Express Way dọc bờ biển Vịnh Bắc Bộ, đi từ bán đảo Leizhou, tỉnh Quảng Đông đến 4 thị trấn Quảng Tây, Nanning, Beihai, Quizhou và Fengchenyang., và nối với Hạ Long, Hải Phòng, trong khuôn khổ Vùng Kinh tế Vịnh Bắc Bộ nới rộng - Pan Beibu Economic Zone ( Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai Á, Inđônêxia, Brunei và Phi Luật Tân; coi chừng đó là diễn biến Hòa Bình của Hồ Cẩm Đào! ). Trung Quốc đã hòan tất đọan đường dài 1000 km từ DongXin đến Móng Cái, Qủang Ninh. Tưởng cũng nên nhắc lại là năm 2007, lợi tức GDP mỗi đầu người ở Quảng Đông là 4481 đô la Mỹ, Quảng Tây là 1700 đô la và Việt Nam chỉ mới đến 835 đô la!
Vài hướng phát triễn kinh tế Lạng Sơn ?
Mọi phát triễn đều phải ưu tiên cải thiện hệ thống giao thông, điện, nước và viễn thông. Chúng ta đã nói qua về nâng cấp các quốc lộ, tỉnh lộ Lạng Sơn, đường vào làng bản ngoằn ngoèo, chưa cán đá, trải nhựa. Nâng cấp đường sắt cho mọi tuyến đều có khổ rộng 1435 mm thay vì có khổ hẹp 1000mm, sửa lại cầu đường sắt biệt lập không phải chung với đường bộ, hầm, cống … đã xuống dốc nhiều, điện hóa đường rầy và cải tiến hệ thống tín hiệu, viễn thông còn quá củ theo kỷ thuật Hung Gia Lợi từ các năm 1972 đển 1979; tuy rằng từ năm 1998 đã sử dụng ti vi băng vi tần ATM của Bưu Điện truyền nhiều kênh ở tốc độ 64 kb một giây. Xây dựng mau chóng các xa lộ cao tốc dự liệu..
Không thể để Lạng Sơn và Cao Bằng ( ? ) tiếp tục mua điện từ Vân Nam, không khai thác lượng nước dồi dào các sông ngòi Lạng Sơn. Đáng tiếc là thác nguồn Bản Giốc - Cao Bằng, khu vực Đông Khê - Thất Khê, có thể thiết kế đập thủy điện lớn, đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Nhưng có thể khẩn thiết làm các đập thủy điện vừa hay nhỏ ở Lạng Sơn như đã và đang làm ở Cao Bằng…, được Ngân Hàng Phát triễn Á Châu ADB tài trợ tháng 8 năm 2008 ( ? ). Cố gắng cải thiên sản xuất than sạch ở Na Dương, huyện Lộc Bình, không những với than nâu nhiệt lượng cao hơn 4000 kcal/kg , hàm lượng lưu hùynh thấp hơn 5- 6 %, mà cả các lọai than khác mạch than vùng này, hầu chủ yếu dùng than đá làm điện sạch, theo kỷ thuật mới mẽ bớt phát thải, không ô nhiễm không khí như hiện nay ở Na Dương. Thay vì chỉ sử dụng phục vụ sản xuất xi măng địa phương, nhà máy xi măng quốc phòng X78 do quân đội quản lý và nhà máy Mai Pha - thị xã Lạng Sơn , kỷ thuật lỗi thời, hiệu năng thấp và công xuất còn quá nhỏ.
Cận đại hóa ha tầng cơ sở giao thông, điện, nước sạch, viễn thông nên gồm luôn cả trùng tu xây cất trường học, nhà thương, kho hàng chất chở, tồn trữ ở chợ búa, trung tâm thương mai các thị trấn nhất là ở cửa khẩu, trang bị phương tiện tân tiến những cứ điểm kiểm dịch, kiểm phẩm, quan thuế, ngay cả các khu tiêu khiển công cộng như khu tiêu khiển Tân Thành đã có hảng đầu tư hổn hợp thành công làm đĩa dày dặc -compact disc Star Joint Venture, như khu tiêu khiển Hòang Đống…, tái thiết cơ sở lưu trú dài, tốt hơn hơn tại phương cho du khách… . Theo chính sách chung, có lẽ nước nhà cần làm, hầu kích thích kinh tế, kích cầu, có thể là tài trợ thâm thủng- deficit financing, vay tiền ngọai quốc chi tiêu thiếu hụt - deficit spending , ít sợ lạm phát, tạo thêm công ăn việc làm, bổ khuyết gia giảm suy sụp ngành xây cất nhà cửa, gia cư, mọi quốc gia đã phát triễn trên thế giới đều đề xướng, trong tình trạng suy thóai kinh tế tòan cầu . Hà tầng cơ sở Lạng Sơn có cải tiến thì ngành dịch vu, du lịch mới có cơ tiến triễn mạnh thêm, tuy rằng hiện nay mỗi năm, Lạng sơn đã có 500 000 du khách, trong số này trên 70 000 là du khách ngọai quốc, nhưng đó chỉ mới là con số Hải Phòng đã đạt được từ năm 1995.
Trên phương diện nông nghiêp phải xét lại lý do gì lúa cấy ở những huyện Hửu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng, hiện chỉ có năng xuất 4-4.5 tấn/ ha , không đạt được mức trung bình 6- 7 tấn/ ha, dù nay đã có lúa lai - hybrid rice đời F1 vùng lạnh , vùng cao, tiềm năng 10- 13 tấn / ha. Không thể để Lạng Sơn nổi tiếng từ lâu về đào- peach Mẩu Sơn phải tiếp tục nhập khẩu đào Vân Nam, Quảng Tây. Phải cố gắng tổ chức sản xuất đại trà hơn, khuyến nông, bảo quản, chuyễn biến các vùng đồi núi Lạng Sơn và các vùng cao Việt Bắc, đặc biệt là Cao Bằng, không những xuất khẩu các lòai cây trái xứ mát, bán nhiệt đới như đặc sản đào Mẩu Sơn , lê Thất Khê, na Chi Lăng ( có lẽ nên thay na ta bằng na lai -atemoya, hay na tây cherimoya tương tự mảng cầu xiêm, bình bát nhưng chịu lạnh hơn ), hồng ka ki Bảo Lâm, Thạch Đạm ( tai sao không dùng những giống mới Ca Li tuyễn chọn từ các giống ka ki Nhật bổn ? ), qúit Bắc Sơn, mơ, mận tây Tam Hoa ( thị xã Cao Bằng trồng được ở Lạng Sơn ), các lọai hồng xiêm- sa pô chê mới mamây, hồng xiêm nhung, trái bơ - avocado, các hạch quả ( hạnh nhân, dẽ hột Trùng Khánh và 6 xã Hạ Lang - Cao Bằng hay dẽ lai mới ), hồ đào ốc chó, mày châu Thanh Hóa , dẽ bi Úc châu hay Hạ uy Di, mâm xôi - raspberry trồng giàn Chi Lê… Mục đích tối hậu là trao đổi thường xuyên hơn , nhiều hơn trái cây đặc sản vùng cao Việt Bắc với cây trái xứ nóng vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long hay các đồng bằng duyên hải miền Trung. Trong khuôn khổ này, tưởng cũng không nên quên ngành rau cải xứ mát và ngành hoa kiểng trao đổi vùng cao vùng thấp và xuất khẩu mùa đông đến các nước tiên tiến ( nay đã phát triễn khá ở vùng Đà Lạt - Lâm Đồng và ngọai ô Sài Gòn).
Về công nghệ, chiếu theo hàng nhập khẩu từ Quảng Tây , Quảng Đông , Vân Nam, cần xét lai tại sao nhiều lọai hàng Việt Nam lại còn qúa đắt, tuy giá nhân công V. N. không đắt hơn, phí chuyên chở rẽ hơn và đã có cố gắng cập nhật kỷ thuật sản xuất từ khá lâu rồi . Lợi dụng thời cơ nhiều ngành công nghệ đang đến thời kỳ cần đổi mới, tái trang bị, sau 30 năm sản xuất, duyệt xét lại mọi cơ sở , kỷ thuật, tổ chức sản xuất, chế biến, giáo dục đào tạo chuyên viên và huấn nghệ nhân công lành nghề tai Lạng Sơn, cũng như tại đa giác phát triễn công nghệ Hà Nội- Hải Dương - Quảng Ninh - Hải Phòng, đầu tàu lan tràn từ Hà Nội , Hải Dương đến Lạng Sơn. Đặc biệt cho Lạng Sơn là ngành khai thác mỏ ( than đá, kim lọai đen, kim lọai màu ), công nghệ cơ khí nhỏ máy móc nông cụ, vật liệu xây dựng ( xi măng, các lọai đá, gạch ngói ) , công nghệ điện tử, dệt, may mặc , giày dép và công nghiệp chế biến nông lâm sản ( giấy , tinh hồi dầu, ruợu bia , thuốc lá thơm, thực phẩm gia súc từ bắp - ngô , sắn - khoai mì cao năng … )
( Tháng hai năm 2009 tại Ca Li )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét