Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Tỉnh Ninh Thuận , Phan Rang – Tháp Chàm


Lạm bàn về phát triển một tỉnh khô hạn, nóng nhất nước :        
       Tỉnh Ninh Thuận , Phan Rang – Tháp Chàm
                                                                   G S Tôn Thất Trình


                  Phần I – Tổng quát    

                                 Vị trí
                          
                       Trong Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận nằm vào  kinh tuyến Đông 1080 E và vĩ tuyến Bắc 11 0 45’ N.
  Trung tâm Panduranga, tên Chăm ( Chàm, Chiêm Thành ) của Phan Rang là ở Ninh Thuận, cũng gồm thêm phần lớn đất tỉnh  Bình Thuận ngày nay. Panduranga là trung tâm chính trị  của tiểu quốc Champa sau khi Vijaya thất thủ năm 1471. Nhưng  vẫn độc lập mãi đến năm 1832 , khi vua Minh Mạng sáp nhập tiểu quốc này vào  Đại Việt -Việt Nam.  Năm  1976, Ninh Thuận  nhập vào Bình Thuận  cùng lúc với tỉnh Bình Tuy  và tỉnh Khánh Hòa, thành tỉnh Ninh- Khánh- Thuận. Năm  1991, tỉnh này lại tách ra ba và tỉnh Ninh Thuận thành tỉnh riêng mình. Trong việc chia miền hành chánh mới, tỉnh Ninh Thuận  cũng như tỉnh Bình Thuận  nay thuộc  Miền Đông Nam Bộ  - North East South; trong khi đó  tỉnh Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên – Central Hihghlands  và Khánh Hòa là tỉnh cuối  Duyên hải Nam Trung Bộ- South Central Coast,  trải dài từ Đà Nẳng  xuống Khánh Hòa. Còn Bắc Trung Bộ - North Central Coast trải dài từ Thanh Hóa xuống Thừa Thiên – Huế .    
                         Diện tích Ninh Thuận là 3,358 km2 ( 1,296 .5 dặm Anh vuông ). Bắc giáp Khánh Hòa,Tây giáp Lâm Đồng, Đông giáp Biển Đông và Nam giáp Bình Thuận. Tổng dân số năm 2009 là 565700 người;  năm 1991, năm Ninh Thuận  tách rời thành tỉnh riêng biệt  chỉ  mới là  421 600 người . Các tộc dân  đông nhất tỉnh là Kinh, thứ đến là Chăm chiếm chừng 12 %( ? ) dân số tỉnh, khỏang  90 000 người, Raglai, Cơ HoHoa.  Đa số  dân Chăm sống gần thị xã Phan Rang- Tháp Chàm. Dân Raglai sống nơi xa xôi hẻo lánh như ở quận Ninh Hải  phía đông Bắc tỉnh và vùng núi non phía Tây. Điểm đáng lưu ý là dân đô thị Ninh Thuận tăng mau , lên đến 185 700  hay 32 ,3 % năm 2007,  thay vì chỉ là 123 700 năm 2000, nghĩa là  mức tăng này trung bình 6 % từ năm 2000 đến năm 2007. Trong khi đó, dân nông thôn lại tương đối giảm đi, tăng trưởng âm; dù rằng  mức tăng trưởng  dân số trung bình là  1.5 %, cao nhất miền Nam Duyên hải Trung Bộ, chỉ sau Đà Nẳng .

                       Tỉnh lỵ nay là thị xã Phan Rang – Tháp Chàm và Ninh Thuận có 6 quận : Bác Ái , Ninh Hải , Ninh Phước , Ninh Sơn , Thuận Bắc , Thuận Nam. Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm ở ngã ba : đường xe lữa Nam Bắc, quốc lộ số 1,  đường liên tỉnh số 27 lên Đà Lạt ( tỉnh Lâm Đồng), Đắc Lắc ( Buôn Ma Thuột ). Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm   cách Nha Trang 105km, Đà Lạt 110km, TP Sài Gòn - HCM  350km và thủ đô Hà Nội  1382 km .  

                Địa hình, đất đai

               Ninh Thuận  có địa hình  điển hình cho miền duyên hải Trung Bộ , là có núi cao  không những  gần biên giới  phía tây tỉnh đến  Tây Nguyên , mà núi non cũng nhiều  gần  bờ biển. Cao nhất là Núi Chúa, đỉnh đạt 1040m  ở Đông Bắc tỉnh.  Đỉnh khác là  Núi Đá Bạc cao  643 m  ở bờ biển phía Nam. Cả hai núi đều thấp hơn các đỉnh núi vùng ranh giới  với hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Vùng ranh giới này có ba ngọn núi cao trên 1600m , cao nhất  là đỉnh Núi Sương Mù 1652 m.   Chỉ có một phần nhỏ tỉnh Ninh Thuận gần tỉnh lỵ Phan Rang là  thấp hơn 50 m.Trên phương diện sinh thái ,vùng núi Ninh Thuận cũng như  vùng từ Đèo Cả  ( Cap  Varella, Mũi Diều …) ranh giới Phú Yên – Khánh Hòa xuống đến  Mũi Né- Bình Thuận ( theo Thái Công Tụng 2005 ), ngòai cao độ khác nhau còn có nhiều lọai đá acid như đá thạch cương, sa thạch, phiến thạch  hoặc đá vôi khác nhau tạo ra  nhiều lọai đất đai khác nhau. Vì dãy núi gần biển nên nước mưa chảy tràn rất mạnh  nhất là khi triền dốc lớn, tuy nhiên may mắn là tỉnh Ninh Thuận ít mưa nhất nước, khô hạn nên ít lụt lội xảy ra.  Vùng gò đồi chân núi  ở  giữa núi non và đồng bằng duyên hải,  cũng có cao độ khác nhau và  ở nơi núi thấp  hay có thung lũng ngang cải biến thành ruộng lúa. Tiếp theo đất đai vùng núi là vùng thềm phù sa cổ sinh do nước biển rút tạo thành. Dưới lớp đất mặt  luôn luôn có những cuội sỏi đang phong hóa, nhiều nơi  dạng lượn sóng và có nhiều sỏi latêrit  kết thành đá ong. Vùng các giải đồi cát duyên hải tạo ra các bải biển  rất nổi  tiếng do bồi lắng phù sa và  quá trình lấn biển làm ra, rộng hẹp khác nhau, màu sắc cát khác nhau  trắng, trắng xám hay đôi khi màu đỏ  vì chứa nhiều oxýt sắt, tuổi địa chất xưa cũ hơn các đồi cát trắng. Đồng bằng Phan Rang là một phần đồng bằng Tam Phan – Ba Phan là Phan Rang , Phan Rí và Phan Thiết ( Phan Rí và Phan Thiết, thuộc Bình Thuận ). Diện tích đồng bằng Ninh Thuận  nhỏ nhất 220 km2 của ba tỉnh nhập một (cũ)  sau 1997; đồng bằng Khánh Hòa rộng 400 km2 , đồng bằng Bình Thuận 310km2

             Các lọai đất, cũng theo Thái Công Tụng ( 2005 ), gặp ở Ninh Thuận là  đất cồn cát trắng vàng- Luvic arenosol,  sát biển hay song song  dọc bờ biển , độ giữ nước kém, độ phì nhiêu thấp ;  một vài đất cồn cát đỏ - Rhodic Arenosols hay pha đỏ ít gặp hơn là ở Bình Thuận, cồn cố định  tương đối  phì nhiêu hơn cát vàng và đất cát biển Haplic Arenosols  ở địa hình bằng do  bồi lặng phù sa và quá trình lấn biển hình thành, trong đất có vỏ sò , vỏ hến  tuy nghèo nàn dinh dưỡng, nhưng đã được cải biến thành  vườn  rau đậu( hành tỏi … ), hoa màu ( khoai lang , đậu phụng- lạc… ) cây ăn trái ( dừa … )  Nhóm đất nâu vùng bán khô hạn đồng bằng Tam Phan, có pH cao, đất ít bị rữa trôi vì khí hậu khô hạn  độ bảo hòa baz tương đối cao . Chia ra làm hai đơn  vị: đất đỏ  vùng khô hạn -  Chromic Lixixols tập trung ở thị xã  Phan Rang – Tháp Chàm và đất nâu vùng bán khô hạn – Haplic Lixixols, hình thành  từ các phù sa cổ hay đá mẹ  giàu thạch anh . Vài lọai đất đồng bằng  Ninh Thuận,  mùa nắng nước bốc hơi nhiều,  các bọt màu trắng  đục trồi lên mặt đất chứa nhiều carbonat sodium,  địa phương gọi là “ đất Cà Giang” .  Nhóm đất ferralit  vàng đỏ - Ferralic Acrisols  tại  các vùng núi tên những lọai đá acid.  Và cuối cùng là nhóm đất núi  gồm nhiều lọai đất Ferralit , có thể có mùn ở cao độ - Humic Acrisols

               Rừng và thực vật đặc trưng
            

              Tính đến năm 2007, Ninh Thuận có đến 55.7% tổng diện tích còn rừng bao phủ, là tỉnh còn nhiều rừng  nhất  các tỉnh miền Nam duyên hải Trung Bộ  cũ . Rừng bao phủ phần lớn bờ biển Đông Bắc tỉnh ở quận Ninh Hải và phần lớn đất đai  Bắc và Tây Nam tỉnh. Tỉ số rừng này cao hơn  tỉ số tổng số  diện tích còn rừng thống kê 10 năm trước ( 1997 ) là 169 400 ha ( 50 . 5 % ) ; có lẽ nhờ trồng lại được nhiều rừng hơn chăng, vì năm 1997 thống kê ghi là  chỉ  trồng 3800 ha rừng ở tỉnh nhà. Hay là nhờ hiệu quả  của chương trình  Rừng Bảo vệ  đa số rừng tỉnh nhà đặc biệt ở Công viên  Quốc gia Núi Chúa và và Công viên Quốc Gia Phước Bình.  Tuy nhiên rừng Ninh Thuận  hiệu năng rất kém  trị giá thương mãi  chỉ là 1.8% trị giá  sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Duyên Hải miền Nam Trung Bộ ( cũ ),  thua kém ngay cả Thành phố Đã nẳng.  Vì khí hậu  khô hạn, rừng Ninh Thuận  thuộc nhóm rừng vùng  bán khô hạn - tropical   dry forests, mà vì tương đối không  đủ cao  độ nên ít thấy  các lọai  cây lá kim -tùng bách , như thông ba lá , hai lá , du sam ( Kateleria davidiana ) , cây họ kim giao – Podocarpaceae, cây họ bách tán – Cupressaceae ( pơ mu  Fokiena  hodginsi ) hay họ Bách Tán   ( Araucaria  excelsa , samu  Cunninghamia lanceolata ). Nhưng lại chứa nhiều  lòai cây chịu đựng khô hạn lá nhỏ có gai, chẳng hạn họ Cáp Capparaceae  như  Capparis ( C ) sp.; cáp chưn rít, cáp thơm C. beneolens hoa trắng trái vàng  vùng nhiều đá,  cáp vàng C. flavicans  lá  tăng tiết sửa, hoa ăn như rau, cáp gai đen C. horrida, lá có gai cong dài, mũi nhọn là một dây leo hoa hường, trái đỏ ( không biết đây  có phải là dây “ chùm né “ai đạp nhầm bàn chân thối khó chữa loan truyền Phan Rang xưa cũ: “ thứ nhất là rắn dọc- đọt nưa , thứ nhì là gai Chùm né” không ?,  cáp cứng C. rigida , một dây leo  gai rất nhỏ và rất nhọn ( một  gai chùm né thứ hai ?) mọc nhiều ở vùng đá Cà Ná,  cáp Thorel C . thorelii var pranensis,  một bụi hoa trắng, trái to 1.5 cm màu đỏ, cáp Tích Lan – cáp gai đen C . zeylanica, một dây leo dài, lá có lông , gai cong dài  6mm , hoa hường, trái đỏ rồi chín đen ( một lọai gai chùm né khác chăng ? )… Ngòai một số cây họ dầu  Dipterocarpacea , trên núi đá vôi rừng bán khô hạn,  cũng gặp  rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới,  những lòai cây ưa vôi  phát triển chậm  nhưng gỗ rất cứng.  Đặc biệt ở rừng Ninh Thuận,  theo G S Phạm Hòang Hộ kiểm kê lại chứa nhiều lòai cây họ thị - họ hồng  Ebenaceae, họ cây trái hồng kaki- persimmon . Tông chi  Diospyros  có 69 lòai kiểm kể ở Việt Nam, 5 lòai cho gỗ quí , đặc biệt là lòai gỗ mun, 11 là lòai cây rừng hoang dã cho trái ăn được.
Hồng persimmon
 Đáng tiếc là lòai trái hồng Diospyros kaki , tuy yêu cầu lạnh rất ít ( chỉ 100 giờ ) và cao hơn ( 110C thay vì 70C ) không trồng được ở Phan Rang Ninh Thuận, không có lạnh như Lâm Đồng kế cận.  Đáng kể ra  ở Ninh Thuận là thị lọ nồi Diospyros apiculata, đại mộc nhỏ  gỗ làm  cột, thị Bà Râu Diospyros barauensis trên đất nhiều đá, thị da – thị đen Diospyros crumenata , thị Collins Diospyros collinsae,  thị đất- thị Phan Rang  Diospyros phanrangensis ,  một đại mộc hay thấy ở thị trấn Tháp Chàm, thị hồng – thị nha trang Diospyros  nhatrangensis, một đại mộc có trái ăn được,gỗ lõi đỏ tốt, thị  đen lông vàng nâu trên đài hoa Diospyros rhodocalyx một đại mộc trái ăn được, thị đỏ Diospyros rubra một đại mộc, trái màu đỏ cam . Còn gỗ Mun tốt nhất cũng theo GS P.H. Hộ, lại thuộc loài Diospyros lobata  tên Việt là thị trâm - sang đen - cậy, tìm thấy ở Nha Trang, hoa trắng rất thơm, trái nhỏ ăn được, gỗ cho một thứ Mun tốt nhất. Hai lòai khác cho gỗ Mun tốt ghi là thị Bejaud Diospyros bejaudii,  một đại mộc vỏ đen lúc khô, trái đen  mọc tại vùng Bảo Chánh -Đồng Nai và thị lông phún Diospyros hirsuta  , một đại mộc  gỗ cho Mun lại tìm thấy ở Châu Đốc . Không thấy kiểm kê ghi cây gỗ Mun Diospyros Mun ở Phan Rang như thời thơ ấu thập niên 1940 , có lúc sống ở Phan Rang, chúng tôi cứ tưởng là tỉnh Ninh Thuận là nguồn gốc cây gỗ Mun, tiếng đồn là đủa hay bát chén gỗ Mun có khả năng sủi bọt  tiết lộ chất độc trong đồ ăn !.  
        
                   Khí hậu , sông ngòi

                 Khí hậu Ninh Thuận là phối hợp  giữa gió mùa nhiệt đới và thời tiết khô hạn nhiều gió thổi. Nhiệt độ trung bình là 270 C ( khỏang 800 F ). Ninh Thuận là tỉnh có số giờ nhật chiếu cao nhất nước và là tỉnh khô hạn nhất nước như đã nói trên. Vũ lượng trung bình hàng năm chỉ chừng 700mm. Vũ lượng tăng lên đến 1100 mm ở các vùng núi non. Chính vì các điều kiện  khí hậu khắc nghiệt này  cho nên trước khi  mới đây  phát triển  du lịch và doanh nghiệp, tỉnh  Ninh Thuận vào cuối thập niên 1970 và các thập niên1980 – 1990 là một trong bốn tỉnh nghèo nàn nhất nước!.

              Sông chánh ở Ninh Thuận là sông Dinh hay  sông Phan Rang, còn gọi là sông Cái,   có nhiều chi lưu như sông Me Lâm , sông Sắt – Iron River, sông Ong , sông Quao … ; ở thượng nguồn có đập Nha Trinh ,chảy ngang qua các vùng đất thấp của tỉnh và của thị xã Phan Rang. Dòng sông thường khô nước hay rất ít nước.  Nay nhờ thiết lập đập Đa Nhim, đổ nước thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai từ hồ  Đa Nhim – Đơn Dương( Dran ) về lưu vực sông Phan Rang, tăng thêm nhiều  nước tưới tiêu ruộng đất. Ngòai hệ thống sông Phan Rang này, ở phía  Bắc tỉnh còn có những sông, suối nhỏ  như sông Trâu ( ? ) chảy từ quận Du Long  qua gần Hội Diêm  rồi vào Đầm Nại, quận Ninh Hải; phía Nam thì có sông Bà Râu (? ) chảy ra Biển Đông gần Cà Ná và Mủi Sừng Trâu, phía dưới Mủi Dinh ( Cap Padaran ).   

              Suôi dòng lịch sử tỉnh Phan Rang, theo Hưng Vong nước Chàm -  Chăm – Chiêm
                                                                   Chiêm nương ơi, xin cười đi em hởi,
                                                                       Cho lòng anh quên một phút buồn lo …
                                                                                  Chế Lan Viên ( 1920 – 1989 )
                                                                       Nước non ngàn dặm ra đi,
                                                                       Mối tình chi ?
                                                                       Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly,
                                                                       Đắng cay vì
                                                                       Đương độ xuân thì,
                                                                       Má hồng da tuyết,
                                                                       Tuyết sương dầm, thân này bao xiết
                                                                       Vàng lộn theo chì ! …
                                              (bài ca điệu Nam bình, công chúa Huyền Trân đặt ra ?)

                   Phan Rang là tiếng Việt dịch thủ phủ Panduranga,  nên có lẽ  nhân cơ hội xin  nói qua về lịch sử  nước  Champa- Chiêm Bà, nước Chăm- Chàm -Chiêm Thành. Cham theo tiếng Phạn- Sanskrit là một bụi cây  và một bông hoa.  Hậu duệ của vương quốc Champa, được dân Việt tộc dân Kinh gọi là Chàm hay người Champa. Ở vùng núi ba tỉnh Khánh Hòa , Ninh Thuận và Bình Thuận, tộc dân Chàm hay Chiêm  và các tộc dân liên hệ như Raglai , Chu Ru … cũng còn có tên là Hời ( Ha )? .  Từ thời Thang ( Thương ) – Chu ( Chu ) , trước Công Nguyên tòan miền Nam Á ( ? )  giáp Trung Hoa có mệnh danh là : “Việt Thường Thị”. Nhà Tây Hán , năm 111 trước Công Nguyên cải thành Giao Chỉ Bộ, chia ra làm 9 quận, trong đó có An Nam Đô hộ Phủ  sau này .  Chiêm Thành – Champa thuộc quận Nhật Nam. Bang giao giữa “ các bộ lạc” Việt Nam và Chiêm Thành không vượt qua  giới hạn sông Gianh,  ngọn Hòanh Sơn ( Đèo Ngang ).  Năm 102 sau Công Nguyên,  đời Đông Hán lập ra huyện Tượng Lâm   phía Nam quận Nhật Nam , sai quan cai trị vì người Tượng Lâm hay đến cướp phá Nhật Nam. Như vậy đời Hán, nước Chiêm có lẽ chỉ là một bộ lạc phía Nam quận Nhật Nam .     
Người Chàm 
                 
                      Niên đại lịch sử Chiêm Thành  có ý nghĩa
                  
                       Đời vua Thuận Đế nhà Đông Hán (Tàu), năm 137 sau Công nguyên, ở Tượng Lâm Khu Lân cùng mấy nghìn người  nổi lên đánh huyện Tượng Lâm, giết trưởng lại. Thứ sử Giao Chỉ là Phần Diễn phải đem cả vạn binh  hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân hợp sức đánh dẹp, nhưng bị vây hơn một năm. Triều đình nhà Hán  phải sai Trương Kiều làm thứ sử Giao Chỉ, Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân  đến vỗ về, dẫn dụ  mới yên được.  Cuối đời Đông Hán, con công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên ( Theo G S  Trần Kinh Hòa, Khu Lân hay Khu Liên không phải là tên người mà là dịch thổ âm  từ  ngữ Kalinga, nghĩa là chủng tộc lảnh đạo cuốc độc lập ) giết quan huyện lệnh và tự lập làm vua .
                   Vương quốc Chiêm Bà , sử Tàu gọi là Lâm Ấp, thành lập và đánh phá Việt Nam, còn bị Tàu đô hộ .
                   Năm 192 sau Công Nguyên ( A.D.) có thể là  năm thành lập Vương quốc Champa, Việt Nam gọi là Vương Quốc Chiêm. Từ Chiêm Thành có thể chỉ là kinh đô ( kinh thành ) của nước Chiêm Bà – Champa. Theo lời ghi khắc  trên một tấm bia tìm được của người Chàm, vị vua đầu tiên nước Chàm là C$ri Mara , như vậy có thể là Khu Liên ?   
                       Các năm 220- 230:  lần đầu tiên, sử biên Tàu ghi  tên Champa  là nước Lâm Ấp -Lin Yi. Lâm Ấp lấy đất Quảng Nam ngày nay làm trung tâm điểm, dựng đô ở Trà Kiệu. Tổ tiên người Chàm  từ các hải đảo Mã Lai, Nam Dương tràn lên bờ biển Trung Bộ ngày nay nhiều thế kỷ  trước Công Nguyên.  Họ tiếp xúc với thổ dân là người Kiritas cũng thuộc giống Inđô nêxia - Nam Dương.  Khi bước vào lịch sử năm 192, từ tổ chức quốc gia đến  xã hội, mọi phong tục đều  theo Ấn Độ. Tôn giáo là Ấn độ giáo thờ các thần Brahma, Visnu, Civa cùng các Cacti là vợ hai thần sau.  Phật giáo cũng được sùng bái. Còn Hồi giáo  thì chỉ mới truyền vào từ thế kỷ thứ XI, Xã hội cũng chia làm 4 giai cấp: Gíáo sĩ - Quí tộc, điền chủ, thương gia và hạ lưu – nô lệ ; nhưng phân chia không  nghiêm khắc như ở Ấn Độ. Trong gia đình  quyền thừa kế theo dòng mẹ, nhưng quyền nối ngôi vua  phải theo dòng cha.  Lúc này Chiêm Thành chia ra 3:  Bắc là Amarâvâti  vùng Quảng Nam ngày này  có Indrapura – Đồng Dương và thành phố Sinharpura  trên sông Thu Bồn ở Trà Kiệu. ; Giữa là  Vijaya, vùng Bình Định ngày nay. Sau năm  100 (? )  kinh đô Phật thệ  tức Trà Bàn hay Chà Bàn ( gọi sai là Đồ Bàn? chăng ); Nam là  Panduranga vùng Phan Rang. Vào thế kỷ VIII, kinh đô  Chàm đóng ở đây và mở rộng nhất gồm luôn cả Kauthara là vùng Khánh Hòa ngày nay. Có lúc  Kauthara tách rời thành  khu vực Chàm thứ tư  là Yanpunagara, thị trấn Khánh Hòa ngày nay làm thủ phủ.          

                   Năm 240, quân Chàm tiến đánh cổng An Nam – Gate of Annam và vị trí Huế.  Sử Tàu Tam Quốc Chí  Lục Dận truyện, ghi chép là năm  248, Lâm Ấp  đem quân xâm lăng Giao Chỉ, Cửu Chân, cướp thành ấp. Giao Châu và  Lâm Ấp  đánh nhau ở Cổ- Châu- Loan, tuy Lâm Ấp mất Khu Túc, nhưng lại  chiếm huyện Thọ Linh là tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay .

                       Thế kỷ thứ 4 – thứ 5: nhiều cuộc chiến tranh xảy ra. Năm  347, vua Lâm Ấp là Phạm Văn đem  quân đánh Nhật Nam, giết chết  5- 6 ngàn người,  chiếm cứ Nhật Nam.  Năm 348, lại đánh  Cửu Chân giết hại 8-9 phần 10 nhân dân Cửu  Chân.  Đô hộ Tàu đem quân Giao- Quảng ( Giao Chỉ và Quảng Châu ) đi đánh, bị thua ở Lô Dung ( ? ). Năm 399, Phạm Hồ Đạt vua Lâm Ấp, đem quân xâm chiếm đất Tàu bảo hộ là Nhật Nam, bắt Thái Thú và tiến  chiếm Cửu Đức ( Hà Tĩnh ). Năm 407, vào  cướp Nhật Nam. Năm  413, vào cướp Cửu Chân. Các năm 414- 417, vua Lâm Ấp thứ 3 là Phạm Dương Mại hàng năm  đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân, Cửu Đức, chém giết rất nhiều, làm Giao Châu kiệt quệ. Sau đó, sai sứ triều cống Tàu, xin lảnh đất Giao Châu  làm An Nam tướng quân Lâm Ấp Vương. Tống Văn Đế không nghe, phái Thái thú  Đàn Hòa Chỉ đánh dẹp, bị thua, lại  phải phái tướng Tô Xác đi tập kích, mới phá nổi thành  Champapura. Thành quả là quân Tàu chiếm đóng các vùng bờ  biển và châu thổ Bắc Việt và đây cũng là thế kỷ đuổi lui quân Chàm.  
                      Từ nước  Hòan Vương đến nước Chiêm Thành:  chiến tranh giữa Việt Nam độc lập và Chiêm Thành  
                        Thế kỷ thứ 8:  giai đọan xâm lăng và cướp bóc của giặc cướp biển, từ Java – Chà và , Inđônexia ngày nay. Năm  749, vua  Lâm Ấp là Chư Cát Địa, triều cống nhà Đường, xin đổi tên nước là Hòan Vương Quốc. Người nước Hòan Vương lại sang quấy nhiễu Giao Châu, chiếm lấy Châu Hoan ( Nghệ An ), Châu Ái ( Thanh Hóa ).  Năm 808,  vua Đường sai Đô hộ Trương Châu ( Chu ) đem binh thuyền vào đánh quân Hòan Vương, giết hại rất nhiều, vua nước này  phải rút lui về Nam vào Quảng Nam – Quảng Ngãi bây giờ  và đổi quốc hiệu là “ Chiêm Thành”  từ đó. Chiêm Thành thực tế  gồm nhiều thị tộc khác nhau , nhưng chia ra hai thị tộc chánh. Thị tộc  mạnh nhất ở phía Bắc   là Cây Dừa – Narikelavamca,  vùng  Indrapura – Đồng Dương , Quảng Nam, thủ phủ là Trà Kiệu. Thị tộc mạnh nhất ở miền NamCây Cau – Kramukavamca, thủ phủ là Phan Rang – Panduranga  và Nha Trang -  Kauthara.

                        Thế kỷ thứ 10: Sau khi đẩy lui quân Tống ( Tàu ) xâm lăng năm 891, Lê Hòan ( Vua Lê Đại Hành ) nhà Tiền Lê, năm 982, tự mình cầm quân  đánh Chiêm Thành,  vì Chiêm muốn liên minh với  nhà Tống cố tình gây hấn bắt sứ giả Việt. Vua Lê Đại Hành là vị vua Việt Nam đầu tiên  chinh phạt Chiêm Thành,  hạ kinh đô  Indrapura- Đồng Dương, giết vua Chiêm, lấy nhiều tiền bác bảo vật đem về . Sau biến cố này, một người Việt là Lưu Kỳ Tông cướp quyền vua Chiêm mới, trị vì Chiêm Thành từ năm  983 đến năm 989 thì mất. Vua kế tiếp  Vijaya Sri Harivarman II , trị vì  các năm 989 -998 , dời đô xuống  Trà Bàn ( Vijaya ) thuộc  tỉnh Bình Định ngày nay. 

                        Thế kỷ thứ 11:  Năm 1043, vua Chiêm là Sạ Đẩu – Jaya Simhavarman II trị vì  1040 – 1044, đem hải quân  tấn cống miền Nam Việt Nam, nhưng bị đẩy lui. Đầu năm 1044, vua Lý Thái Tông  thân chinh đánh Chiêm Thành qua cửa  Đại An ( Nam Định) , đánh tan tành quân Chiêm dàn trận ở  sông Ngũ Bồ ( sông Bồ, huyện Quảng điền – Thừa  Thiên ngày nay) chận quân Việt. Vua Sạ Đẩu tử trận, rồi quân Việt  tiến hạ dễ dàng  kinh thành Trà Bàn, bắt 5000 người Chiêm  đưa về nước Việt trong đó có vợ vua Sạ Đẩu là vương phi Mỵ  Ê cùng  các cung nữ giỏi  ca múa. Trên đường về Thăng Long, Mỵ Ê không chịu sang hầu thuyền vua Lý, gieo mình xuống sông tử tiết, vua khen Mỵ Ê trinh tiết, phong làm “ Hiệp Chính Hựu Thiện Phu Nhân”. Chiếm đất Chiêm  là từ vua Lý Thánh Tông, năm 1069,  thân chinh  đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm  là Chế Củ -Rudravarman III,  thâu nhận  3 châu Địa Lý( Trung và Nam Quảng Bình, Ma Linh( Bắc Quảng Trị) và Bố Chính ( Bắc Quảng Bình ), Chế Củ dâng chuộc tội .         
  
                    Chiến tranh hơn 100 năm giữa Chân Lạp và Chiêm Thành
                     Năm 1120 , vua Chân Lạp mới là Suryavarma II ( trị vì  1113- 1150 ) tấn công Champa, khiến  nhiều đòan người Chiêm Thành  và Chân Lạp chạy sang nhà Lý, đời vua Lý Nhân Tông xin lánh nạn. Nhưng năm  1128,   năm đầu  vua Lý Thần Tông, Suryavarman II  sai 20 000 quân vào cướp phá bến Ba Đầu, châu Nghệ An. Thái phó Lý Công Bình đánh bại  quân Chân Lạp. Mấy tháng sau  Chân Lạp lại  đem hơn 700 chiến thuyền vào cướp  phá  huyện Đổ Gia ( huyện Hương Sơn , tỉnh Hà Tĩnh ngày nay ), bị  tri phủ Thanh Hóa là Nguyễn Hà Viêm  và  tri châu Nghệ An là Dương Ổ đánh bại.

                       Năm 1132, Chân Lạp và Chăm  hợp nhau chống Việt Nam, đem quân quấy nhiễu Nghệ An, bị tướng nhà Lý  là Dương Anh Nhỉ đánh thua, phải lui.  Nhưng năm 1135, vua Chiêm Chế Mana –Jaya IndravarmanII , không muốn tiếp tục liên minh nguy hiểm cho Chiêm Thành này nữa, sai sứ sang cống vua Lý. Năm 1137, quân Chân Lạp  một mình đánh châu Nghệ An – Chiêm Thành, lần này cũng bị Lý công Bình đánh bại.
                        Năm 1145, Chân Lạp dồn hết ý chí  đánh Chiêm Thành, chiếm  khinh đô Vijaya, làm chủ tòan quốc Chiêm Thành.  Jaya  Indravarman III mất tích. Ngôi vua truyền cho Rudravarman IV , nhưng vua này phải trốn Chân Lạp , chạy trốn vào Panduranga.  Vua chết, dân Paduranga mời con vua lên ngôi năm 1147, lấy hiệu là  Chế Bì La Bút - Jaya harivarman I . Thắng được  người Chiêm, vua Chân Lạp  Suryavarman  đặt em vợ mình là Harideva lên  ngôi vua Chiêm, buộc dân Chiêm miền Bắc phải thừa nhận. Chế Bì La Bút đem quân từ Pandarunga ra đánh thành Chà Bàn- Vijaya,  đánh tan Harideva và đuổi quân Chân Lạp ra khỏi bờ cõi, lên ngôi vua  ở  Chà Bàn, năm  1149.     

                         Năm 1150,  nước Chiêm khởi sự quyền lảnh đạo  cao nguyên Darlac ( Đắc Lắc, Dak Lak ). Năm 1151,  Chế Bì La Bút  đem quân, đánh bại hết mọi đạo quân  người Kiritas ( Cao Nguyên ) đang tràn xuống chiếm vùng đồng bằng và cả quân  lọan nội bộ là  quân của Ung minh Ta Diệp – Vancarâja, anh vợ của Jaya Harivarman các tộc dân Kiritas tôn lên làm vua . Thừa thắng, Chế Bì La Bút đuổi theo các đạo quân Thượng, chiếm  miền Bắc Darlac ngày nay và miền cao nguyên từ  Bình Thuận ra Phú Yên, khuất phục các bộ lạc Gia rai, Rongao, Roglai Blao v.v… , làm chủ cai trị  các vùng này một thời gian lâu dài,  nên di tích Chàm còn rải rác  từ các vùng này đến gần Pleiku, Kontum.

                      Năm 1170, sau khi giao hảo với  Đại Việt rồi, Jaya  Indravarman IV  quay sang đánh Chân Lạp đem quân  đi đường bộ, nhưng  cuộc chiến bất phân thắng bại. Năm 1177, vua Chiêm đổi chiến lược, cho thủy quân lên sông Khung ( Mêkong ? ) đến Biển Hồ, đánh úp kinh thành Angkor , giết vua Chân Lạp, cướp bóc rất nhiều và chiếm cứ vuơng quốc Chân Lạp. Nhưng năm 1181, một vì hòang thân Chân Lạp  nổi lên  đánh đuổi quân Chiêm  chiếm đóng, lấy lại Angkor, lên ngôi vua  hiệu là Jaya varman VII. Năm 1190, Chiêm trở lại khiêu khích Chân Lạp.  Vua Chân Lạp Jaya varman VII,  tấn công Chiêm Thành, lấy kinh đô  Vijaya, bắt vua Chiêm là  Jaya Indravarman IV đưa về Chân Lạp , đặt em rễ mình là In  lên ngôi vua Chiêm, lấy hiệu là  Suryavarmandeva. Đồng thời cũng lập một  vương quốc ở miền Nam tại Panduranga, đưa một tướng Chàm nuôi dưỡng từ bé ở triều đình Angkor  là  Vidyânandana lên làm vua, cũng lấy hiệu là  Suyravarmandeva. Nhưng chẳng bao lâu  nội lọan ở Chà Bàn nổi lên đuổi In về nước , đặt một hòang thân thân Chiêm  là Rashupati lên ngôi, hiệu là  Indravarman V. Năm 1192, vua cai trị Panduranga  là Vidyânbana - Bố Trì, tiến chiếm Vijaya , giết  Rashupati, giải thóat sự thống trị của Chân Lạp , thống nhất  đất nước. Vua Chân Lạp  giận sự phản trắc  của Bố Trì, sai quân sang đánh, nhưng bị thua. Để cũng cố địa vị mình, năm 1198 , Bố Trì  sai sứ sang cống  Đại Việt và năm 1190 vua Lý Cao Tông  sai sứ phong vương cho Bố Trì. Năm 1203, người chú của Bố Trì là Bố Điền  ( có khi chép là Bố Do ) nhờ vua Chân Lạp giúp sức, đuổi Bố Trì dành ngôi vua. Từ năm 1203, Chiêm thành đã trở thành một lảnh thổ Chân Lạp. Năm  1216,  đời vua Lý Huệ Tông, Chiêm Thành và Chân Lạp  đến đánh  cướp Châu Nghệ An, nhưng bị châu bá là  Lý Bất Nhiễm  đánh tan.  Năm 1218 , quân hai nước này lại ra  đánh cướp châu Nghệ An, và một lần nữa bị  Lý Bất Nhiễm đánh bại. Năm  1226, một hòang thân Chiêm tên là Ôn vốn là cháu của Jaya Harivarman I và đã được nuôi dưỡng  tại triều đình Chân Lạp và nhiều lần  đem quân đánh phá Đại Việt, về nước lên ngôi vua,   lấy hiệu là Paranecvara  - varman II.  Người Chân Lạp tự ý rút lui khỏi Chiêm Thành  và trao ngôi vua lại cho người Chiêm vậy .  Chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài 100 năm giữa Chiêm Thành và Chân Lạp . Chân Lạp từ đây  phải bận đối phó với một kẻ thù mới là Tiêm La. Còn triều vua Jaya Paramecvarman  II thì lo tu  bổ lại các đền thờ, xây dựng các đền thờ khác, mở mang canh tác ruộng đất  bỏ hoang  vì chiến tranh , sửa chửa hệ thống dẫn thủy nhập điền … 

                           1282,  quân Nguyên- Mông Cổ xâm chiếm Chiêm Thành
                           Hốt Tất Liệt  diệt nhà Tống rồi, năm 1280  truyền lệnh  cho các nước chư hầu ngọai phiên Tàu, phải sang chầu. Cả  Đại Việt đời vua Trần Thánh Tông  lẫn Chiêm Thành  đời vua  Indravarman V, đều từ chối sang chầu .   Hai sứ Nguyên  Hà tử  Chí và  Hòang Phủ Kiệt, đi sang Tiêm La và  Malabar ngang qua Chiêm Thành đều bị bắt giữ . Vua Nguyên nghe tin sai Hửu Thừa là Toa Đô đem quân sang đánh Chiêm.  Năm 1282 Toa Đô  mượn đường Đại Việt cho quân đi , nhưng  vua Trần  không thuận , Toa Đô phải đem  1000 chiến thuyền từ Quảng Châu đến  cảng Chiêm Thành, cho quân lên đồn trú trên bờ . Quân Chiêm  chống cự kịch liệt nhưng thua . Vua Indravarman V  đốt kho lúa , bỏ kinh thành ,  rút lên núi , tập hợp lại quân lính đánh quân Nguyên.  Toa Đô tiến quân  đến Đại Châu ( ? ) bị   bị phục binh Chiêm đánh thua. Hai bên cầm cự.  Vua Nguyên gửi thêm  15000  quân sang cho Toa Đô, Nhưng vua Trần không  chịu cho đi qua nước Đại Việt , nên quân tiếp viện không đến được. Vua Nguyên lại sai Ô Mã Nhi đem 20 000 quân  Giang – Hòai  sang tăng viện cho Toa Đô, nhưng đến nơi thì Toa Đô đã bỏ Chiêm Thành ra đi rồi.  Nhắc lại  là năm  1284,  Vua Nguyên sai  Trấn Nam Vương Thóat Hoan sang đánh Đại Việt và năm sau 1285, Toa Đô được chỉ đem quân ra  Nghệ An hội với quân Nguyên đánh Đại Việt, nhà Trần.  Indravarman V không muốn  vua Nguyên tức giận,  liền sau đó  sai sứ sang cống vua Nguyên Thái Tổ. Quân Nguyên ra khỏi nước, Indravarman V truyền ngôi cho thế tử  Harijit  là Chế Mân . 

                         Năm1306,  vua Chế Mân Simhavarman  III, trị vì 1287- 1307, xin cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông với sinh lễ là hai châu Ô và Ri ( hay Lý, tên Chăm là Ulik ), đưa biên giới Chiêm -Việt xuống tới Bắc Quảng Nam ngày nay. Thân tình Chiêm Việt sớm đọan tuyệt  sau khi Chế Mân chết, Trần Huyền Trân  bị cướp trở về đất Việt. Thân gia đổi thành oan gia, vì vua kế vị Chế Chí, con của Chế Mân lên ngôi hiệu là SimhaharmanIV,  bị vua Trần Anh Tông lừa bắt đem về  nước Việt, vì Chế Chí tuy thần  phục nhà Trần nhưng hối tiếc  việc nhượng đất của vua cha , nên Đại Việt cho là “ phản trắc”. Chế Chí chết ở Gia Lâm, gần Thăng Long năm 1323, gây mãi óan thù Chiêm -Việt.

                      Các năm  1312 – 1326, Chiêm Thành trở thành một tiểu quốc chư hầu của Đại Việt. Năm 1313, Đỗ Thiên  Nghiễn được bổ làm  kinh lược sứ ,cả đất Nghệ An lẫn đất Lâm Bình. Cai trị nội bộ giao cho người bản xứ lo liệu lấy,  chỉ cho mấy  đạo binh đến đóng đồn phòng ngự bảo hộ, mỗi năm thu thuế  và thúc dân bản xứ phải triều cống vua Đại Việt.
Đền thờ Huyền Trân Công Chúa tại Huế
                         Các năm 1350- 1400,  Chiêm- Việt chiến tranh liên miên. Năm 1367, vua Trần Dụ Tông sai Thế Hưng và Tử Bình đi đánh Chiêm Thành.  Quân Chiêm phục kích  bắt được Thế Hùng,Tử Bình bỏ chạy. Năm sau, vua Chiêm anh dũng là Chế Bồng Nga-  Po Bin Swor, trị vì  1360 – 1390 ) cho sứ sang đòi đất Hóa Châu. Năm 1376, quân Chiêm đánh Hóa Châu. Vua Duệ Tông thân chinh đi đánh, đóng quân ở cửa Nhật Lệ ( Quảng Bình, sông Nhật Lệ tên Chăm là sông Jriy )và năm 1377  kéo quân vào đánh thành  Chà Bàn, trên sông Côn ở Bình Định. Gần đến thành, quân Chiêm đổ ra vây, quân Việt thua to, Duệ Tông chết trong trận; tướng  sĩ cũng chết rất nhiều. Đồ Tử Bình lĩnh hậu quân không đến cứu, Lê ( Hồ ) Quí Ly  bỏ chạy về. Thừa thắng  Chế Bồng Nga  liền đem quân  dánh vào Thăng Long , cướp phá không ai giữ nổi.  Năm  1378. Chiêm Thành lại sang đánh Nghệ An, vào sông Đại Hòang  lên đánh  kinh đô Thăng Long. Năm 1 380, Chiêm Thành sang đánh Nghệ An- Thanh Hóa, bị quân  Quí Ly đánh đuổi được. Năm 1382, quân Chiêm lại sang  cướp Thanh Hóa, bị Quí Ly và Đa Phương đuổi đến Nghệ An. Năm 1834, Chế Bồng Nga với tướng La Khải  đem quân đi đường núi vào đóng  tận Quảng Oai.  Thượng Hòang  Trần Nghệ Tông nghe tin, cùng vua bỏ kinh đô chạy sang Đông ngạn. Nhưng rồi năm 1390, Chế Bồng Nga bị tướng  nhà Trần Khát Chân  phục kích,  giết ở địa hạt Hưng Yên. Từ đây về sau  Chiêm Thành mới bớt nhuệ khí, trong nước lục đục, hai con Chế Bồng Nga  sang hàng Việt Nam đều được phong hầu . 

                         Năm 1402, để trả đủa Chế Bồng Nga trước đây  nhiều lần tấn công nước Việt, vua Hồ Hán Thương ( trị vì  1401 – 1407 ) sai tướng Đỗ Mãn  đem quân đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm La Bích Đại - Indravarman XII thất thế   xin tặng Chiêm Động ( Nam Quảng Nam )  và Cổ Lũy Động ( Quảng Nghĩa ). Nhà Hồ đổi thành bốn châu Thăng (nay là  quận Thăng Bình ) Hoa ( Mộ Hoa sau cải tên là Mộ Đức  ), Tư, Nghĩa , ( Tư Nghĩa thành quận Tư Nghĩa ), đặt người cai trị , đem dân không có ruộng đất khắp nước đến đó định cư, khai khẩn.  Phía Nam tỉnh Quảng Ngãi là núi Bình Đê, ngăn cách với tỉnh Bình Định. Phỏng định biên cương Chiêm Việt thời nhà Hồ là núi Bình Đê.          

                        Năm 1471,  Vua Lê Thánh Tông nam chinh, chiếm cửa Thị Nại, hạ thành Chà Bàn, bắt vua Chiêm Bàn La Trà Toàn ( trị vì  1460- 1471 )  đưa về Thăng Long.  Chiếm vùng đất mới đổi thành phủ Hòai Nhơn, sáp nhập vào 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, lập ra  thừa tuyên đạo  Quảng Nam.  Đất Chiêm Thành còn lại chia ra làm 3 nước nhỏ là Hòa Anh ( Phú Yên – Khánh Hòa ), Chiêm Thành ( Phan Rang và Nam Phan ( Gia lai – Pleiku , Kontum, Dar Lac) . Thật ra, Chiêm Thành vốn  là một nước gồm nhiều thị tộc khác nhau như đã kể trên, sự phân chia hành chánh, cai trị của vua Lê Thánh Tông  hầu như trở lại truyền thống cũ  giữa các thị tộc Chiêm Thành.  Người Việt nay đã đặt chân  tới vùng Bình Định ngày nay  và biên giới  lúc đó là núiCù Mông, nằm giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dừng lạiở đây khá lâu,   mãi cho đến khi Chúa Tiên Nguyễn Hòang mở  lại cuộc nam tiến năm 1611. 

                    Các năm  1579-1535 , các quận vương  Chiêm Thành dùng Phan Rang Panduranga làm thủ phủ . Nhưng năm 1611, Chúa Tiên  sai Chủ sự là Văn Phong đem quân vào đánh Chiêm Thành, lấy đất phía Nam Đèo Cù Mông  đến núi Thạch Bi đặt làm phủ  Phú Yên gồm hai huyện  Đồng Xuân  và Tuy Hòa. Năm 1629, Văn Phong  dùng quân Chiêm làm phản , chuá Tiên sai cháu rễ là Nguyễn Phước Vĩnh , con trưởng  Mạc Cảnh Huống  lấy  công nữ Ngọc Liên con gái đầu  chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên, đi dánh dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên ( dinh địa đầu nước nhà ). Năm 1653 , nhân vua Chiêm là  Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần sai Hùng Lộc làm thống binh, đem 3000 quân đi đánh,  vượt đèo Hổ Dương , núi Thạch Bi, đuổi quân Chiêm bỏ chạy chiếm đất đến sông Phan Rang. Chúa Tần lấy  sông Phan Rang làm biên giới mới , từ phía Tây  sông trở vào vẫn để cho Chiêm Thành cai quản, nhưng  Chiêm Thành phải giữ lệ cống. Từ phía Đông dòng sông Phan Rang đến Phú Yên,  xứ Đàng Trong lấy  , đặt làm Phủ Thái Khương , sau đổi làm Bình Khương là tỉnh Khánh Hòa ngày nay, chia ra làm 2 phủ là  Bình Khương ( Ninh Hòa ngày nay) và   Diên Ninh ( Diên Khánh ngày nay). 

              Đời Chúa Minh Nguyễn Phước Chu vua Chiêm là Bà Tranh đem quân đắp lũy, cướp giết nhân dân phủ Diên Ninh, Chúa sai Cai Cơ Nguyễn hửu Kính, con của Nguyễn Hửu Dật làm thống binh  đem quân đi đánh. Năm 1692 , quân Việt đánh bại Quân Chiêm, bắt được Bà Tranh cùng một viên quan là Kế Bà Tử ;  Chúa Nguyễn sáp nhập nước Chiêm vào bản đồ xứ Đàng Trong, đặt làm một trấn tên là Thuận Thành.  Năm 1693( ? ),  đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận.   Giam Bà Tranh  ở Núi Ngọc Trản ( điện Hòn Chén ). Năm  1684 Bà Tranh mất.  Khi Bà Tranh bị bắt một  viên quan Chiêm là Ốc Trảo Nha   liên kết với  một người Tàu  tên là A Ban, sau đổi tên thành Ngô Lãng chạy về đất Đại Đồng ( ? )  mưu nổi lọan   Một người Chiêm tên Chế Vinh  đốc  xuất nhiều dân Chiêm theo Ngô Lãng. Cuối năm 1692, Ngô Lãng  cướp  Phố Hài ( ? ) giết Cai đội Nguyễn Trí Thắng. Cai đội dinh Bà Rịa đem quân cứu viện  cũng bị phục kích giết . Ngô Lảng bèn mưu đánh Phan Rí, giết  Cai Cơ Nguyễn Tấn Lễ, chiếm dinh trại, rồi kéo binh đánh Phan Rang. Cai đội Phan Rang  Chu Kiềm Thắng, ít quân,  đóng cửa thành tự thủ. Tháng giêng năm 1694,  Ngô Lãng vây Phan Rang.Trấn thủ Nguyễn Hửu Oai đem quân đi đường thượng đạo  đến cứu giải vây Phan Rang. Ngô Lãng chạy về  Phố Châm, rồi  về Thượng dã  là biên giới Chân Lạp – Cao miên. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ  đem quân tiến đánh, mới dẹp yên bọn Ngô Lãng . Trong các biến cố này  một số  người Chiêm  chạy sang Chân Lạp - Cao miên, một số khác chạy lên  miền Cao Nguyên ( Tây Nguyên ngày nay ) . Tháng 11 năm 1694, thấy đổi ngay nước  Chiêm Thành  đặt dưới quyền  cai trị của người Việt chưa tiện, Chúa  Minh đổi phủ Bình Thuận lại thành trấn Thuận Thành  và phong Kế Bá Tử làm Phiên Vương Thuận Thành để  cai trị người Chiêm, nhưng hàng năm phải nạp cống. Năm 1697, Chúa Minh lại  lấy đất  từ Phan Rang, Phan Rí trở  về  tây, đặt ra phủ  Bình Thuận, chia ra hai huyện là An Phước và Hòa Đa.  Người Chiêm vẫn  cố gắng thỉnh thỏang nổi lên chống đối. Như vậy trong thực tế  năm 1693, chúa Nguyễn đã chiếm hết đất Chiêm Thành, chỉ để lại  cho Chiêm Thành  một khỏanh đất Thuận Thành và một tước Phiên Vương  cũng do quan xứ Đàng Trong kiểm soát,  cốt để an ủi  tộc dân Chiêm mà thôi.

                  Năm 1698, chúa Minh sai Thống Suất Nguyễn Hửu Kính vào kinh lược  phần đất Chân Lạp mới chiếm được,  chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long , lập dinh Trấn Biên ( Biên Hòa ngày nay) ; lấy  xứ Sài Côn- Preykor đặt huyện Tân Bình , lập dinh  Phiên Trấn ( Gia Định ngày nay ).  Dinh Trấn Biên nay là Biên Hòa rồi không còn là Phú Yên nữa  và Phiên Trấn là Gia Định thay vì là Thuận Thành . Tên Thuận Thành cũng bị bỏ và Chiêm Thành bị  xóa hẳn trên bản đồ . Tuy nhiên, năm 1746, đời chúa Vỏ Nguyễn Phước Khóat, ở Thuận Thành  hai người Chiêm là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng  nổi loạn. Bị LưuThú dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương đánh úp, bắt được cả hai  đem giết đi. Năm 1762, quân Tây Sơn  vào đánh, Cai cơ Tá ( họ ? )  quản hạt trấn Thuận Thành sau khi Kế Bá tử  chết, đầu hàng Tây Sơn, đem bửu khí truyền quốc  của Chiêm Thành nạp cho Tây Sơn.


Phần II : 
Lạm bàn Phát triển  tỉnh Ninh Thuận                 
                  
1-      Tham khảo văn hóa Chàm và các Tháp Chàm
               

                  Theo ý niệm Ấn Độ thành lập quốc gia, mỗi thị tộc Chăm  đặt trọng tâm vào một Núi Thiêng – Thánh Sơn  , tượng trương  cho Thượng Đế là God Silva và một con sông thiêng liêng, tượng trưng choVương Mẩu vợ Silva là Goddess  Ganga. Trên sông thiêng liêng, mỗi thị tộc  thiết lập  3 trung tâm  nổi bật : một trung tâm buôn bán   hay là một cảng thị - port city ở cửa sông : một  trung tâm quyền hạn hòang gia hay là một thành phố hòang cung;  và một trung tâm   tôn giáo hòang gia hay điện thờ.  Chẳng hạn  vào thế kỷ thứ 17, nếu  xét kỷ các  đặc điểm địa lý,  các  thị tộc Chàm  ở tỉnh Quảng Nam ngày nay , sẽ thấy những nét chánh của vương quốc Chàm như sau :  Thánh Sơn Núi Răng Mèo  - núi Mahaparvata ; Sông thiêng liêng  Mahanadi /Ganga hay sông Thu Bồn ; Cửa Đại Chiêm Hải Khẩu ( Port of Great Champa )  hay Cửa Đại vùng Hội An ; thị trấn hòang thành  Simhapatra – Hổ Thành  ở Trà Kiệu ; điện thờ - sanctuary  Srisana – Bhadresvara hay Điện Thờ Mỹ Sơn.           
Thánh địa Mỹ Sơn một công trình kiến trúc cổ của dân tộc Chăm được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI, bao gồm Cung Điện, đền thờ, thành luỹ.

      Hai điện thờ chánh của các triều đình Chiêm Thành là Mỹ Sơn  ở tỉnh Quảng Nam và Po nagar Nha Trang ở tỉnh Khánh Hòa, phản ảnh  hiện tựợng song đôi  quan niệm vũ trụ  của Champa. Vị trí Mỹ Sơn là  một thung lũng sâu chung quanh là núi non hiểm trở. Còn Ponangar ở trên một đồi núi gần cửa sông ra biển.  Mỹ Sơn ở miền Bắc  là tiểu vương quốc Amaravati, thờ Thượng Đế  Thần( Thánh ) Cha- God Bhadrevara. Po nagar Nha Trang xâycất ở miền Nam thuộc tiểu vương quốc Kauthara thờ Thánh Mẩu ( Mẹ ) Bhagavati – Goddess Po Yang Inu Naga. Khỏang  cuối thế kỷ thứ 4, Ấn Độ Giáo tràn vào Champa. Điện Thờ Mỹ Sơn được vua Phạm Hồ Đạt Bhadravarman FanHuta , trị vì 380- 413  xây dựng lên. Trong thế kỷ thứ 9, Phật giáo tiểu thừa Mahayana Buddhism  ảnh hưởng Champa và các điện thờ Phật Giáo ở  Đồng Dương, cách thủ đô Trà kiệu 15km, được vua Jaya Indravarman II thiết lập vào khỏang 875 . Sau thế kỷ thứ 10, khi Champa đóng vai trò quan trọng mỗi nggày mỗi thêm về  buôn bán  ở Biển Đôn , được xem là «  Đường tơ lụa qua Biển – Silk Road of the Sea » từ  Trung Đông đến Viễn Đông, Hồi Giáo Islam  du nhập Champa theo chân các thương gia Ả Rập  và Ba Tư.

Gần ¾ tộc dân Chàm sinh sống ở Việt Nam theo một dạng Ấn Độ giáo ( Bà la Môn ) Bhramanism  các mê tín địa phương đổi thay, tên gọi là Cham Kafir ( Kaphir )  hay Bội Tín, Dị Giáo  - Infidel, Cham Jat  ở từ ngữ Ả Rập. Chừng  6000  số  người tộc dân Chàm còn lại, phần lớn ở Châu Đốc ( Chà Châu Giang ) và Tây Ninh, theo một  lọai  Hồi Giáo Đổi Thay  Mohammedanism, tự gọi mình  là  Cham Bani, từ ngữ Ả Rập  có nghĩa là  các con của Chúa Trời Cảm ứng, Tiên Tri- Prophet.  Cham Kafir  và Cham Bani sinh sống thuận hòa nhau; các tăng lữ, tu sỉ một dạng Chàm này, nếu có lời mời, đều tham dự mọi lễ lạc dạng khác. Nhiều thần thánh  được thờ phụng chung ở cả hai dạng tôn giáo Chàm.              

  Gia tài  vương Quốc Chiêm Thành truyền lại ngày nay vào  đại gia đình văn hóa Việt Nam, rải rác khắp nhiều  tỉnh miền Trung và ở một vài  nơi trên Tây Nguyên, dưới  hình thể 80 tháp đền thờ - temple towers  tên Chăm là kalan ( trong số hàng trăm kalan xây dựng, bị chiến tranh mãi đến 1975 tàn phá, điêu tàn, như ở Mỹ Sơn máy bay B52 đã phá sập 55 kalan và 15 kalan còn lại  cũng mang đầy thương tích, vì thời gian này Mỹ Sơn là một chiến khu quân đội Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam sử dụng tấn công Cộng Hòa miền Nam ). Chiếu theo Trần Kỳ Phong và Shige-eda ( năm 2002 )  đáng kể  là các kalan tập trung : - ở Quảng Trị là đền thờ thế kỷ thứ 10 Hà Trung ( ? )-  ở Thừa Thiên , Huế  là đền thờ thế kỷ thứ 11- 12 Liễu Cốc và đền thờ thế  kỷ thứ 8 Mỹ Khánh -  ở Quảng Nam là Điện Thờ Phức tạp  các thế kỷ từ 7 đến 13  Mỹ Sơn , điện thờ Phức tạp thế kỷ  9- 10 Đồng Dương,  nhóm đền thờ thế kỷ thứ 10 Khương Mỹ, đền thờ thế kỷ 10 – 12 Bằng An - ở Bình Định là  đền thờ thế kỷ  11-12 Tháp Bạc / Bánh Ít, đền thờ  thế kỷ  11 Bình Lâm, đền thờ thế kỷ  12- 13 Dương Long, nhóm đền thờ  thế kỷ 12- 13 Hưng Thạnh / Tháp Đôi, đền thờ thế kỷ  13-14 Cánh Tiên, đền thờ thế kỷ 13-14  Thốc Lốc  , đền thờ thế kỷ 13-14 Thủ Thiện, - ở Phú Yên là đền thờ thế kỷ 11- 12 Tháp Nhạn - ở Khánh Hòa là điện thờ Phức tạp  các thế kỷ 8-13 Po nagar Nha Trang - ở Ninh Thuận là nhóm đền thờ  thế kỷ 9  Hòa Lai,  nhóm điện thờ thế kỷ 13- 14 Po Kloong Garai,  đền thờ thế kỷ  16-17 Po Rame - ở Bình Thuận  là nhóm  đền thờ  thế kỷ 8-9 Po Đàm, đền thờ thế kỷ  8-9 Phú Hài / Phố Hài . Và ở tỉnh Đắc Lắc là  đền thờ thế kỷ 12- 14 Yang Prong. Đa số đền thờ này xây cất dọc theo  các sông chánh của tỉnh.
Tháp bà Ponagar ở Nha Trang
                    
                     Nghệ thuật kiến trúc , điêu khắc độc đáo của các Tháp Chàm - Kalan
                    Nghệ thuật Champa  là một yếu tố hội nhập nghệ thuật  Đông Nam Á. Theo ghi chép bia ký, đa số các  tháp đền thờ xây cất trước thế kỷ thứ 7 đều làm bằng gỗ, nhưng đều bị phá tan tành qua các chiến cuộc.  Sau thế kỷ thứ 7  các tháp mới xây cất bằng gạch  và đá cát – sandstone .  Theo Kiến trúc sư Đòan Đức Thành ( Văn hóa Việt Nam, năm 1989), công trình kiến trúc Kalan Chăm là kiến trúc thờ  các thần Bà La Môn – Brahman : Siva, Vishnu, Brahma, Xkanda, Mahara … chủ yếu là thần Siva, các vương triều Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ15. Lúc đó, tộc dân Chăm chưa hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam, song đã  sớm giao lưu, chịu ảnh hưởng của  các nền văn hóa Ấn Độ, Cam Bốt và cả Việt Nam nữa.  Tuy hình dáng kiến trúc Kalan cũng có dạng dãy núi đỉnh cao nhọn dần – sikhara, song lại xây bằng đất nung chứ  không bằng đá, niên đại còn sớm hơn  các sikhara đá Ấn Độ như đền Lakshamana hay Angkor Wat, Cam Bốt . Đặc điểm xây cất là kỷ thuật tay đỡ, tay chìa- corbel building technique. ( Trần và Shige-eda, 2002 ).
Thần Shiva, kiến trúc Kalan
                Theo kỹ thuật này, các gạch nung xếp hơi xìa riêng ra theo xoắn ốc  mái tháp nhọn, một kiểu kiến trúc cũng thường thấy ở  Cam Bốt và ở trung tâm đảo Java, Inđônêxia. « Kỷthuật corbel »  tạo ra những khỏang mái vòm bên trong rộng lớn. Cho nên thành quả kiến trúc kalan Chăm là những cơ cấu cao  với không gian bên trong tương đối to rộng. Các gạch nung  kích thước dài – dày khác nhau chà- cọ xát nhau  cho đến thật khít nhau mới thôi. Cách  đục đẻo gạch nung phải thật tinh xảo  để không hề bị sứt mẽ  dù dùng một số lượng lớn và cách  liên kết các viên gạch tài tình, không có chất dính liên kết ( ? )  vì không thấy mạch, không thể tách rời từng viên ra được.

                  Ban đầu, kalan Chăm xây dựng theo từng quần thể  gồm 3 tháp  kalang đứng ngang nhau, thờ ba vị thần Bà La Môn là kalan Nam , kalan Chánh và kalan Bắc. Kalan chánh to lớn hơn hết, luôn luôn xây dựng đầu tiên. Cạnh các kalan là nền phẳng những công trình phục vụ cho  khách hành hương chuẩn bị tế lễ, kho tàng và cổng phía trước , xung quanh có hàng rào vây kín. Kalan Chăm chỉ có một cửa ra vào duy nhất mở lồi ra ở phía trước, không có cửa sổ, song xung quanh lại có nhiều cửa giả  chạm trỗ cầu kỳ. Kalan thờ thần mở cửa ra hướng Đông, người Chăm cho đó là hướng của thần linh.  Kalan thờ vua mở cửa ra hướng Tây, hướng linh hồn người chết trú ngụ. Khi các thành đô Chiêm Thành chuyễn dần xuống phía Nam, kiến trúc điêu khắc đơn giản dần, chỉ có một kalan trung tâm và các công trình phụ.

              Hình dáng bên ngòai kalan Chăm có ba lọai : phổ biến nhất là kalan ba tầng, các tầng thu nhỏ dần theo chiều cao và kết thúc bằng một chóp nhọn bằng đá được bọc vàng , bạc hay đồng. Cửa chánh nổi bật hơn cả,  bên trên có vòm cuốn, ở giữa gắn phù điêu bằng đá hình vũ nữ  hay các vị thần. Chung quanh là  những hoa văn chạm trỗ rất tinh xảo. Bốn gốc  của mỗi tầng bổ trụ giả, đầu trụ gắn một kalan nhỏ, các tầng lớp hình thành dạng dãy núi đỉnh cao nhọn dần kiểu sikhara.  Lọai kalan  phần mái thu nhỏ  đều theo hình búp nhọn, biến thể là  kalan mái lượn theo  vòm cong đều đặn. Lọai kalan mái vat theo  hình thuyền rất gần gũi  các ngôi nhà cỗ xưa của người Việt.

                Phong cách điêu khắc, trang trí các mô típ hoa văn  nổi tiếng các kalan cũng khác nhau. Có thể phân biệt làm ra phong cách Trà Kiệu ( thế kỷ thứ 7 ),  phong cách Mỹ Sơn  ( các thế kỷ thứ 8- 9), phong cách Hòa Lai ( thế kỷ thứ 9 ) và phong cách Đồng Dương ( các thế kỷ thứ 9- 10 ), phong cách Kut  thế kỷ thứ 17 , thế kỷ 18 .  Chẳng hạn chạm trỗ bệ  , chân cột trụ  Ramayana  của Trà kiệu  là hình người tóc búi tó, chân dài v.v… Điển hình nhất là một  hàng vú – breasts phụ nữ. Mô týp vú phụ nữa  thường được  chạm trỗ  ở các đền thờ Chàm và các bệ-nền suốt thế kỷ thứ 7  ở Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Dương Long, Tháp Mẫm, và  từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15 ở các đồ vật trang trí Vijaya Bình Định. Phong cách Đồng Dương thể hiện ở chân cột trụ  là những mô týp  trang trí hình giun ( trùn ) và hình người  thân thể béo mập và ngắn ngũi, của thế kỷ thứ chín  ở một ngôi chùa Phật Giáo Đồng Dương . Phong cách Kut hay chạm trỗ trên mộ chí – grave stone . Mô týp vú phụ nữ xuất hiện  trên Kut – Mộ chí   ở vùng Phan Rang vào các thế kỷ thứ 17 và 18, đặc biệt ở làng Mỹ Nghiệp, quận Ninh Phước, là một chứng cớ  khuynh hướng muốn bảo tồn các mô týp tộc dân Chàm  suốt lịch sử nghệ thuật  Champa.        

Kalan Chăm kiểu Ấn độ  sikhara là một đền thờ  hình ảnh thiêng liêng – yoni linga  đặt trong một nơi tối thiêng liêng  - sanctum sanctorum , một phòng vuông nhỏ mái hình kim tự tháp.  Kalan hình dung  một  thế giới vi mô – microcosm  thiêng liêng.  Tháp có thể giải thích là một bệ thờ - altar, và mái tháp  là đỉnh núi   Mount Meru , nhà của các thiên thần. Như đã kể trên, kalan hướng về phía Đông ( Mặt Trời mọc ), khởi sự  cuộc di chuyễn vũ trụ  theo thời gian.  Đặc biệt  tại Mỹ Sơn  cơ cấu  kalan lại hướng về hai phía Đông và phía Tây, làm ra một đền thờ  lọai tháp Mỹ Sơn A-1. Ở  Ấn Độ  kiểu kiến trúc này có tên là  natamandir. Thần tượng thờ ở nơi tối thiêng liêng đặt trên  một  bục đài kết thúc bằng một mương  tắm gội  của các thiên thần snana –droni luôn luôn phun trào về phía Bắc. Đôi khi  lại có một thùng chứa vuông khác dưới bệ thờ somasutra  ( có nghĩa là phun trào )  nước thiêng  từ tháp chảy qua đó. Quanh bệ thờ là một  hành lang hẹp  pradakshina patha  cho người mộ đạo  xếp hàng nối đuôi nhau cầu nguyện. Ở các đền thờ Phật  Giáo như Đồng Dương, bệ thờ được đặt ở tường phía Tây nơi tối thiêng liêng để cúng bái làm lễ lạc trước bệ thờ , nhưng không  ai được phép đi quanh bệ thờ  như ở đền thờ Ấn Độ. Liên kết với mật thất qua một cánh cửa  là một tiền sảnh ( phòng ngòai ) hẹp  một  phía bên là tượng  bò đực màu trắng –  white bull thiêng liêng  Nandin như ở các tháp Chàm Po Kloong Garai và Po Rame. Ở ngỏ vào tiền sảnh là hai cột đá chạm trỗ tinh vi. Cột đá có thể  tròn, hình  bát giác hay  vuông vức tùy  theo thời đại xây cất. Ở Điện Thờ Phức Tạp Mỹ Sơn   thuộc các nhóm A và B là một mạng  lưới đền thờ thứ cấp, thờ các thần linh của địa bàn – dikpalakas  nghĩa là 7 hành tinh vũ trụ. Tỉ như  Mỹ Sơn A2- A7 là để tôn thờ:  1 là Indra hay thần sấm sét, cởi voi gìn giữ phía Tây , 2 là Agni, thần  lữa ( hỏa ) cởi tây ngu, bảo vệ phía Đông Nam, 3 là  Yama hay tử thần cởi trâu, bảo vệ phía Nam, 4 là Varuna  hay thần nước ( thủy ) cởi ngỗng, bảo vệ   phía Tây, 5 là  Nairrta  hay  thần phá hủy, cởi một bán thần – demigod , bảo vệ  phía Tây Nam, 6 là Vayu hay thần gió cởi ngựa bảo vệ phía Tây Bắc, 7 là Kubera hay thần sức khỏe và may mắn trên một lâu đài, bảo vệ phía Bắc, 8 là Isana  thế  lực tối cao, cởi bò đực, bảo vệ  phía Đông Bắc.  Còn nhóm Mỹ Sơn  B7- B12 lại thờ : 1 là Surya,  thần Mặt Trời cởi ngựa, 2 là Chandra hay thần Mặt Trăng ngồi trên một ngôi sen, 3 là Mangala  hay thần Sao Hỏa cởi tây ngu, 4 là Varuna  hay thần Sao Thủy ngồi trên lưng ngỗng, 5 là  Brhaspati hay thần Sao Mộc cởi voi, 6 là Sukra hay thần Sao Kim, 7 là Sahni hay thần Sao Thổ cởi trâu. ( theo Trần Kỳ Phương, 2004 ). Xin nhắc lại là trùng tu Phức tạp Mỹ Sơn khởi sự năm 1937, do hai nhà  bảo tồn cỗ học  Louis Bezacier và Nguyễn Xuân Đồng thực hiện.  Các dinh thự  nhóm B và D  tỉ như B3, B5, B6 và D1, D2, D6 được cũng cố. Năm 1938, đền thờ A1, một kiệt tác kiến trúc Champa và 6 tháp nhỏ ( A2- A7 ) được tái thiết và các cơ cấu khác của B1,B3, B4, B5, B6,C1, D1, D2  được cũng cố.  Các nhà bảo tồn cỗ  của Trường Viễn Đông Bác Cỗ ( Ecole francaise d’ Extrême Orient, EFEO ) dùng xi măng, cát , sạn  sỏi , sắttcũng cố các nền và tường các dinh thự hay tái xây cất những phần tháp bị đập vỡ, hầu cố giữ cho được các mặt bằng nguyên thủy  càng nhiều càng hay.  Công trình tái thiết Mỹ Sơn  được đô đốc Decoux, lúc đó là Tòan Quyền Đông Pháp,  công nhận là « Công viên Cỗ Tích – Parc Archeologique de Mỹ Sơn » tháng 8 năm 1942. Từ năm 1978, vị trí Mỹ Sơn đã được dọn  sạch mìn và lấp hết các hố bom và làm sạch đạn dược không nổ. Năm 1980, một nhóm chuyên viên Ba Lan  thuộc Bộ Văn Hóa Và Thông Tin,  tiếp tục  khảo cứu những công trình Chàm ở khắp miền Trung Việt Nam, do kiến trúc sư  Kaxier  Kwiatkkowski ( 1944- 97 ) thuộc Bộ Bảo Tồn Văn hóa Ba Lan, thiết lập và dẫn đạo.   
        
            Cách trung tâm thị xã Phan Rang về phía Tây Bắc là các Tháp Chăm Po Kloong Garai . xây dựng  khỏang cuối thế kỷ thứ 13 và đầu thế kỷ thứ 14 , vẫn còn huy hòang, tráng lệ , dù  đã bị tàn phá theo thời gian. Các tháp ngự trên đồi Trầu – Betel hill  ở phường Đồ Vinh ( ? )  thị xã Phan Rang, xây cất  để thờ phụng vua Po kloong garai (  1152- 1205 ). đã  làm nhiều điều tốt cho dân Chăm, đặc biệt là xây dựng hệ thống tưới tiêu – dẫn thủy nhập điền địa phương. Phức tạp kiến trúc này gồm  3 tháp. Tháp thứ nhất là Tháp Chánh, dài 13.8m, rộng 10.71 m và cao 20.5 m.  Đây là nơi chánh làm các lễ tôn giáo. Một tượng bán thân  vua Poklonggarai  được trịnh trọng đặt bên trong Tháp Chánh cho dân tôn thờ.  Tháp thứ hai là Tháp Cổng- Gate Tower, dài 5.10m, rộng 4.85m và cao 5.65m. Đây là nơi vua tiếp đón qúi khách.  Tháp cuối cùng có tên là Tháp Lữa – Fire Tower, dài 8.18m, rộng 5m và cao 9.31m, là nhà bếp hòang cung Chăm .   Các tàn tích này đã được Bộ Văn hóa xếp vào hạng di tích lịch sử văn hóa Việt Nam .       
Tháp Chàm Po Klong Garai
2-     Lễ hội Năm Mới văn minh Chàm Kate New Year  Festivals.
Ninh Thuận là tỉnh tộc dân Chàm đông đảo nhất nước, cho nên các lễ hội văn minh Chàm được  tổ chức đặc biệt là lễ hội năm mới – kate festival  cho  Chàm Kafir ( Brahmanist ) ở quận Ninh Phước ( Phước Dân ), phía Đông Nam thị xã song đôi Phan Rang – Tháp Chàm. Biểu hiện sặc sở qua màu áo, kiến trúc, điêu khắc, đồ gốm  như gốm  Bầu Trúc quận Ninh Phước, áo thêu kim tuyến -weaving brocade, chữ viết Chàm. Nổi bật nhất là các lọai dân ca – folks songs , phản ảnh nhiều đến  các điệu ca, lời ca Nam Bình - Nam Ai vùng Quảng Trị - Thừa Thiên- Huế và nhất là các điệu múa, vũ – dance Chàm. Múa Cung đình ở Việt Nam gồm ba tộc dân  Chăm , Khmer ( ở Nam Bộ) và Kinh . Múa cung đình Chăm chỉ còn dấu vết  ở các tượng đá Vũ nữ Trà Kiệu, Vũ hội cung đình…,  các thế kỷ thứ 7 và thứ 8 … Không hiểu các kiểu múa cung đình Kinh ở miền Bắc như  múa Bát Dật với một đội hình  64 vũ công gồm hai điệu múa võ và múa văn và  múa cung đình Huế  là múa  Hoa Đăng ,6 lần dân cúng hương, hoa, đèn, trà, quả, ỏan với 6 cô tiên múa, sau phát triển múa đông người ; có bao nhiêu phần pha trộn  cổ điệu Chăm và  Ấn Độ Giáo? Khi chúng ta nhớ lại rằng tháng 7 năm 1044, vua Lý Thái Tông, sau khi phá thành Phật Thệ, bắt hậu phi của vua Chăm Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát về kinh sư  hát múa điệu Tây Thiên cho cung đình nhà Lý. Múa điệu lên đồng ở  điện Hòn Chén, tức  điện Ngọc Trản – Huế  chắc chắc đã chia sẽ phương cách Ấn Độ của người Chiêm  thờ phụng thánh mẩu Thiên Y Ana tại  Tháp Bà Po Nagar – Nha Trang.  Po Nagar gọi đúng tên là Po-yang-ineou-Nagar là  vợ của thiên thần Siva là vị thần uy vũ nhất tộc dân Chăm.  Ngay cả các loại múa dân gian của tộc dân Chăm như múa quạt , múa bình cũng đã có thể ảnh hưởng đến các lọai múa quạt , múa nón  … tộc dân Kinh (? ). Lễ hội Chăm còn đến nay  là lễ hội khai mương thóat thủy,  đập tưới ruộng đất  chận giữ nước thung lũng sông ngòi, lễ hội  các thứ hoa màu khác lúa gạo  và lễ gat là lễ đón mùa lúa mới. Thánh mẫu Ponagar, tòan tên là Po- Yang-Ineou-Nagar – Bà Chúa  Mẹ Vương Quốc, vợ của thần Siva và là thiên thần uy vũ nhất. Dân Chàm tôn thờ bà  là vị thần của ruộng lúa và được mùa phong phú. Bà còn có tên là Bà Đen -  Muk Juk – Black Lady hay  Pata Kumei -  Vương Mẩu Đàn Bà – Queen of Women.  Bà có nhiều con gái, vài cô tốt hiền, vài cô xấu dữ. Một số vẫn còn được tôn thờ: Po-Nagar Dara, Po- Bja-Tikuh và Tara-Nai-Anaih. Tộc dân Kinh thờ thánh Mẫu Po Nagar dưới tên   là Bà Chúa Ngọc,  làm lễ  cầu xin ân đức Bà với múa hát hai lần mỗi năm, vào tháng 2 và tháng 8. Tượng bà Po – Nagar  đặt ở  ngọn Tháp Bà lớn nhất ở  vùng núi Cù Lao, Nha Trang.Tòan thân nữ thần thánh mẩu thiên Y Ana được điêu khắc  bằng đá xanh, ngồi uy nghi xếp bằng trên một nền đế cao rộng bằng đá khối. Đường nét tượng thần điêu khắc, chạm trỗ cực kỳ tinh xảo, nhưng vẫn tóat lên một vẽ dịu dàng, uyển chuyển, sống động.  Lễ lạc ở Tháp Bà rất kỳ thú  vào đêm giao thừa; du khách được thưởng thức một  mùi hương  phảng phất, đó là hương kỳ nam, hương trầm  rừng sâu đưa đến quyện lẫn hương nhan, hương hoa từ nhà chùa bay tới. Nguồn gốc là dân đi biển ( có khi là cướp biển ) nên một số dân Chàm Ninh Thuận  gần bờ biển còn có  Chùa Cá Voi ( dân Kinh gọi là Cá Ông ) .  
Kate New year festival
Bon Kate  ( hay Kate ) và Bon Cabour ( Tia Bour ) là hai lễ hội uy nghiêm nhất của tộc dân Chàm. Lễ Kate vào ngày mồng 5 tháng năm lịch Chàm ( khỏang tháng 9- tháng 10)  và lễ Bon Cabur  vào ngày mồng một tháng 9 Chàm ( khoảng tháng giêng – tháng hai). Hai lễ lạc này là để tôn kính tổ tiên và dâng lễ vật lên 3 vị thần chánh là Po Nagar, Porome và Poklong Garai .  Po rome là vị vua cai trị  dân Chàm từ  năm 1627 đến năm  1651, nổi lên chống lại dân Việt – Kinh, bị bắt giam và chết trong nhà tù. Truyền thuyết có lẽ nhầm với vua anh hùng Chế Bồng Nga, cai trị dân Chàm từ năm 1328 đến năm 1373 . Po rome lấy vợ thứ hai là công nương Ngọc Khoa con gái Chúa Sải, đã chặt cây linh thiêng là Kraik có thần bảo vệ nước Chàm trú ngụ trên cây, bà vợ Việt theo lời cha yêu cầu vua Chàm đốn bỏ, hầu chửa bệnh mình. Nên khi  quân xứ Đàng Trong xâm chiếm không còn thần bảo vệ;  nước mất, Po rome bị bắt. Poklong Garai bị bệnh cùi khi còn nhỏ, chăn trâu mãi cho đến khi gặp  một con rồng chửa lành bệnh, theo truyền thuyết đã có uy lực siêu tự nhiên, tỉ như vặn cỗ trái mướp cho quẹo đi và làm  lá chuối nổi bật gân. Trong 16 năm đầu trị vì,  Po-Kloong Garai xây dinh thự, đào kênh, làm đập ngăn nước sông và dạy cho dân Chàm dẫn thủy nhập điền. Sau 54 năm trị vì ( 1151 – 1205 ), vua lên Trời, theo yêu cầu các vị thần linh. Lễ  Bon Kate cúng dường ở  các kalan và  nhà lá bumon- leaf huts.  Còn dâng tế vật lễ Bon Cabur, phần lớn thờ phụng nữ thần, làm ở các tháp thường và trong gia thất .
  
3-Các danh lam thắng cảnh khác, Ninh Thuận đón mời du khách trong khung cảnh tam giác đặc thù Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang   
Một điệu Múa Chàm
Phụ nữ Chàm 
Ninh Thuận là một tỉnh hài hòa  đồng bằng, đồi núi và  bờ biển biển Đông. Nằm trong vị trí những cụm du lịch  thuộc tam giác  Đà Lạt – Nha Trang- Phan Rang, NinhThuận, ngòai các kalan Chàm có công viên quốc gia Núi Chúa, nhiều cảnh quan đẹp đẻ tỉ như bải biển Ninh Chữ,  bải biển Cà Ná, đèo Ngọan Mục, hồ thủy điện Đa Nhim. Gần Tháp Po Kloong Ga Rai là làng tiểu công nghệ thêu dệt, đồ gốm … truyền thống Chăm  và có thể xem các cô gái Chiêm múa  những vũ điệu huyền bí, hay thăm viếng Suối Vàng, Thác Tiên, và đặc biệt là độn cát – dune Nam Cường ( ? )  nơi gió thổi bay  cát đỏ và cát vàng, trộn lẫn chúng  liên tục qua các  sườn đồi thiên nhiên và thung lũng đẹp đẻ. Vịnh Vĩnh Hy lộng lẫy gần Mũi Đá Vách (  Cap Faux Varella ), chỉ cách thị xã  40 km là một  vùng nước biển thời xa xưa thích hợp cho  thám hiểm, câu cá, lặn sâu xuống các dải san hô rồi lên bờ nhậu thịt dê Ninh Thuận béo bổ, món ăn đặc sản địa phương. Nhưng các tiện nghi  du lịch và  giao thông chỉ mới phát triển cải thiện những năm gần đây mà thôi, còn thua kém Nha Trang, Đà Lạt là hai tụ điểm khác của cụm tam giác du lịch đặc thù Tây Nguyên – Duyên Hải Nam Trung Bộ nhiều. Tăng trưởng dịch vụ  từ năm 2000 đến năm 2007  là 9.8 %,   thua kém  trung bình Khánh Hòa và Bình Thuận, nhưng những năm gần đây nhiều dự án mới có cơ giúp phát triển mạnh hơn. Tuy phát triển du lịch có mức tăng trưởng ít hơn mức tăng trưởng công nghệ tỉnh nhà, đã tạo ra  thêm 57 300 công ăn việc làm vào thời gian này, trong khi công ăn việc làm khu vực công nghệ chỉ tăng từ 14 900 năm 2000 đến 43 600 năm 2007. 
Đáng kể là dự án  Công ty Liên doanh Du lịch và Đầu tư Bình Tiên đang xây cất môt khu du lịch rộng 190 ha có một nhà nghĩ mát xa xỉ, một khách sạn lớn, một villa, một  làng văn hóa, một  bải cho chó chạy đua và một sân gôn 18 lỗ. Số vốn công  ty là 2. 58 ngàn tỉ đồng Việt Nam  và  hệ thống này dự trù hòan thành năm 2014. Thêm vào đó là   khu nghĩ mát Ganesa Ninh Thuận Resort do công liên doanh ICC tòan cầu  đầu tư  492 tỉ đồng VN và Công ty Du Lịch Minh Thạnh đầu tư  170 tỉ đồng VN, đang phát  triễn  vùng du lịch sinh thái Bải Thung (? ) và một khu đô thị mới . Công ty  Saigon -Ninh Chữ  đã đầu tư 150 tỉ đồng VN,  để nâng cấp khách sạn 2 sao lên thành 4 sao, đã hòan thành năm 2009 (? ), có 200 phòng ngũ, một tiệm ăn  250 chỗ ngồi, một phòng diễn thuyết  500 chỗ, những bun ga lô – bungalow tổng cọng 20 phòng, hồ tắm, sân đánh quần vợt  và những dịch vụ như đấm bóp, karaôkê v.v… Sẳn sàng đón mời du khách hay các nhà đầu tư Đông Nam Á, Ấn Độ Dương,Trung Đông … hai tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Hồi giáo vào một tỉnh Việt Nam hiện tại đông người nhất Việt Nam  theo lễ nghi phong cách, tuy có phần nào thay đổi theo thời gian và không gian, hai tôn giáo lớn này là  Chàm Kafir và Chàm  BaNi. 
Cồn cát Ninh Thuận 
Phát triển du lịch, công nghệ, đô thị mới tất nhiên phải nâng cấp, cải thiện đường xá, đường xe lữa, các hải cảng, phi trường …  Đường quốc lộ số 1A và đường xe lữa Nam  Bắc đi ngang qua thị xã tỉnh nay gồm  cả thị trấn Phan Rang lẫn thị trấn Tháp Chàm, như đã nói trên. Có lẽ đến lúc tân tiến hóa các ga xe lữa  tỉnh nhà  như ga chánh Tháp Chàm  và hai ga nhỏ là Bà Râu ở quận Thuận Bắc  và ga Cà Ná ở phía Nam, cùng tân tiến hóa thêm quốc lộ số 1 và đường xe lữa Nam Bắc. Cũng như đã trùng tu làm du lịch, đường xe lữa  dây xích móc - tremaillères  Tháp Chàm - Đà Lạt, và sân bay dân sự quốc tế Cam Ranh ( ? ). Hình như cầu Ninh Chữ dài 511m, bắt ngang qua vịnh Khánh Hải, phí tổn 192 tỉ đồng VN đã xong năm 2011.  Công ty Hyundai Amco  Hàn Quốc ( Nam Hàn )  đã khởi sự xây cất cầu An Đông nối quận Ninh Phước với phường Đông Hải  thị xã Phan Rang (?).  
Mô hình cầu Ninh Chữ
Ninh Thuận có 3 cảng là Vĩnh Hy phía Bắc quận Ninh Hải, Ninh Chữ phía Nam quận Ninh Hải gần thị xã Phan Rang và Cà Ná  phía Nam tỉnh nhà. Quốc lộ số 27 nối liền Phan Rang và Đà Lạt qua đèo Ngọan Mục. Đáng tiếc là chưa ai quan niệm nối quốc lộ 20, ở ngã rẽ Đơn Dương -Thanh Mỹ ( trên Đức Trọng -Liên Nghĩa, tránh đèo Ngọan Mục ) về một trong ba cảng Ninh Thuận, chuyên chở alumina( oxyd aluminium ) Đắc Nông – Lâm Đồng, nhiên hậu cả alumina Cam Bốt -tỉnh Modulkiri ( ?) về  Ninh Thuận,  tinh luyện  thêm ra aluminium và các hợp kim, vì nay mai Ninh Thuận sẽ có đủ điện tinh luyện alumina, khi thiết lập xong 2 nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện gió  hiệu xuất lớn 200 MW của công Ty Nam Trung, sau nhà máy điện gió ở Phước Hửu, một trong những nhà máy điện gió đầu tiên nước nhà ! Thay vì  phải dự định chở alumina xuôi Nam  theo đường quốc lộ 20 đến cảng Gò Dầu, Biên Hòa – Đồng Nai, hiện đã quá tải có thể  không chịu nổi trọng tải các xe vận tải 40 tấn ( theo bộ giao thông vận tải ). Và biết đâu trong tương lai gần, cà phê Tây Nguyên , cao su , tiêu …Tây Nguyên cũng dùng đường nay bổ sung chuyên chở quốc lộ số 14 về TP Sài Gòn – Đồng Nai ?  

3-     Không nên sao lãng phát triển nông ( ngư ) nghiệp

A - Canh Nông
             - Tìm cách tăng năng xuất lúa gạo bà bắp ( ngô )
            Tuy tỉnh Ninh Thuận có mức đô thị hóa lớn nhưng dân nông thôn tỉnh nhà vẫn còn đến 65- 67 % năm 2007,  sinh sống nhờ nông - ngư nghiệp.  Cho nên không thể sao lãng canh tân ngành nông, vì nông ngư dân phần lớn nghèo khổ, tại một tỉnh có tiếng là một trong 4 tỉnh nghèo nhất nước như đã kể trên. Cũng như  đa số tỉnh khác, căn bản nông nghiệp Ninh Thuận vẫn còn là lúa gạo. Trong số 70 000 ha trồng trọt, lúa chiếm 33 400 ha( 3 vụ trong năm ) vào  năm 2007. Tăng 4- 5000 ha so với năm 1995, nhưng không mấy thay đổi kể từ  các năm 1999 – 2000. Năm 2007, tỉnh nhà sản xuất 173 000 tấn lúa, năng xuất trung bình  trên 5,2 t/ ha. Gần mức trung bình của cả nước, nhưng không phải là xuất sắc, vì khí hậu Ninh Thuận nhiều nắng suốt năm, làm lúa nước tưới tiêu có kênh mương dẫn thủy nhập điền mới cũ, đáng lý năng  xuất trung bình  các giống cao năng trung bình ngày nay phải là 6- 7 tấn/ha/vụ. Vụ lúa mùa Ninh Thuận thường có năng xuất kém  nhất so với các vụ Đông Xuân hay Hè Thu, có lẽ cần lưu ý chuyễn đổi, nếu được. Đáng quan tâm hơn nữa là năng xuất  bắp ( ngô ). Năm 2007, trồng trên 14200 ha, sản lượng là 36 300 t. Năng xuất bắp tỉnh nhà chỉ mới là 2.57t/ ha, tuy đã tăng gần gấp đôi so với các năm  1998- 1999, còn kém xa tiềm năng các bắp lai tuyễn chọn ở miền Đông Nam Bộ ( Ninh Thuận và Bình Thuận  thuộc miền  này), năng xuất  từ 7- 10 t/ha.

           - Hai cây  hạng nhất nước:  một cũ là thuốc lá nâu, một mới là nho ăn tươi
Trồng thuốc lá ở Ninh Thuận 
           Hiện nay lọai cây trồng thu họach bán lấy tiền- cash crop quan trọng nhất tỉnh là thuốc lá, trồng trên 1700 ha  cũng vào năm 2007 ở  trung tâm tỉnh và các vùng Tây và Đông Bắc thị xã Phan Rang. Sản lượng thuốc lá là 3300 tấn, chiếm đến 10.3 % tổng sản  lượng thuốc lá tòan quốc.  Nhưng đa số thuốc lá này chỉ  dùng  chế biến thành thuốc lá nâu kiểu Cotab… thuộc  Công Quản Thuốc lá Đông Pháp  ngày xưa. Không phải thuốc lá “ thơm”  vàng tơ -blond tobacco, kiểu thuốc lá  vàng thơm  ngọai quốc, còn nhập khẩu lậu nhiều. Cần thử nghiệm thêm ở những vùng đất đá sạn sỏi núi non kỷ thuật thích hợp trồng thuốc lá thơm ở Ninh Thuận, như đã thành công vào thời Cộng Hòa ở các vùng Vạn Ninh, Long Hòa,  Đèo Cả ( ? ) tỉnh Khánh Hòa ( ? ), đặc biệt các giống thuốc lá ít hay không có nicotine phổ biến những năm gần đây ở vài tiểu bang Hoa Kỳ, cho dân Việt nghiện hút ít độc hại hơn, vì dân Việt còn có quá nhiều người nghiện hút thuốc , trong khi mọi nơi y tế quốc tế cố gắng bài trừ tệ đoan này.                

             Ninh Thuận, từ năm 1980, đã nổi tiếng nhờ phát triển ở quanh nhà, những vườn nho ăn tuơi  - table grapes.  Diện tích nho ăn tươi Ninh Thuận  là 26 ha năm 1985, trong khi mãi đến năm 1994, cả nước vẫn chưa trồng được một mẩu tây  nho nào cả. Theo Lê Quang Quyền và Vũ xuân Long ( tài liệu FAO- 2000 ) thuộc Trung Tâm Nha Hố,  năm 2000, Ninh Thuận đã trồng được  hơn 2400 ha nho ăn tươi, 90 % tổng số diện tích trồng nho cả nước năm đó là  2675 ha , và  nho trồng các tỉnh miền Bắc  ( Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương, Vĩnh Phúc) lại là cả ba lọai: nho ăn tuơi, nho làm rựợu -wine grapes và cả nho khô – raisins nữa. Bỏ xa đằng sau  Bình Thuận, một tỉnh khác cũng chỉ trồng nho ăn  tươi( tập trung ở quận Tuy Phong )diện tích năm 2000 mới đạt 250 ha, 9 % tổng diện tích.. Thật ra nho ăn tươi đã được trồng thử khá thành công ở ngoại ô Sài Gòn, từ cuối thập niên 1960, với các giống du nhập Thái Lan, đặc biệt giống nho xanh White Malaga, nguồn gốc Tây Ban Nha. Vào đầu thập  1970, Trung tâm Nha Hố- Ninh Thuận đã thử nghiệm nhiều giống nho từ Hoa Kỳ, trong đó có các giống nho ăn tươi bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ tuyễn chọn cho các xứ nhiệt đới, đặc biệt thích hợp là giống Cardinal, một giống nho đỏ nâu. Vào giữa thập niên 1980, 4 giống nho ăn tươi phổ biến ở Ninh Thuận là các giống thử nghiệm ở Trung Tâm Nha Hố : Muscat blanc- Muscat de Hambourg (  nho vỏ xanh Pháp cũng đã thí nghiệm thành công ở Cam Bốt vào thập niên 1960-70 ), Alden , Ribier và Cardinal.  Chỉ có Cardinal là giống Ninh Thuận thích trồng mà thôi. Giống này có nhiều ưu điểm là cao năng, trái chín khó rụng cuốn khỏi chùm nho và tăng trưởng ngắn ngày hơn 3 giống kia. Chu kỳ  từ khi xén tĩa cành đến thu họach  khỏang 4 tháng, 85-95 ngày, nghĩa là có thể thu họach 3 lần một năm. Trong 4 Trung Tâm có  thu thập 3 lọai giống nho ( ăn tươi, làm rượu và nho khô )  ở Việt Nam,  Trung Tâm Khảo Cứu Bông Vải  ở làng Nha Hố, quận Ninh Sơn  có bộ sưu tập  các giống nho lớn nhất nước, tổng cọng  là 61 (? ) giống, gồm 12 giống  địa phương, giống ngọai du nhập từ lâu và  49 giống mới du nhập từ  Pháp, Hoa Kỳ, Úc Châu, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Đức và 3 giống dùng làm gốc tháp - rootstocks . 34 giống nho ăn tươi và  25 giống làm rượu nho.  Nghiên cứu cho thấy  các giống NH ( Nha Hố )- 01-08 , NH-01-48 và NH-01-60 là nho ăn tươi tốt,  NH-02-04, NH -02-10 và NH- 02-17 làm rượu tốt và  NH-01-17 làm nho khô tốt.  Tại Trung Tâm Rau Đậu và Cây Ăn Trái (Quả ) Hà Nội, giống nho ăn tươi tuyễn chọn  là Vilard Noir,  tại  Trung Tâm Tuyễn chọn Cây Trồng và Động Vật Địa phương Ninh Thuận và  Trung Tâm  Phát Triển Kinh Tế Xã hội Bình Thuận ở quận Tuy Phong là giống Black Queen.  Chỉ có giống  NH-01 – 48 là được nhà vườn Ninh Thuận thích trồng. Vì  tuy chu kỳ tăng trưởng từ xén tĩa cành đến thu họach dài hơn Cardinal  25- 30 ngày, nhưng  kháng được bệnh lá sương mai – powdery mildewthối chùm – bunch rot, chết lá non và lá già – downy mildew, tốt hơn Cardinal. Năng xuất cao hơn, phẩm giá trái cũng tốt hơn ( ngọt hơn, ít hột hơn, vị thơm hơn ). Kỷ thuật  trồng vườn nho ở Ninh Thuận và Bình Thuận là làm giàn lưới mắt cáo – treillis cao hơn hẳn đầu, thay vì đóng cọc căng dây cho nho leo ở Âu Mỹ. Dây nho cho leo trên giàn kiểu mạng nhện.  Nho Ninh Thuận trồng bằng hom - cuttings.  Tỉ trọng trồng thường là  2000 cây  một ha. Mùa trồng nho ăn tươi vào tháng chạp và tháng giêng mỗi năm.  Xen tĩa cành  bất cứ lúc nào, thường cách nhau 10 – 15 ngày. Nho Ninh Thuận mau già cỗi vì khai thác quá độ .  Mỗi năm thu họach từ 2.5 đến 3 lần , bất cứ lúc nào trong năm, tùy theo lúc xén tĩa cành. Nhà vườn phải nhổ nho già trồng lại sau 10 năm thu họach.  Năng xuất trung bình ở Ninh Thuận là  30 tấn trái/ha. Thí nghiệm ở Trung Tâm Nha Hố cho thấy: năm thứ nhất năng xuất rất nhỏ,  đến năm thứ ba mới cao, kéo dài đến năm thứ 6 - thứ 7 và giảm đi từ năm thứ 7 – thứ 8 , năm thứ 12 chỉ bằng năm thứ nhất  nghĩa là vườn nho đã già cỗi rồi, không bỏ công  săn sóc bón phân, xén tĩa, trị sâu – bệnh, phun thuốc điều hòa tăng trưởng … nữa. Mùa thu họach năng xuất cao là Đông-Xuân và  Xuân- Hè, và thu họach thấp, bất ổn là từ Thu đến Đông. Vì lợi lộc trồng nho ăn tươi rất cao, cho nên nhiều nông dân  đã  bỏ lúa và hoa màu khác xoay qua trồng nho, ngay cả ruộng làm được 2 mùa lúa  và trên  đất cát gần bờ biển. Những  vườn nho ở  điều kiện này  hay bị ngập lụt, đất  quá acid  hay quá ít chất dinh dưỡng, ít phì nhiêu, phải đầu tư bón phân tốn kém hơn. Mưa thường xảy ra cuối năm từ tháng 8 đến tháng 11, song song với nhiệt độ cao, khiến nhiều bệnh cây nho tai hại phát sinh mau lẹ. Cho nên phải  xịt thuốc trừ bệnh nhiều  lần, quá tốn kém. Hai năm  1998 và 1999, Ninh Thuận bị mưa giông và nước lũ, gây tai hại lớn cho các vườn nho, phá hủy 1487 ha và làm các vườn nho còn lại  sản xuất  thấp hẳn đi, nhiều năm sau mới phục hồi .
        
           Khảo cứu cải thiện  cây hốc tường mới -cũ, đến mức phát triển nho Ninh Thuận và thanh long Bình Thuận ?   
           Tuy nho là cây ăn trái  ưu tiên ở Ninh Thuận, một số lọai cây trái  khác cũng đáng tìm  hốc tường phát triển thích nghi ( đất đai,  khí hậu, khéo léo dân tình, thị trường, biến chế, bảo quản … ) tăng lợi tức cho dân nghèo tỉnh nhà. Trước tiên là các  cây chùm ruột, tên khoa học là Phyllanthus acidus, tên Pháp là  surette, tên Anh là  malay hay tahitian gooseberry, tên Khmer là  Kantout, có đặc điểm là cành mọc luôn luôn chĩa hai , trái vàng  mọc trên cụm hoa dài 5- 7cm , có 3 khía rỏ rệt và  hột lõi rất cứng. Không nên lầm với chùm ruột núi, tên Anh là emblic hay malacca tree , một lọai trái hoang dại mọc từ mặt biển lên đến 1500m,  cũng thích nghi cho khí hậu khô cằn như chùm ruột trồng trọt.  Có thể chùm ruột nguồn gốc Brasil. Nên tuyễn chọn các giống cao năng, chua ngọt hơn của Thái Lan, Cam Bốt, Brasil …, để sản xuất chùm ruột  ngâm muối  như Thái Lan đã xuất  khẩu sang Hoa Kỳ dưới  tên là Mayom , hay làm mứt chùm ruột, pha muối ớt trái khô mùi vị đậm đà. 
Cây chùm ruột
Dân Cam Bốt dùng lá chùm ruột làm gia vị cho cá. Nhưng phải  coi chừng vỏ cây chùm ruột khá độc. Từ mặt biển cho đến cao độ 700m vùng khô hạn,  tưởng nên tuyễn chọn  lòai bồ ( mùng , bần , mồng, mận ) quân đã trồng trọt nhiều nơi ở tên Anh là rukam tên khoa học là Flacourtia rukkam , một lọai hạnh đào xơ ri xứ nhiệt đới khô hạn, trái khá to 2.5 cm, giống không cần xoa vỏ nhiều, vỏ mới khỏi chát . Còn xơ  ri- hạnh đào xứ nóng  Gò Công, cùng họ thực vật với cây ổi thì cần mưa nhiều hơn nên thử nghiệm ở núi Chúa hay các núi  cao hơn gần ranh giới Lâm Đồng , Khánh Hòa ). Hay lai giống tuyển chọn cùng 8 loài hoang dại khác đã nhận diện ởViệt Nam là bồ quân  núi  Flacourtia montana vùng Ninh Hòa  hoặc  lòai mận xơ ri tổng trấn - governor plum tên khoa học là Flacourtia  indica  cũng  đã có mặt ở các rừng khô hạn Nha Trang – Phan Rang.  Một lọai bồ quân khác  là bồ quân Ba Tây, xơ ri  Brasil nhiệt đới, trái có vị nho, trái mọc đầy thân cành, tên khoa học là Myciaria cauliflora, tên Anh là Jabotica, trái cở 2.5cm  như nho đỏ, vỏ nâu tím hay đen, cây ra hoa ra trái suốt năm.  Trên đất kiềm Cà giang, nên nghĩ đến cây lựu  Punica granatum , tên Anh  là pomegranate , tên Pháp là grenadier, nay đã có nhiều giống tuyễn chọn, trái rất to ở miền Nam bang Ca Li và miền Nam bang Texas, Hoa Kỳ . Lẽ dĩ nhiên là không nên quên các loài  dừa lai mới , bổ gáo uống nước, cây thấp , trái nhiều, nước dừa ngon ngọt; các lọai mảng cầu ta – na  chịu khô hạn và  đất mặn , các lọai mảng cầu xiêm – corrosol các lọai mới Mễ Tây Cơ; các lọai táo ta – jujubes  đặc biệt là các giống táo ta  tân tuyển Ấn Độ Zyziphus mauritania, trái to hơn táo ta Thái Lan nhiều và tháp được trên táo ta chua địa phương Zyziphus rotundifolia; các loài dâu ta Baccaurea ramifolia , dâu da Baccaurea sapida ( không phải dâu tiên- nam trân Baccaurea  sylvestris  vùng Quảng Nam cần nhiều mưa hơn ), bòn bon giống ngọt lịm Mã Lai Á Lansium domesticum ;  ngay cả sung tây – sung ngọt ( figs ) Ficus carica lọai tuyển chọn mới không cần ong đặc biệt thụ phấn để hoa đậu ra trái; và  loài họ thị cây  hồng nhung trái nhăn nheo, nhưng thịt ngon ngọt Diospyros digyna, trồng nhiều ở vùng khô hạn . Cuối cùng có lẽ cũng nên khảo cứu thí nghiệm các giống cây  mọc tốt ở vùng khô hạn như nha đam Aloes vera, tông Agao- Agave; như nô- ni Morinda citrifolia  var bractata  trồng nhiều thay mía và thơm ( dứa, khóm ) ở Hạ Uy Di không phải cây ba kích và nhàu lá nhỏ làm thuốc cùng tông Morinda tìm thấy ở Việt Nam,  như cây  cồ nốc cây trái  kỳ diệu - Miracle fruit Synsepalum dulciforum trái trích lấy chất thaumatin có đặc tính làm mọi trái chua đều hóa ngọt  khi đặt vào lưỡi;  cuối cùng là các lòai Agao – Agave sp. lấy nhựa trích chíết chế tạo rượu mùi kiểu dân Mỹ la tinh ưa chuộng tequila.

       Tưởng cũng nên nhắc đến những cây trồng trên đất cát, có tưới tiêu, đã làm nhiều ở Ninh Thuận như các lòai gia vị hành tây, tỏi …, và ớt . Nhưng phải thay bằng các giống  hành -tỏi mới Á Châu hay  Âu Mỹ, nếu được lựa ớt cay quán quân trước đây ở Châu Mỹ la tinh như Habanero, Savina, mới đây là Bhut Jolokia ở Ấn Độ, Trinidad Scorpion ở Úc châu, Naga Viper- Infiniti Chili ( ? ) ở Anh. Cố gắng cải thiện làm rau đậu đặc sản Ninh Thuận như cuốn lá nho chay hay đệm thịt dê thịt cừu;  các lọai đậu xanh, đậu “dal” khác cao năng làm sốt cà ry; cải thiện giống khoai lang Trà Kiệu thành những khoai lang chiên ngon đang thịnh hành ở Hoa Kỳ, thay thế được khoai tây chiên kiểu Pháp – French fries ….  

          B – Ngư nghiệp

Cá mú
           Thống kê cho biết năm 2007, ngư nghiệp Ninh Thuận trị giá 1138.8 tỉ đồng VN, chiếm 1. 3%  trị giá ngư nghiệp tòan quốc,  cao hơn canh nông- nông nghiệp  rồi. Mức phát triển hàng năm  trung bình 11.7%, tăng mau hơn canh nông và là lảnh vực tiến mau nhất ở kinh tế tỉnh. Năm  2007, đã có 589 tàu đánh cá xa bờ. Ngư sản đánh bắt Ninh Thuận là những lọai tương đương với Bình Thuận, Phan Thiết, đặc biệt là tôm hùm Bình Ba nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn Phước và cá ngừ big eyes tuna cá trác scads… Nước mắm Phan Rang từ thập niên 1940, theo những tay sành nghề đã có tiếng đồn  có phần ngon hơn nước mắm Phan Thiết. Ninh Thuận là nơi phát triển nuôi tôm trên đất cát đầu tiên ở Việt Nam. Năm 200, đã có trên 120 ha nuôi tôm kiểu này, năng xuất cao từ  4-5 t đến 6.7 t tôm/ha. Ninh Thuận cũng nuôi nhiều lọai cá ngon như cá vược- cá chẻm sea bass hay barramundi  và – cá mú grouper Epinephelus …Vì mọi cải tiến phần thủy sản đều đã nêu lên và lạm bàn ở những bài nuôi cá biển hay phần thủy sản ở các bài liên quan đến tỉnh Cà Mau, tỉnh Phú Yên…,  nên không nói thêm nữa.

             4- Phát triển công nghệ                                        

- Năng lượng
Nhà máy thủy điện  Sông Pha  đặt vị trí ở quận Ninh Sơn, phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, công xuất trên 400 000 kw. Kế tiếp, tổ hợp Công ty điện lực Việt Nam –EVN đã quyết định đa dạng ra khỏi thủy điện ở tỉnh nhà. Tập trung vào các điện “sạch” . Ngày 25 tháng11 năm 2001, quốc hội Việt Nam  đã chấp thuận xây cất hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, tổng chi phí đầu tư là 200 ngàn tỉ đồng VN ( khỏang 11 tỉ đô la Mỹ).  Sẽ gồm có  hai nhà máy mỗi nhà máy là hai nhóm tua bin  công xuất 2000 000 kw, 5 lần hơn công xuất của thủy điện Đa Nhim hiện nay. Ninh Thuận đang ráo riết dựng các cột điện cao thế  nối với hệ thống mạng lưới điện quốc gia, cung cấp điện cho  các  xí nghiệp khu công nghệ đã và đang thành lập, tỉ như nhà máy thép Cà Ná sẽ cần rất nhiều điện, cũng như các thị trấn lớn nhỏ đang mở rộng thêm và các vùng du lịch.  Nhà máy thứ nhất  ở xã  Phước Dinh, quận Thuận Nam. Nhà máy thứ hai ở  xã Vĩnh Hải, quận Ninh Hải. Năm 2014, sẽ khởi công xây cất nhà máy thứ nhất và tua bin đầu tiên sẽ họat động năm 2020. Ninh Thuận là nơi có tỉ lệ  gió biển lớn nhất nước; ở cao độ  65m  tốc độ gió là 7-7.5m một giây. Tỉnh đã chấp thuận cho Công ty EAB Viet Wind Power Co.  môn bài phát triễn nhà máy điện gió Phước Hửu trị giá 1.5 tỉ đồng VN, một trong những dự án điện gió đầu tiên nước nhà. Chức quyền Ninh Thuận  cũng vừa chấp thuận nguyên tắc  cho Công ty liên doanh Đầu tư và Xây cất Trung Nam, phát triễn một dự án  điện gió lớn hơn, tổng công xuất là 200 000 kw, trên một diện tích  900 ha, ngang qua hai xã Lợi Hải và Bắc Phong ở quận Thuận Bắc. Tổng phí đầu tư  lên đến 500 triệu đô la Mỹ. Công Ty Trung Nam cũng cam kết  với  chức quyền Ninh Thuận  là sẽ thực hiện một nhà máy chế tạo trang bị điện gió cho các nhà máy nhỏ điện gió địa phương.  Ninh Thuận còn là tỉnh thứ ba nhận Đầu tư Ngọai Trực tiếp- FDI để sản xuất  ethanol sinh học –bioethanol.  Dự án này chiếm 60 ha để hình thành một phức tạp  trị giá 50 triệu  đô la Mỹ  ở Công Viên Công Nghệ  Phước Nam chế tạo ethanol, phân bón hóa học và thực phẩm chăn nuôi. Công ty Thái Việt BioEthanol JCS , một liên doanh các nhà đầu tư Thái chiếm 70% cổ phần  và Việt Nam 30 %.  Dự án sẽ khởi công năm 2011 ( ? ) và hòan tất năm 2012 , cung cấp trên 60 triệu lít ethanol mỗi năm cho thị trường trong nước và hải ngọai  như Nhật Bổn,Thái Lan, Hàn Quốc và Liên Hiệp Âu Châu.  Ngòai các cơ sở chế tạo, công ty cũng dự tính  trồng cây rừng (  cây soan vùng khô hạn hay cây nim – neem mọc tốt ở khí hậu Ninh Thuận ? ) cung cấp nguồn nguyên liệu làm ethanol, tạo công ăn việc làm cho tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận ( ? ).

-Các công viên công nghệ.
 Ninh Thuận hiện có hai công viên công nghệ - industrial parks. Vùng công nghệ Phước Nam đặt  vị trí ở Phước Nam, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm 15 cây số và cách phi trường quốc tế  Cam Ranh 70 km về phía Nam . Công viên này tụ điểm kêu gọi đầu tư vào các công nghệ ít ô nhiễm  như ráp xe gắn máy và ô tô, chế tạo các máy móc, vật liệu xây dựng  chế biến nông sản, thực phẩm, áo quần và những công nghệ  dùng nhiều nhân công rẽ tiền. Vùng công nghệ thứ hai là Du Long, nằm phía Bắc tỉnh, chỉ cách cảng Cam Ranh có 30 km.  Cũng  chỉ mới  tập trung vào các công nghệ tương tự Phước Nam,  chưa có công nghệ cao kỷ , tri thức nào cả.

Khai thác điện gió ở Ninh Thuận 
Hai công nghệ lớn Ninh Thuận nằm ngòai các công viên công nghệ đáng nêu lên là dự án  bán chế -semi processed  titanium thay cho xuất khẩu quặng titanium hiện nay, trị giá 1 ngàn tỉ đồng VN, do Công ty Sài Gòn Đầu tư - Sài Gon Invest Group SGI  sẽ thực hiện, tương tự dự án  SGI đã làm ở trung tâm tỉnh Bình Định  khai trương tháng 7 năm 2011. Công nghệ thứ hai là  dự án chế biến muối ( bể )  do Công ty Hạ Long Production and Investment Co. Ltd làm, trị giá 340 tỉ đồng VN giai đọan đầu, đã  họat động năm 2011, sẽ sản xuất 200 000 tấn muối một năm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 
Tương lai công nghệ Ninh Thuận là đóng tàu( chiến ? ) sau khi thực hiện nhà máy thép Cà Ná , đào tạo chuyên viên nhân công khéo léo vào công nghệ liên quan đến quốc phòng,  đặc biệt cho hải quân (? ) , hỏa tiễn, phần mềm computer thông minh, điều khiển học phá được radar địch ( ? ) … phòng vệ bờ biển nước nhà và võ khí, đạn dược…  “mới” chống cự xâm lăng  manh nha…, liên kết vòng đai phòng vệ ( núi non , bờ biển … ) Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ. Cũng như kiện tòan hệ thống du lịch biển và bờ biển từ Khánh Hòa qua Ninh Thuận đến cuối Bình Thuận kiểu Bờ biển Xanh Da Trời - Côte d’ Azur Pháp, kiểu Bờ biển Riviera hay Amalfi Ý hay kiểu Bờ biển Nam Ca li Hoa Kỳ ? .

( Irvine , Nam Cali ngày mồng chín tháng chín, năm 2011 )         



        

5 nhận xét:



  1. Kính anh,

    Tôi thành thật cám ơn anh đã gửi bài về Ninh Thuận. Thật ra gần như bao trùm tòan bộ lịch sử Champa.

    Bài này nghiên cứu rất công phu và tôi cũng rất lý thú về câu chuyện thiên niên kỷ Champa này.

    Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử đất nước thì nhận thấy rõ là đất nước mình đã kế thừa những nền văn minh lớn nhất của nhân loại:

    1. Văn minh Ấn Độ
    2. Văn minh Hồi Giáo
    3. Văn minh Trung Hoa
    3. Văn minh Tây Phương

    Cả nghìn năm trước đây, Việt Nam đã toàn cầu hóa rồi, ở cửa Đại và thương cảng Hội An. Năm 1293, Marco Polo trên đường tơ lụa trên biển từ phương đông về có ghé lại cù lao Chàm và đã ghi lại những cảm tưởng của mình về vương quốc Champa lúc bấy giờ!

    Trước đó thì các văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn cũng đã giao lưu và hội nhập với các văn hóa từ các đảo Đông Nam Á lên, cho nên dãi đất mà sau này trở thành Việt Nam là một địa bàn "đất lành" (promise land) của nhiều tộc người đến đó định cư và phồn thịnh.

    Trong thời đại của thế kỷ 21 này mà biên giới quốc gia cũng đã biến thể nhiều mặt vì tiến trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, Việt Nam cần định vị lại trên bản đồ thế giới để cộng đồng thế giới công nhận nước mình như một trung tâm văn hóa của nhân loại. Do đó trong thời đại mới, mình cần xây dựng hoài bão lớn cho đất nước, phản ảnh được sự kế thừa đặc sắc văn hóa của nhân loại.

    Tôi xin gửi anh bài về Hội An: nhỏ bé nhưng tuyệt đẹp... small but beautiful! để đáp lại tình nghĩa của anh Trình và bác Thiện.

    thân ái,

    THÁI QUANG TRUNG

    Trả lờiXóa
  2. Date: Fri, 22 Feb 2013 16:57:41 -0500
    From: tonthatthien@rogers.com
    To: tonthattrinh@hotmail.com; tqt.fof@gmail.com
    Subject: Grands esprits

    Trình, Trung thân,

    Đọc thơ của hai cậu, tui thấy nguời Pháp nói đúng: "les grands esprits se rencontrent...", và riêng tui, các bà chị tui thường nói đến "nghiệp" cũng đúng....

    Từ thòi Trung học tui đã để ý đến vấn đề "canh tân". Hồi ở Londres, thấy có trường dạy Chính tri-Kinh tế (LSE), thì cố thi vô. Nhưng càng học càng thấy thay đổi chính trị-xã hội mà không dùng bạo lực chủ yếu là một vấn đề văn hoá -- thay đổi tư tưởng (giá trị,) lối tư tưởng và hành động của đa số --.Cho nên từ lúc hưu trí, # 1992 trở đi, tui suy ngẫm và viết nhiều về cấn đề thay/sửa đổi văn hóa trong Thông Luận và Thế Kỷ 21. Ngày nay,sửa đổi văn hoá và hoà giải dân tộc là vấn đề suy nghẫm chính của tui. Bài "lớn"chót mà tui viết (đăng trong Diễn Đàn Thế Kỹ 21, on line) nói về "Vấn đề lớn nhứt hiện nay của Việt Nam" là tránh bị Trung Quốc thôn tính, và muốn có điều kiện để làm được việc này cần phải hoà giải dân tộc -- và hoà giải dân tộc đòi hỏi phải sửa đổi văn hoá trước! --.

    Vấn đề có nhiều ramifications lắm, nhưng căn bản vẫn là văn hoá -- lựa chọn giá trị, suy tư, hành vi ---.

    Các cậu đã nhận diện được điều đó và hướng suy tư về đó.

    Tui rất vui biết như vậy và, tuy già yếu, phải tránh làm quá sức, sẽ cố gắng góp ý với các cậu, vì...bị "nghiệp" báo!!!

    Tui cũng rất thèm, thấy các cậu còn thì giớ và sức lực để hoạt động như vậy (Trình còn 5+ năm, Trung 10+ năm nữa....)

    Sẽ bàn thêm.

    Thiện

    Trả lờiXóa

  3. Cám ơn anh Thiện và anh TQ Trung.
    Rất vui thấy anh Trung cho rằng văn minh Việt là tinh hoa của văn minh Ấn, Tàu , Tây phưong ... không chỉ riêng có Tàu . Cho nên tôi có nói sơ qua ở bài đính kèm là nguồn gốc văn minh văn hóa Việt Nam không phải chỉ là văn hóa Lạc Việt , một tộc dân vùng Triết Giang lưu lạc về phương Nam thành các sự tích ( do sử ký Tàu đem lại phổ biến cho miền Bắc rồi miền Bắc phổ biến cho miền Trung và sau 1975 cho miền Nam Việt Nam); Lạc việt, Âu cơ , Lạc long Quân , Hùng Vưong ,Thục Phan , Triệu Đà.. văn mình Phùng Dậu , Đông Sơn, Sông Hồng truớc đó, quên bẳng văn minh Sa Hùynh miền Trung pha Ấn độ thời Chàm, văn minh Óc eo - Phù Nam - thủy Chân lạp- văn minh sông Đồng Nai - Vàm Cỏ , châu thổ Củu Long của Miền Nam và miền Đông Nam Phần .

    Anh Thiện , anh Trung có thể nào đặt lại vấn đề nguồn gốc này không?, Triển khai những gì các anh đã viết ra ? Đặc biệt hướng khảo cứu này đúng ý niệm của anh Thiện là hai vấn đề lớn nhất cho VN là mai đây là tránh được Tàu thôn tính và cần 'hòa giải" với tinh thần hòa hợp các tộc dân cũ – mới Đông Dương- IndoChine và đã Tây phương Hóa, khởi đầu bằng giao tiếp với La Mã thời Oc Eo, Ba Thê ...

    Kinh thư
    TTT.

    Trả lờiXóa

  4. From: tonthatthien@rogers.com
    To: tonthattrinh@hotmail.com; tqt.fof@gmail.com
    Subject: Tuoi

    Trình, Trung thân,

    Tui sợ các cậu hiểu lầm về vấn đề 5+năm, 10+ năm, nên xin nói rõ:

    "Năm" mà tui đề cập đến trong thơ là năm hoạt động tích cực, plein gas, trong hoạt động của mình, chớ không phải năm tuổi.

    Theo kinh nghiệm và nhận xét của bản thân tui, từ 60 đến # 75 tuổi còn thuộc về lứa tuổi/age bracket còn xông pha, trí tuệ và cô thể còn sung túc, mình còn điều khiển công việc theo ý muốn được.

    Nhưng bắt đầu từ 75 thì tuy trí tuệ mình còn minh mẫn, sắc bén, cơ thể yếu đi, và bắt đầu "trở chướng", không làm theo mình muốn nữa. Như Bible nói: "The spirit is willing, but the flesh is not responding"...Đến 80 thì cơ thể yếu đi rõ ràng. Năng lực mình không còn như trước nữa. Trí tuệ cũng kém đi. Năng xuất mình xuống cấp rõ ràng.

    Trong thòi gian đó thường có một vài biến cố về sức khoẻ báo động/wake up call là mình đã qua lứa tuổi/age bracket khác, như stroke, dehydration, infection buộc phải đưa gấp/emergency vô nhà thuơng.

    Những chuyện đó là thuờng, phải có, do Tạo hoá định.

    Cho nên trong công việc, kế hoạch, chương trình mình dự định, nhứt là kế hoạch chương trình quy mô đòi hỏi mộ thời gian dài -- vài chục năm, hay cả 100 năm -- mới hoàn tất được, mình phải nghĩ đến vấn đề kế tiếp, chuyển đuốc: thế hệ trẻ, có bản lĩnh, tâm huyết; rồi phải huấn luyện, thử thách, theo dõi họ...

    Việc kế tiếp này rất quan trọng và phải cần được chú ý đến và làm ngay từ đầu. Có thể nó kéo dài cả chục năm....


    Mấy lúc ni tui nghĩ đến vấn đề ni tui nghĩ đến công trình của nhà Nguyễn trong việc gây dựng một quốc gia xứng đáng ở Miền Nam, nhưng chưa hoàn thành thì đã bị vụTây Sơn nỗi dậy, rồi Pháp xâm lăng cản trở; gần đây những cố gắng của các ông Diệm-Nhu để cứu Việt Nam (Nam+Bắc) không thành công được vì hoàn cảnh thế giới không thuận....

    Dù sao, thay/sữa đổi văn hoá cũng là một vấn đề lúc tuổi già của chúng mình, cần theo đuổi, được đến đâu hay đến đó.

    Vạn sự khởi đầu nan....

    Thiện

    Trả lờiXóa

  5. Hy vọng như anh nói là tôi còn chừng 5 năm để viết lách tùy hứng, nhưng cố gắng hướng dẫn con em phát triển đất nước . Đúng như anh Thiện nói, công trình chúa Mình ( Nguyễn Phước Chu ) là chúa hệ 7 dòng anh Tôn Thất Thiện đó . Chúa Võ ( Nguyễn Phước Khóat) là chúa khai sanh cho hệ 9 là hệ chúng tôi , cùng các đời Gia Long - Minh Mạng đã cố gắng mở mang cho xong vùng Đồng Nai- Cửu Long, nhưng đã bị Pháp xâm lược chận đúng mọi công trình này vào thời vừa Tự Đức .
    Xin anh viết thêm về những gì anh nghĩ nên làm để tiếp tục công trình các chúa Nguyễn và thời hai vua đầu nhà Nguyễn Phước . Đoc tài liệu cũ mới thấy là vua Gia Long đã để ý , dừng chân ở thác Gia Long , thuộc tỉnh Đắc Lắc ( Ban Mê Thuột ) ngày nay . Tôi gửi bài tỉnh Long An để thấy việt nam đã thành công phát triển luá gao và nuôi trồng thủy sản ở Đồng Nai - Cửu Long. Từ tháng 4 năm 1975, tôi không về VN, nên không rõ phát triển về đô thị hóa và công nghệ hóa các sông Đồng Nai - Vàm Cỏ , hạ lưu sông Cửu Long như thế nào ? chắc anh Thái Quang Trung biết rõ hơn, xin anh Trung triển khai hay điều chỉnh hộ nếu có . Nhân tiện anh Trần Như Long , cách đây vài chục năm , có hỏi tại sao quân Đỗ Thanh Nhơn lại gọi là quân Đông Sơn vì Đông Sơn phò chúa Nguyễn Ánh , gọi là Đông Sơn để chống với Tây Sơn . Gửi anh Quảng là vì ở buổi họp hội Việt Học Santa Ana, Cali nói về sách môi trường anh Tụng viết , chúng tôi có nêu lên là các phán xét cũ về môi trường có phần bi quan , ở bài Long An nói rõ hơn về phát triển (thành công phần nào) đất phèn các chuyên viên quốc tế Hòa-Lan , Nga, Hoa Kỳ. . . từ cuối thập niên 1950 đều chống đối , nhưng nay VN đã vượt qua phần nào các trở ngại . ... cảm ơn. Trình.

    Trả lờiXóa